Dù tuyên bố phá sản nhưng vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ

Bạn đọc hỏi: Mới đây, một nghệ sỹ sinh sống làm việc tại TP.HCM tuyên bố đang trong cảnh nợ nần, phá sản và không có khả năng chi trả. Người này mong các chủ nợ 'châm chước' không gây áp lực và hứa sẽ trả nợ khi đủ điều kiện. Xin hỏi: Các tổ chức, cá nhân khi tuyên bố phá sản có đồng nghĩa với việc không phải trả nợ không? Việc tuyên bố phá sản của tổ chức, cá nhân có giá trị pháp lý như thế nào? Pháp luật quy định như thế nào về tuyên bố phá sản? Người cho vay tiền cần xử lý thế nào trong trường hợp tổ chức, cá nhân tuyên bố phá sản, xin khất trả dần, nhất là trường hợp cho vay nhưng không có giấy tờ, biên bản thỏa thuận? Nguyễn Văn Bảy (Hà Nội)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết trả lời: Trước hết, cần phải giải đáp những băn khoăn của bạn dưới góc độ là doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, khoản 2, Điều 4 - Luật Phá sản 2014 quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Như vậy, với doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ có hai điều kiện để được gọi là phá sản. Một là phải rơi vào trình trạng mất khả năng thanh toán và hai là phải có tuyên bố phá sản của tòa án nhân dân có thẩm quyền. Nếu một doanh nghiệp tự mình tuyên bố rơi vào tình trạng phá sản là không có giá trị pháp lý.

Đối với quy định phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được Luật Phá sản 2014 xác định như sau:

Thứ nhất là thủ tục, nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại tòa án nhân dân. Về thẩm quyền thì tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản.

Thứ hai là hậu quả pháp lý của việc ra quyết định mở thủ tục phá sản. Lúc này, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục kinh doanh nhưng chịu sự giám sát và có những việc doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm thực hiện. Cụ thể, theo quy định tại Điều 47 - Luật Phá sản 2014 thì sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Các hoạt động bị giám sát như: Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.

Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị cấm thực hiện các hoạt động như: Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; Từ bỏ quyền đòi nợ; Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Và sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi. Cùng với đó là giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 6 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu. Đó là giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường; Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn; Tặng cho tài sản; Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Các giao dịch trên của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện với công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ, công ty con, người quản lý công ty con hoặc vợ chồng, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, anh chị em ruột của người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã …. trong thời gian 18 tháng trước ngày tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản cũng bị xác định là vô hiệu.

Nếu doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp hoặc thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại hết khoản nợ

Nếu doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp hoặc thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại hết khoản nợ

Thứ ba là thứ tự phân chia tài sản khi Thẩm phán ra Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì theo quy định tại Điều 54 - Luật Phá sản 2014, trường hợp Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán thì thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự là: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

- Người cho vay tiền cần xử lý thế nào trong trường hợp tổ chức tuyên bố phá sản nếu có văn bản thể hiện cho vay hoặc không có giấy tờ biên bản thỏa thuận thể hiện việc cho doanh nghiệp vay tiền?

- Do thực hiện thủ tục yêu cầu thanh toán nợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đang rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán là thủ tục tại tòa án và yêu cầu cần có các tài liệu chứng cứ vật chất chứng minh nghĩa vụ thanh toán nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy, người cho vay nếu chưa có các tài liệu, văn bản thể hiện việc mình cho vay tiền thì cần liên hệ với doanh nghiệp, hợp tác xã để có những buổi làm việc thống nhất lại số tiền đã cho vay được ghi nhận bằng văn bản. Tại văn bản cần có chữ ký của người có thẩm quyền của doanh nghiệp và đóng dấu xác nhận. Trường hợp người vay không thể liên hệ để thực hiện những buổi làm việc trực tiếp thì có thể gửi email điện tử giữa mình cho doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người có thẩm quyền giải quyết khoản nợ của doanh nghiệp hoặc có những file ghi âm giữa mình và người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền giải quyết khoản nợ làm tài liệu, chứng cứ.

Thực tế hiện nay cho thấy, trong quá trình giải quyết các vụ việc thì các nội dung trao đổi tại Zalo, Messenger, Viber, tin nhắn điện thoại thông thường… thể hiện được các nội dung vay mượn vẫn được ghi nhận là tài liệu phục vụ việc chứng minh nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, tùy từng trường hợp để người vay có thể áp dụng thu thập tài liệu, chứng cứ cho phù hợp.

Như đã nói ở trên, quy trình để thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp tác xã, doanh nghiệp phá sản thì các đối tượng có quyền, nghĩa vụ phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tới tòa án nhân dân. Thẩm phán tổ chức hội nghị chủ nợ dựa trên giấy đòi nợ được gửi đúng thời hạn. Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra các nghị quyết đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản hay đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hay đề nghị tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Vì vậy, khi thấy doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán, người vay cần xem xét nếu mình đủ điều kiện thì chủ động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, người vay gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để được đảm bảo tham gia hội nghị chủ nợ và thuộc đối tượng được phân chia tài sản theo quy định tại Điều 54 - Luật Phá sản 2014.

- Cá nhân tuyên bố phá sản có giá trị pháp lý không? Có đồng nghĩa với việc không phải trả nợ hay không? Chủ nợ không có giấy tờ gì có thể làm gì?

- Pháp luật chỉ quy định về phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã tại Luật Phá sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành và không có khái niệm phá sản đối với cá nhân. Một cá nhân tuyên bố phá sản cũng được hiểu là họ mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính với người cho vay. Tuy nhiên, việc cá nhân này tự tuyên bố phá sản không đồng nghĩa với việc loại trừ khả năng trả nợ đối với người cho vay. Người cho vay vẫn có quyền gửi đơn khởi kiện tới tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu tuyên cá nhân đó phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình. Thẩm quyền của tòa án nhân dân và hồ sơ giấy tờ cần thiết cho việc nộp đơn khởi kiện được quy định cụ thể tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Người cho vay xem xét tùy từng trường hợp, nếu thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể gửi đơn tới cơ quan công an để được xem xét giải quyết. Trường hợp người cho vay mà không có các văn bản, tài liệu chứng minh việc cho vay mượn thì cần thực hiện các việc tương tự như đã nêu trên đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/du-tuyen-bo-pha-san-nhung-van-phai-co-nghia-vu-tra-no-post537144.antd