Du Xuân về miền lễ hội

Trong tâm thức người Việt, mùa Xuân là mùa lễ hội. Với hơn 300 lễ hội, miền đất cội nguồn là một trong những tỉnh có nhiều lễ hội nhất cả nước, đặc biệt là trong tháng Giêng. Từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến vùng núi cao, mỗi vùng miền lại có những lễ hội mang nét độc đáo và giá trị riêng, tạo nên bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.

Rước kiệu, múa tiên là một trong những nét đặc trưng của Lễ hội Đền Du Yến, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.

Rước kiệu, múa tiên là một trong những nét đặc trưng của Lễ hội Đền Du Yến, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba.

Miền đất của những lễ hội

Phú Thọ được coi là miền đất của những lễ hội, các lễ hội dân gian truyền thống vẫn giữ được bản sắc, đặc trưng riêng như: Lễ hội truyền thống Đền Quốc Tế (huyện Thanh Thủy); Lễ hội Đền Trù Mật (thị xã Phú Thọ); Lễ hội Đền Vân Luông, Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa (thành phố Việt Trì); Lễ hội Đền nhà Bà (huyện Phù Ninh); Lễ hội Đình Ngọc Tân (huyện Đoan Hùng); Lễ hội Đình làng Gia Dụ, Lễ hội Đình làng Quang Húc (huyện Tam Nông)... Để người dân và du khách hiểu thêm về bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ thông qua các lễ hội, Ban tổ chức đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống.

Có rất nhiều lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như: Lễ hội Đền Du Yến (huyện Thanh Ba); Lễ Mở cửa rừng của người Mường (huyện Yên Lập); Lễ hội Đền Lăng Sương, Lễ hội Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy); Lễ hội Rước chúa gái, Lễ hội Trò Trám (huyện Lâm Thao); Lễ hội Đình Hùng Lô, Lễ hội Đền Tam Giang (thành phố Việt Trì), Lễ hội Đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa)...

Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa năm nay được tổ chức gắn với lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ. Nhiều hoạt động phần lễ và phần hội được tổ chức như lễ tế tam vị Đức Ông, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, liên hoan văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, trong đó tâm điểm là nghi lễ tế nữ quan. Để lễ tế được diễn ra trang nghiêm, đảm bảo đúng nghi lễ trong ngày chính lễ mùng bảy tháng Giêng, đội tế gồm 21 cô gái thanh tân, có phẩm hạnh tốt đã luyện tập trong một tháng. Em Trương Thị Kiều Oanh - học sinh Trường THPT Xuân Áng, huyện Hạ Hòa cho biết: “Từ khi được lựa chọn vào đội tế, em và các bạn đã tích cực luyện tập để đảm bảo hoàn thành nghi lễ một cách nghiêm trang, tỏ lòng thành kính, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ”.

Lễ Mở cửa rừng của người Mường huyện Yên Lập (Đoọc Moong hay còn gọi lễ hội Tì Sằn) được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch với ý nghĩa tạ ơn núi rừng, mở ra một mùa săn bắt, hái lượm mới của người Mường, cùng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, thể hiện ước nguyện, khát vọng về một cuộc sống ấm no, sung túc, đủ đầy, bản làng hòa thuận, vui vẻ. Nét độc đáo nhất và là tâm điểm của Lễ hội là thực hành các nghi lễ tái hiện cuộc đi săn của các phường săn xưa. Bắt đầu nghi thức đi săn, một người săn giỏi (trùm săn) sẽ cùng các bậc lão niên giàu kinh nghiệm bàn định hướng xuất phát và chọn điểm săn. Các tay săn còn lại trong phường tỏa ra vây, tìm chỗ đón lõng thú rừng ở các khe, lối mòn đợi chờ con thú đi qua. Sau các nghi thức là phần hội tưng bừng náo nhiệt với các điệu hát Rang, hát Ví, hò đu, múa mỡi, múa Xênh tiền, đâm đuống, kéo co, bắn nỏ... Âm thanh của tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng hòa cùng tiếng reo hò, nói cười của người dân xứ Mường trong mùa Xuân giữa núi rừng tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi, khích lệ tinh thần hăng say lao động của bà con trước mùa khai sơn mới. Năm nay, huyện Yên Lập tổ chức Lễ Mở cửa rừng của người Mường và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thi bơi chải trong Lễ hội truyền thống Đền Quốc Tế, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy.

Thi bơi chải trong Lễ hội truyền thống Đền Quốc Tế, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy.

Để mùa lễ hội an toàn, vui tươi

Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa 36 di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có ba di sản của Phú Thọ là Lễ hội Đền Du Yến, huyện Thanh Ba; Lễ hội Rước chúa gái, huyện Lâm Thao và Lễ Mở cửa rừng của người Mường, huyện Yên Lập. Cùng với việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, công tác tổ chức tại các lễ hội đã có nhiều đổi mới để phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Các lễ hội được tổ chức đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Riêng phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; hò đu, kéo lửa thổi cơm thi, các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, bắn nỏ, tạo không khí vui tươi, phục vụ du khách du Xuân.

Để tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đắc Thủy, thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội theo đúng quy định và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội, về nguồn gốc của lễ hội, di tích, các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; không tổ chức các lễ hội mang yếu tố phản cảm, bạo lực, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực diễn ra lễ hội...

Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong tháng Giêng, tháng Hai như Lễ hội Đình Vỏ Trong, xã Yên Lương; Lễ hội Đình Khoang, xã Hương Cần, Lễ hội Đình Thủ Rồng, xã Yên Lãng; Lễ hội Đình Lương Nha, xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn đã ban hành Kế hoạch tổ chức các lễ hội truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Thanh Sơn năm Giáp Thìn 2024, theo đó chú trọng tổ chức các loại hình văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo vui tươi, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định tổ chức lễ hội. Thông qua các lễ hội nhằm khôi phục, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời triển khai thực hiện Đề án tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021- 2025.

Nhằm đảm bảo cho người dân, du khách tham gia lễ hội an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục và phong tục, tập quán, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí để các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, để mùa Xuân trẩy hội thêm ý nghĩa, giúp người dân hiểu hơn về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống, cùng gìn giữ bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ thông qua các lễ hội.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/du-lich-le-hoi/du-xuan-ve-mien-le-hoi/206954.htm