Dư vị đắng chát ở Hãng phim truyện Việt Nam

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú tổng kết nhiều vấn đề của điện ảnh Việt Nam 2024. Ông cũng đề cập chuyện xót xa ở Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa.

Đề xuất mở Viện dịch thuật văn học, vận hành Quỹ phát triển điện ảnh

Từ sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ nhân dịp cuối năm 2024, nhiều vấn đề của văn học nghệ thuật nước nhà được gợi mở, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn.

Ở lĩnh vực điện ảnh, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận định điện ảnh nhà nước chủ yếu thực hiện “nhiệm vụ chính trị” trọng tâm, còn khu vực tư nhân nổi bật với dòng phim đơn thuần giải trí, thương mại. Bên cạnh đó manh nha một dòng sáng tác mang tính tác giả, thể nghiệm của các nhà làm phim độc lập, người làm phim trẻ.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Huấn.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Huấn.

"Với nhiệm vụ hỗ trợ sáng tác trẻ, phim đầu tay, phim nghệ thuật, phim tác giả… nhằm khuyến khích tài năng điện ảnh và tạo nên những tác phẩm giàu năng lực hội nhập, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2022 thông qua. Nhưng tiếc thay, đến nay Quỹ vẫn chưa thể vận hành", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, các lĩnh vực sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim chịu mức thuế tăng gấp đôi so với trước đây. Vì vậy, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú đề xuất trích ra một phần từ mức thuế tăng thêm để Quỹ điện ảnh triển khai hoạt động.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhắc đến "dư vị đắng chát" ở Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa. "Một đơn vị từng là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng nay hoang tàn, đổ nát và đại bộ phận nghệ sĩ, người lao động không việc làm, không lương", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Cảnh đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Cảnh đổ nát ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Sau thời gian dài không sản xuất phim, giá trị kinh tế có thể khai thác từ địa chỉ này bị lãng phí. Năng lực sáng tạo của người làm phim cũng mai một.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú mong sớm có "lối ra phù hợp với quy định của pháp luật", biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng bế tắc hiện nay để nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam có việc làm.

Ở lĩnh vực văn học, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh văn học nghệ thuật phải bám sát đời sống, gắn vận mệnh với Tổ quốc. Ông bày tỏ mong muốn có Viện dịch thuật văn học mang tầm cỡ quốc gia để đưa văn học Việt Nam ra thế giới, đóng góp vào công nghiệp văn hóa.

Sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu chiều sâu

Nhắc lại các thành tựu của đội ngũ văn nghệ sĩ trong suốt 76 năm qua, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - khẳng định tư tưởng, tình cảm của đội ngũ văn nghệ sĩ góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ những hạn chế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đó là tình trạng thiếu vắng những tác phẩm lớn, có tầm vóc thời đại.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - tại hội nghị. Ảnh: Trần Huấn.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - tại hội nghị. Ảnh: Trần Huấn.

"Do ảnh hưởng của thị trường và sản phẩm ngoại lai, một bộ phận sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường, thiếu chiều sâu, làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Về các lớp văn nghệ sĩ kế cận có khả năng nối tiếp dòng chảy văn nghệ còn hạn chế, trong khi lớp nghệ sĩ gạo cội ngày càng vơi đi", PGS.TS Đỗ Hồng Quân nói.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề cập những vấn đề là điểm nghẽn đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật như thu nhập, khó khăn về tài chính, cơ chế đãi ngộ và khuyến khích.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đề xuất cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm, trong đó có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ văn nghệ sĩ về xuất bản, quảng bá tác phẩm.

Ngọc Ánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-vi-dang-chat-o-hang-phim-truyen-viet-nam-post1705550.tpo