Dự toán thu ngân sách năm 2023 quá thận trọng?
Năm 2023, Quốc hội đã quyết mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,5%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ dự toán mức thu ngân sách cả năm tăng 0,4% so với năm 2022. Liệu mục tiêu này có quá thận trọng?
“Thu thấp thì lấy nguồn chi ở đâu?”
Một ngày trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý đã cùng thảo luận tại tọa đàm "Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 - triển vọng và thách thức”.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - cơ quan ban hành Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội, cho biết: Ước thu thực hiện năm 2022 đạt 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% dự toán; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP. Năm 2023, dự toán thu ngân sách vào khoảng 1.620 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7% GDP.
Về chi, dự kiến ở mức trên 2.000 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán năm 2022; trong đó chi thường xuyên tăng 5,4%, chi đầu tư phát triển tăng 38,1%. Bội chi ngân sách nhà nước cả năm khoảng 455,5 nghìn tỷ đồng tương đương 4,42% GDP; nợ công khoảng 44 - 45%.
“Dự toán thu này đang quá thận trọng”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính bình luận. Ông phân tích, nếu tính theo GDP cũ, trung bình giai đoạn 2012 - 2019 thu trung bình đạt 24 - 25% GDP, nếu tính theo GDP mới đạt khoảng 18,5% GDP. Tuy nhiên, dự toán thu ngân sách giai đoạn tới chỉ đạt 15,7% GDP là quá thấp so với trung bình giai đoạn trước. “Có thể chúng ta tính toán giảm thu để khoan sức dân, song hệ quả là nguồn lực dành cho chi cũng giảm, vay sẽ nhiều hơn”.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh GDP tăng đều, ngoại trừ 2 năm 2020 và 2021 do dịch bệnh, nhưng số thu lại giảm xuống là vấn đề cần được đánh giá kỹ. Sang năm 2023, lạm phát ở mức 4,5% và có thể còn cao hơn. Điều này bất lợi cho người dân nhưng lại có lợi vì mọi nguồn thu đều tăng, đặc biệt với Việt Nam thu thuế về tiêu dùng nhiều, như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu... Như vậy, khả năng thu năm 2023 sẽ tốt hơn.
Dẫn chứng với các nước, vị chuyên gia của Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam có xu hướng giảm mạnh về số thu ngân sách so với trung bình các nước và chỉ cao hơn so với nhóm nước ở châu Á và châu Phi. “Điều này về lý thuyết là tốt, để khoan sức dân, song Việt Nam là nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, dưới 4.000 USD. Điều này đồng nghĩa nhu cầu chi rất lớn. Muốn chi nhiều thì phải tăng thu, nhưng thu giảm thì lấy nguồn chi từ đâu?”, ông Cường đặt vấn đề và khuyến cáo dự toán thu không nên quá thận trọng, không nên giảm quá nhiều mà cần điều chỉnh phù hợp.
Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, dự toán thu ngân sách năm 2023 là quá thận trọng khi chỉ tăng thu khoảng 6.000 tỷ đồng. “15 năm theo dõi dự toán ngân sách nhà nước của quốc gia thì năm nào tôi cũng thấy tăng, chưa năm nào không hoàn thành nhiệm vụ. Chính điều này khiến phân chia chi ít, không chủ động được công tác chi tiêu”.
Tuy nhiên, theo lý giải của ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, việc lập dự toán này dựa trên phân tích các khoản thu lõi (mang tính bền vững) từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các khoản thu không bền vững (phát sinh, thu một lần).
Ông Tân cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tiến độ thu hàng tháng đạt trung bình 11% dự toán song 6 tháng cuối năm chỉ còn 6%, thậm chí có tháng chỉ 4%. Nguyên nhân bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều vấn đề, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong hợp đồng, duy trì sản xuất nên số nộp ngân sách bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, diễn biến thế giới quá khó lường khi báo cáo cập nhật tháng 10 vừa qua của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy suy giảm kinh tế thế giới rõ rệt.
Trong bối cảnh có nhiều biến động, Chính phủ đã thảo luận kỹ và đưa ra mức dự toán thu như báo cáo trình Quốc hội. Đây là cách điều hành chủ động, chắc chắn, khả thi hơn. Bởi nếu đưa dự toán cao hơn để phù hợp với tăng trưởng kinh tế mà không đạt, chúng ta sẽ loay hoay trong bài toán rất khó khăn về cân đối ngân sách. Trong trường hợp vượt thu cũng đã có quy định rõ ràng trong Luật Ngân sách nhà nước là ưu tiên cho mục tiêu gì, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu phân tích trong cơ cấu thu của năm 2023, loại trừ các khoản thu không bền vững từ đất, xổ số, xuất nhập khẩu thì thực chất tăng 7 - 8% thay vì mức 0,4% so với năm 2022 như dự toán, khá sát tình hình. Trong bối cảnh biến động thế giới khó lường, chúng ta đang thực hiện chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục chính sách hỗ trợ về thuế nên không thể đặt dự toán thu quá cao.
Tăng chi đầu tư phát triển là thách thức rất lớn
Cũng theo các đại biểu, việc Chính phủ dự toán chi đầu tư phát triển năm tới tăng 38,1% là thách thức rất lớn, trong bối cảnh giải ngân đầu tư công vẫn đạt mức thấp, 10 tháng qua mới giải ngân trên 46%.
Ông Bùi Đặng Dũng đề xuất, cần có quyết tâm rất cao để thực hiện tăng chi cho đầu tư phát triển. Theo ông Dũng, khi trao đổi với các địa phương, họ cho biết việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực rất quyết liệt nhưng cơ chế, chính sách không rõ ràng khiến họ không dám làm vì sợ vướng lao lý. Tuy vậy, “chắc chắn sẽ có cách gỡ”. Nếu người đứng đầu địa phương, người làm chủ công trình chỉ đạo công tâm, công khai, minh bạch, bảo đảm 100% vốn đó vào công trình thì sẽ bảo đảm việc thúc đẩy đầu tư công được khởi sắc.
Còn theo ông Vũ Sỹ Cường, thách thức là làm thế nào để giảm chi thường xuyên nhưng vẫn bảo đảm tăng lương cho công chức; liệu có thể duy trì tỷ lệ chi đầu tư như dự toán? Cùng với đó, thách thức về kỷ luật ngân sách, về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những vấn đề cần lưu tâm. Việc thay đổi GDP làm giảm tỷ lệ nợ công song cần lưu ý nguồn vay và kỳ hạn vay nợ, sử dụng vốn vay cho hiệu quả, bảo đảm việc vay và trả nợ không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, qua đó mới bảo đảm quản lý nợ công bền vững.