Dự trữ ngoại hối có thể đạt 100 tỷ USD vào cuối năm nay
Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.
Hôm nay, 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2020, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua, bàn định hướng phát triển những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp (Ảnh: VGP)
Tập trung bàn chính sách, giải pháp để có tăng trưởng dương
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận về các tồn tại, khó khăn, cần tập trung chỉ đạo khắc phục. Đó là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; 8 tháng chỉ tăng 2,2%. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm do dịch Covid-19 quay trở lại.
Trên góc độ chung, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nguy cơ nhiều việc làm bị mất, nhất là đô thị. “Điều đó đòi hỏi chúng ta phải sớm có giải pháp hỗ trợ phù hợp”, Thủ tướng nói. Tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là mùa mưa bão đang đến.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận về các giải pháp, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong 4 tháng còn lại để phấn đấu không chỉ tăng trưởng dương mà còn đạt con số cần thiết, giữ được các cân đối lớn, giữ ổn định đời sống nhân dân.
Thứ nhất là thảo luận chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. “Các đồng chí cho ý kiến, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, cả về thuế, phí, lệ phí, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tín dụng ngân hàng…”.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc thảo luận chính sách hỗ trợ người lao động khi trước đó đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập. “Đây là việc xã hội rất mong”, ông nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị thảo luận về chính sách tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, cần giải pháp, chính sách đủ mạnh, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển.
Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, phải kích thích kinh tế mạnh mẽ, đồng thời cả phía cung và phía cầu vì cung và cầu hiện nay còn yếu. Cho nên, các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ phải phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng cao năng suất, sức cạnh tranh, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới.
Phiên họp Chính phủ tháng 8/2020 (Ảnh: VGP)
Dự trữ ngoại hối có thể đạt 100 tỷ USD cuối năm nay
Điểm lại tình hình tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, nhiều ngành quan trọng của đất nước ôn lại truyền thống hào hùng của ngành mình để tiếp tục đưa đất nước tiến lên trong giai đoạn mới.
Về dịch Covid-19, đến nay, chúng ta đã chỉ đạo kiểm soát tốt tình hình trong khi trên thế giới, trong ngày hôm qua, có 220.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng cũng không thể đóng cửa, không lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động.
Theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch Covid-19. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình tháng 8 có chuyển biến rất đáng mừng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ.
Đời sống nhân dân ổn định, số hộ thiếu đói giảm 75,3%. Tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí. Các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó, đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.
Về tình hình kinh tế-xã hội, trong tháng qua, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; giải ngân tháng 8 tăng 45,4%; 8 tháng năm 2020 tăng 30,4%, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Có 27 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.
Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.
Các lĩnh vực xã hội được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện. Đời sống người dân được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020, khối lượng công việc vẫn còn lớn; nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là rất nặng nề.