Du xuân qua miền di sản
Mùa xuân, về miền di sản xứ Thanh, Nhân dân và du khách sẽ được hòa mình vào không khí nô nức trẩy hội xuân. Với mong muốn trải lòng, thư giãn để cảm nhận những điều tuyệt vời của mùa đẹp nhất trong năm.
Người dân và du khách tham quan, vãn cảnh tại Na Sơn Động Phủ (Như Thanh).
Đón nhận sức sống căng tràn của thiên nhiên, hoa lá và sự tươi vui của khí xuân; khao khát về một cuộc sống bình an, đủ đầy, hạnh phúc, nhiều người đã lựa chọn chuyến du xuân “lên rừng xuống biển” để hướng lòng mình về cội nguồn, thiên nhiên. Những điểm đến nổi tiếng khắp xa gần trong chuyến du xuân “lên rừng xuống biển” đó là Am Tiên, Cửa Đạt, Phủ Na, Sầm Sơn. Không biết từ bao giờ, đây đã trở thành nơi tìm về chiêm bái, vãn cảnh của người dân khắp mọi nơi mỗi dịp tết đến, xuân về.
Nói đến Na Sơn Động Phủ hay Phủ Na (Như Thanh) thì đây là một điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của xứ Thanh. Đây là một di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tọa lạc ở chân dãy núi Nưa gắn với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Đức Thánh Tản Viên. Nơi đây cũng từng là địa bàn Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trải qua bao năm hình thành và phát triển của lịch sử cùng cộng đồng cư dân, Na Sơn Động Phủ đã trở thành trung tâm tín ngưỡng lớn thờ mẫu và các nhân vật lịch sử như Bà Triệu, Đức ông Triệu Quốc Đạt. Phủ Na không chỉ nổi tiếng với tính “thiêng” mà còn hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên kỳ ảo, huyền bí. Do đó, Na Sơn Động Phủ luôn là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách đến chiêm bái, vãn cảnh nhân dịp đầu xuân năm mới.
Trong chuyến du xuân “lên rừng xuống biển” đầu năm, đền Độc Cước là một điểm đến tâm linh không thể bỏ qua. Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn), là nơi thờ thần Độc Cước - người có công đánh lui quỷ biển và đánh giặc bảo vệ xóm làng và các đức Thánh Nhân, Thánh Mẫu. Đền Độc Cước mang đậm màu sắc rêu phong cổ kính theo lối kiến trúc của thời Nguyễn. Nơi đây gắn liền với nhiều lễ hội và các kỳ đại lễ nhằm thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân công đức của thần Độc Cước và các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, tôm cá đầy khoang, mùa màng thắng lợi, du lịch phát triển.
Về với miền di sản dịp đầu xuân, ngoài hành trình “lên rừng xuống biển”, Nhân dân và du khách còn có thể khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp hài hòa, độc đáo của nhiều điểm, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: động Tiên Sơn, làng cổ Đông Sơn, công viên văn hóa Hội An (TP Thanh Hóa); đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn); đền Cô Bơ, đền Trần Hưng Đạo (Hà Trung); Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... Nói rằng Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều vẻ đẹp độc đáo, kỳ vĩ, trở thành một miền di sản cũng không quá bởi mỗi vùng đất, mỗi điểm đến, mỗi di tích trên mảnh đất xứ Thanh đều mang một nét riêng khác mà hiếm có sự trùng lặp song lại rất gần gũi, quen thuộc. Điều đó đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sự thống nhất, hài hòa của văn hóa xứ Thanh.
Là một miền di sản độc đáo, hấp dẫn thì ngoài những di tích, danh thắng, điểm đến nổi tiếng, xứ Thanh còn nổi bật với một chuỗi các lễ hội. Từ lễ hội gắn với di tích nổi tiếng, các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng thời đại đến lễ hội đặc trưng cho vùng, miền, dân tộc gắn với các lễ nghi trong nông nghiệp, ngư nghiệp, đời sống sinh hoạt. Các lễ hội trải dài từ miền núi, trung du, đến đồng bằng và miền biển, diễn ra xuyên suốt trong năm, song chủ yếu diễn ra trong mùa xuân, như: lễ hội Cầu ngư, lễ hội Mường Xia, lễ hội Pôồn Pông, lễ hội Mường Khô, lễ hội đền Trần, lễ hội Xuân Phả; lễ hội Bà Triệu...
Mùa Xuân Giáp Thìn trên mảnh đất xứ Thanh như có phần hân hoan, tự hào hơn. Bởi, xuân nay người dân tỉnh Thanh vừa được hòa mình vào không gian của lễ hội vừa được vinh dự đón nhận thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có lễ hội Nàng Han (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân); lễ hội Mường Khô (xã Điền Trung, huyện Bá Thước), lễ hội Sét Boóc Mạy (xã Cán Khê, huyện Như Thanh) được tổ chức vào dịp đầu xuân.
Ngày mùng 5 tháng Giêng vừa qua, người dân tộc Thái, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) đã nô nức trẩy hội Nàng Han trong niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao khi lễ hội Nàng Han được vinh dự có tên trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Nàng Han là một lễ hội truyền thống của người Thái Thường Xuân trong dịp đầu xuân, là dịp để đồng bào Thái tỏ lòng biết ơn đối với Nàng Han - người con gái dân tộc Thái, dũng cảm, mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn. Lễ hội với các nghi lễ truyền thống được người dân thực hành, lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác đã phản ánh chân thực nhân sinh quan, đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Thái Vạn Xuân. Lễ hội từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây trong dịp đầu xuân. Lễ hội thể hiện khát vọng hòa bình, mong ước mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả của đồng bào Thái mường Chiềng Bán. Không những vậy, lễ hội Nàng Han còn là “đất diễn” của những loại hình nghệ thuật diễn xướng, trò chơi dân gian. Để từ đó, những giá trị văn hóa ấy vẫn luôn sống mãi trong tiềm thức, đời sống của cộng đồng người Thái và người dân xứ Thanh.
Không riêng lễ hội Nàng Han, lễ hội nào cũng đều là “chiếc gương” phản chiếu đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần của một cộng đồng dân cư; là ngày hội để người dân cùng hướng về cội nguồn lịch sử, cùng chung khát vọng về hòa bình, về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, viên mãn. Bởi những điều đó, trẩy hội mùa xuân đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh cũng như người Việt. Nó trở thành “điểm hẹn” đầu xuân để mỗi người sống chậm lại, tự ngẫm về những giá trị trân quý của cuộc sống, biết đoàn kết, yêu thương, sẻ chia để sống trách nhiệm hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/du-xuan-qua-mien-di-san/207332.htm