Dù thỏa thuận thương mại không 'trong tầm tay', vì sao thế giới lại háo hức khi Mỹ và Trung Quốc lần đầu gặp gỡ?

Các quan chức thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong tuần này để thảo luận về việc hạ nhiệt cuộc chiến thương mại đang âm ỉ. Theo CNN, tương lai của nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào cuộc gặp này.

(Nguồn: Getty Images)

(Nguồn: Getty Images)

Ngày 6/5, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xác nhận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Greer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Geneva, Thụy Sỹ vào cuối tuần này.

Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc, khởi phát chiến tranh thương mại.

Tín hiệu mừng

Bất kỳ sự "tan băng" nào trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều có thể là một dấu hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai quốc gia và trên toàn cầu.

Ông Alfredo Montufar-Helu, người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc cho biết, mục tiêu chính của cuộc họp là thiết lập các điều kiện để đạt được thỏa thuận thương mại, bao gồm cả việc xác định những gì có thể đạt được và những gì không.

"Có thể có một số chiến thắng nhanh chóng, như tạm dừng thuế quan, điều này sẽ mang lại sự cứu trợ rất cần thiết cho các doanh nghiệp từ cả hai quốc gia", ông Alfredo Montufar-Helu dự đoán.

Mỹ đã áp dụng mức thuế ít nhất là 145% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh đã đáp trả bằng mức thuế 125% đối với một số hàng nhập khẩu từ Washington. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt với một quyết định khó khăn: Trả mức thuế cao hoặc ngừng bán hoàn toàn. Người tiêu dùng cũng sẽ phải chịu giá cao hơn hoặc thiếu hụt hàng hóa trong thời gian tới.

Thuế quan đã gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế. Nền kinh tế Mỹ quý I/2025 sụt giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên trong ba năm. Trong khi đó, hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng vào tháng 4.

Không riêng Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng cũng đã áp đặt mức thuế quan lớn đối với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới: Mức thuế chung 10% đối với hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế 25% đối với thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô và một số hàng hóa từ Mexico và Canada.

Vì vậy, thế giới đang háo hức theo dõi các cuộc đàm phán này.

Các nhà kinh tế toàn cầu tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự đoán rằng, cuộc chiến thương mại của ông Trump sẽ có tác động thảm khốc đến nền kinh tế toàn cầu, làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng ở một số quốc gia, khiến lạm phát tăng vọt.

Mỹ dự kiến sẽ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các quốc gia khác - bao gồm cả Trung Quốc - trả đũa bằng mức thuế quan cao hơn.

Nhiều nhà kinh tế dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể bước vào suy thoái trong năm nay.

Không còn lựa chọn nào khác

Như các nhà chức trách Bắc Kinh thường nói trong các tuyên bố của họ về thuế quan của Washington: Không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Điều đó đã trở nên rõ ràng trong những tuần gần đây, khi thuế quan cao gây thiệt hại đáng kể cho cả hai nền kinh tế và đóng băng hoạt động thương mại vốn đáng sôi động của hai quốc gia.

Theo Flexport, một công ty môi giới giao nhận và hậu cần, số lượng tàu chở hàng từ đất nước tỷ dân đến Mỹ đã giảm 60% vào tháng 4/2024. JPMorgan cũng ước tính, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ giảm tới 80% vào nửa cuối năm.

Giám đốc điều hành Ryan Petersen của Flexport nhận định: "Sau khi hàng tồn kho bị bán hết, giá sẽ tăng và xuất hiện tình trạng thiếu hụt hàng hóa".

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Cảng Los Angeles Gene Seroka thông tin, cảng này dự kiến có 80 tàu cập cảng vào tháng 5/2025, nhưng 20% trong số đó đã bị hủy. Khách hàng cũng đã hủy 13 chuyến hàng trong tháng 6/2025.

Bất chấp những cảnh báo ngày càng nghiêm trọng và tình hình kinh tế bất ổn nhưng có lẽ, hai nước vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận ngay trong lần gặp gỡ tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, các cuộc đàm phán là bước đầu tiên, nhưng ông hạ thấp kỳ vọng về một thỏa thuận. "Tôi cảm thấy rằng vấn đề ở đây là giảm leo thang căng thẳng, không phải là thỏa thuận thương mại lớn. Nhưng chúng ta phải giảm leo thang trước khi có thể tiến lên phía trước”, Bộ trưởng Scott Bessent nhấn mạnh.

Dù vậy, ngay cả khi không có thỏa thuận thương mại "trong tầm tay", các cuộc thảo luận trực tiếp vẫn rất đáng khích lệ. Khi thiệt hại đã bắt đầu "đong đếm" được ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu quá trình "tan băng".

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-thoa-thuan-thuong-mai-khong-trong-tam-tay-vi-sao-the-gioi-lai-hao-huc-khi-my-va-trung-quoc-lan-dau-gap-go-313635.html