Du xuân lên thăm Phố Cát
Không chỉ là một danh thắng nức tiếng xứ Thanh, Phố Cát, thuộc thị trấn Vân Du (Thạch Thành) còn là vùng đất của lịch sử, huyền thoại. Ngày xuân lên thăm Phố Cát, giữa cảnh quan thiên nhiên hữu tình, du khách có dịp lắng lòng trong những chuyện kể.
![Đền Phố Cát thờ thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_361_51431399/497ea06c9a22737c2a33.jpg)
Đền Phố Cát thờ thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Nằm ở phía Đông huyện Thạch Thành, Phố Cát là vùng đất bán sơn địa, núi rừng bao quanh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Xung quanh nơi đây được tạo hóa ban tặng cho hang động, núi non, thác nước và những con người đầu tiên đã nương theo đó để lập dựng bản làng, xây đắp cuộc sống mỗi ngày thêm ấm no. Và phải chăng vì Phố Cát thiên nhiên hữu tình, con người thuần hậu mà năm xưa, con gái Ngọc Hoàng đã chọn Phố Cát làm nơi “giáng trần”!
Từ TP Thanh Hóa, du khách đi ra phía Bắc, rẽ vào thị trấn Hà Long (Hà Trung), đi thêm một quãng không xa là đến Phố Cát. Hoặc có thể theo Quốc lộ 217, ngược lên thị trấn Kim Tân và vòng xuống Phố Cát. Sự thuận tiện của hệ thống đường giao thông sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm du xuân thú vị.
Về địa danh Phố Cát (lũy Phố Cát), sách Đại Nam nhất thống chí đã viết: “Lũy cũ Phố Cát ở bên núi An Lão thuộc huyện Thạch Thành, giáp địa phận Phụng Hóa tỉnh Ninh Bình, nơi núi rừng sâu rộng, dưới có ngã ba; phía Tây Nam đi đến châu Lang Chánh, phía Bắc đi đến tỉnh Ninh Bình, phía Đông đi sang là huyện Tống Sơn, lũy có từ thời Lê, cao 6 thước, bên trong rộng 6,7 mẫu, từ trước đến nay vẫn bắt dân ở động sách sở tại canh giữ. Tương truyền nhà Lê đặt trạm ở đây, gọi là trạm Cát, đường thượng đạo từ đường này xuất phát...”.
![Ngày xuân, du khách về tham quan, dâng hương, vãn cảnh tại danh thắng Phố Cát.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_361_51431399/5492b98083ce6a9033df.jpg)
Ngày xuân, du khách về tham quan, dâng hương, vãn cảnh tại danh thắng Phố Cát.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du, cho biết: “Dù núi rừng bao quanh, núi non liền mạch nhưng từ xa xưa đến nay, Phố Cát luôn có sự “cơ động” thuận tiện về cả bốn hướng, trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để vùng đất Phố Cát vươn mình phát triển, trở thành trung tâm văn hóa và giao thương, phát triển kinh tế của vùng”.
Còn theo nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn: “Chữ “Cát” có từ thời Lê và có thể xa hơn nữa. Còn hình thành tên gọi Phố Cát có thể là từ khi có đồn, có trạm đặt ở đây. Trong các văn bia, tài liệu từ đầu thời Nguyễn đến giờ cũng như cách gọi của Nhân dân gần xa, lúc nào cũng chỉ thống nhất với tên gọi Phố Cát và ngôi đền thờ “Mẫu nghi thiên hạ” (Mẫu Liễu Hạnh) cũng gọi là đền Phố Cát. Hiện nay, danh từ Phố Cát không phải chỉ để gọi dãy phố hai bên đường cái quan có dân cư tụ họp từ lâu, mà còn là địa danh và tên gọi chung cho phần lớn khu vực núi non, sông nước, khu dân cư...”.
Phố Cát là vùng đất của lịch sử và huyền thoại. Điều đó đã được minh định bằng những dấu tích, chuyện kể còn lưu truyền qua thời gian đến ngày nay.
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, khi nghĩa quân của Bình Định vương Lê Lợi hành quân qua đây đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân các bản làng trên đất Phố Cát. Đến thế kỷ XVIII, Phố Cát là “quê hương” cũng là căn cứ cuộc khởi nghĩa nông dân do Lê Duy Mật khởi xướng và lãnh đạo; những năm tiền khởi nghĩa, Phố Cát lại là nơi in dấu bước chân các chiến sĩ du kích cách mạng ở chiến khu Ngọc Trạo. Đây là nơi liên lạc và tập kết lực lượng cho chiến khu với mật khẩu “Ai lên Phố Cát”.
Và trong trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, “Phố Cát cũng là đầu mối và căn cứ quan trọng của chiến khu Hà - Ninh - Thanh trong 9 năm chống Pháp. Trong 9 năm ấy, ngoài sự đóng góp sức người, sức của cho chiến trường, giúp đỡ trực tiếp cho bộ đội và thương binh của Nhân dân vùng Phố Cát, đền Thánh Mẫu còn quyên cho kháng chiến được 18kg vàng, 36kg bạc, 1,4 tấn đồng và nhiều tiền của khác... Phố Cát của kháng chiến và cách mạng, Phố Cát của tình người, nhưng Phố Cát cũng là một túi bom ghi sâu tội ác của thực dân Pháp. Di tích - thắng cảnh Phố Cát đã bị nhiều vết thương. Một số công trình kiến trúc uy nghi, hoành tráng đã bị đánh sập...” (sách Thanh Hóa di tích và thắng cảnh).
Đi qua thời gian và lịch sử, danh thắng Phố Cát đến nay vẫn là trung tâm - điểm nhấn của “bức tranh” vùng đất trung du “diễm tình”. Như khẳng định của nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn: “Sự ngưỡng mộ Phố Cát, ngoài yếu tố lịch sử, địa lý và cảnh đẹp, còn có một yếu tố rất quan trọng là sự ngưỡng mộ đến đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nơi đây”.
Truyền thuyết dân gian kể rằng, Liễu Hạnh vốn là con gái Ngọc Hoàng, vì mắc tội mà bị đày xuống trần gian, nhiều lần thác sinh. Có lần, nàng cùng hai cung nữ từng giáng hạ nơi vùng đất Phố Cát. Tại đây, con gái Ngọc Hoàng đã ban nhiều phép lạ cho dân. Để tỏ lòng biết ơn nữ thần, người dân đã lập dựng đền thờ nguy nga, thành kính hương khói phụng thờ. “Vì vậy, nàng đã được tôn thờ là Tiên chúa, Đệ nhất thành hoàng, Mẫu nghi thiên hạ, Mã Hoàng công chúa, Chế thắng Đại vương... Triều đình cũng phong thần cho nàng. Nữ thần luôn ban ân đức cho mọi người nên đã được Nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu” (sách “Thanh Hóa di tích và thắng cảnh”). Thánh Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ được thờ tại đền Phố Cát. Bên cạnh đó còn có đền Quan Giám sát.
![Danh thắng Phố Cát nằm giữa một vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_361_51431399/c079226b1825f17ba834.jpg)
Danh thắng Phố Cát nằm giữa một vùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Đền Phố Cát tọa lạc trên lưng chừng núi Dết (tên núi theo cách gọi của người dân địa phương) giữa một vùng cảnh quan kỳ tú, vừa thâm nghiêm mà vẫn toát lên nét diễm tình. Phía trước đền có những ngọn núi đá như bức bình phong, xung quanh còn có núi Trôi, núi Long, núi Ly, núi Hổ, núi Vực Voi...; những dòng suối chảy về trước cửa đền, tạo thành một hồ nước tuy không quá lớn nhưng quanh năm xanh mát, đàn cá tung tăng bơi lội. Bên hồ có tháp Vọng ngư.
Đền Phố Cát được khởi dựng thời Lê, trùng tu thời Nguyễn. Trải qua thời gian, chiến tranh, bom đạn khiến nhiều công trình kiến trúc thuộc di tích bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, những năm qua với lòng ngưỡng vọng Thánh Mẫu và các vị thần, người dân địa phương và các nhà hảo tâm, du khách xa gần đã cùng chung tay đóng góp kinh phí trùng tu, tôn tạo các công trình trong di tích, là đền Mẫu, đền Quan Giám sát, tháp Vọng ngư, cầu đá... Lễ hội đền Phố Cát diễn ra vào ngày 18 tháng 2 (âm lịch) hằng năm.
Với giá trị cảnh quan, kiến trúc và tín ngưỡng tâm linh, Di tích và thắng cảnh Phố Cát là điểm đến tham quan, dâng hương vãn cảnh cho du khách xa, gần.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách “Thanh Hóa di tích và danh thắng” và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/du-xuan-len-tham-pho-cat-35403.htm