Du xuân xứ đá Hà Giang
Sang xuân, bầu trời như được khoác chiếc áo mới. Trên các cung đường du xuân, hoa khoe sắc rộn ràng. Ở xứ đá Hà Giang cũng vậy, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hàng vạn du khách đã về đây. Họ đến để sống chậm, để lắng nghe thiên nhiên gọi mời, làm thiện nguyện. Rất nhiều bạn trẻ, với tinh thần trẻ, đã góp phần khiến những thớ đá triệu triệu năm cũng... trẻ lại.
Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ
Không phải mùa xuân đến, hay khi các bạn trẻ “trốn Tết” miền xuôi mà về xứ đá. Du khách đã về đây cả bốn mùa, bởi mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng. Bạn Hà Thúy Vy, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Không chỉ là vẻ đẹp hoang sơ đâu, đất và người Hà Giang có nét hào sảng, rộng mở, dễ gần. Dịp Tết đến, xuân về, em thường có những trải nghiệm trên các cung đường của mảnh đất này”.
![Đèo Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_285_51424659/84f0b2fc8bb262ec3ba3.jpg)
Đèo Mã Pí Lèng là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.
Có lẽ vì thế mà Vy cùng nhóm bạn của mình đã đến Hà Giang nhiều lần, để chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ, ăn những món dân dã, cảm nhận cuộc sống của con người nơi đây. Trong đó có những năm, vào dịp mùa xuân cô đã tham quan, chụp ảnh ở 20 địa điểm mà giới trẻ thường đến. Đó là một trong những cách để sống chậm lại cũng như có thể làm từ thiện, tặng quà cho các em nhỏ, chia sẻ phần nào khó khăn của bà con.
Bạn Mạnh Quân cùng nhóm với Vy, tâm sự: “Hằng năm, từ tháng 11, Hà Giang đã rực rỡ hoa tam giác mạch. Vào mùa xuân như một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời với những sắc hoa rực rỡ trải dài khắp các cung đường, làng bản. Loài hoa đặc trưng nhất của mùa xuân Hà Giang là hoa cải vàng. Hoa cải nở rộ nơi sườn núi, thung lũng, tạo nên một khung cảnh vàng rực rỡ”.
Quân cùng bè bạn thích những vách đá hiểm trở, hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng. Mùa xuân, khi những loài hoa bắt đầu khoe sắc thì đèo Mã Pí Lèng càng trở nên đẹp và vô cùng nên thơ. Đứng trên đỉnh đèo cao, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của núi non trùng điệp, sông Nho Quế uốn lượn bên dưới. Đây là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời mà bạn trẻ không nên bỏ qua khi du lịch Hà Giang mùa xuân.
Trong hành trình du xuân, nhiều du khách tìm đến làng văn hóa Lô Lô Chải, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Đến đây, khách sẽ thật sự trải nghiệm cuộc sống chậm với những người dân mộc mạc, những hàng rào đá, mái ngói âm dương, những câu chuyện ở trập trùng đá núi như nối dài từ mặt đất lên đến trời xanh.
Khoảng hai chục năm nay, người Lô Lô Chải dần tiếp cận hoạt động phát triển du lịch; biết xây dựng, sửa sang những nhà trình tường thành homestay xinh xắn, tiện nghi để đón khách. Những câu chuyện bên bếp lửa, bên các điệu múa lời ca sẽ giúp hành trình của du khách thêm ý nghĩa. Nhiều chủ homestay trang hoàng nhà cửa, nấu ăn rất giỏi. Đặc biệt, họ hiểu về vùng đất của núi đá, hiểu những “cụ nhà” hàng trăm năm tuổi sẵn sàng “hầu” khách bằng những câu chuyện thú vị.
Ở Hà Giang có nhiều thôn, bản du lịch hấp dẫn như Lùng Tao, thôn Khun (huyện Quang Bình); Du Già (huyện Yên Minh); phố cổ Đồng Văn, thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn)… Khách cũng không thể bỏ qua thung lũng Sủng Là. Giữa vùng cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ, du khách sẽ tìm được một “thiên đường” hoa Sủng Là đẹp nhất Hà Giang.
Sủng Là là một ngôi làng nằm yên bình giữa những dãy núi đá tai mèo hiểm trở. Nơi đây nổi tiếng với những mái hiên nhà đơn sơ và những bức tường rào bằng đá nhuốm màu thời gian. Du khách sẽ như lạc vào chốn thần tiên với những thung lũng ngập tràn sắc trắng thanh tao của hoa mận, hoa lê, hoa cải, hay sắc hồng tím của hoa đào rừng vào dịp xuân đến. Hàng trăm năm qua, những ngôi nhà giản dị nằm lặng lẽ, trở thành điểm đến lý tưởng cho những du khách yêu thích sự bình yên, tạm xa sự xô bồ, lo toan của cuộc sống.
Nơi người dân khiến đá nở hoa
Tôi đã bao lần đến Hà Giang để thu vào tầm mắt sự hùng vĩ của xứ đá. Nơi đây, đá giăng tứ bề, đá thành rừng thử thách bước chân con người. Cuộc sống vất vả đủ đường nhưng người dân vẫn vươn lên, bám bản, khiến đá nở hoa. Từ thành phố Hà Giang theo Quốc lộ 4C, còn được gọi là "đường Hạnh phúc", đến dốc Bắc Sum là tới Cao nguyên đá Đồng Văn. Cao nguyên đá gồm bốn huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, có cảnh quan thơ mộng hấp dẫn du khách, nhưng nhiều cung đường đèo dốc quanh co như những sợi chỉ vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, "nắn gân", tạo cảm giác đến ngộp thở.
Dốc nối dốc, đá giăng trước mặt. Thi thoảng, từ xa xuất hiện cảnh người lẫn vào đá, đá che lấp con người, giống như tấm thổ cẩm đang được thiên nhiên dệt ngay trước mắt. Ở vùng đất này, có lẽ công cuộc mưu sinh, chinh phục tự nhiên, bắt đá sinh ra lương thực, hoa trái của đồng bào là kỳ vĩ nhất. Chẳng thế mà người Mông có câu thành ngữ: “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối”. Sự lạc quan đó thể hiện khát khao sống, qua công việc lao động sản xuất, mưu sinh.
![Xuân về trên cao nguyên đá.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_285_51424659/2b77667b5f35b66bef24.jpg)
Xuân về trên cao nguyên đá.
Trên hành trình trải nghiệm, dốc Thẩm Mã thuộc xã Phố Cáo (Đồng Văn) là địa điểm check-in nổi tiếng, cũng là nơi để du khách làm thiện nguyện, chụp ảnh cùng các em bé xinh xắn gùi hoa trên lưng. Đây là nơi luôn khiến tôi luyến lưu mỗi khi dừng chân. Điểm dừng chân check-in trên con dốc này có sự hoàn hảo gần như tuyệt đối. Từ điểm cao có thể chụp lấy toàn bộ trong khung hình sự hùng vĩ của núi non, sự bao la của mây trời.
Con dốc này đặc biệt ngay từ tên gọi. Tương truyền rằng, khi chưa mở con đường Hạnh phúc, phương tiện di chuyển thường được người dân sử dụng là ngựa. Với độ cao và độ dốc lớn, hầu hết các con ngựa khi đến đây đều thấm mệt, chủ ngựa dựa vào việc vượt dốc để phân loại chọn ra những con ngựa tốt nhất. Từ đó cái tên dốc Thẩm Mã (thẩm định ngựa) ra đời.
Nhà thơ Ngô Bá Hòa, quê ở Lạng Sơn đến Dốc Thẩm Mã, chia sẻ: “Tại điểm dừng chân trên dốc, giữa cái se se lạnh lùa qua núi, hương vị mùa màng từ những củ khoai, củ sắn, bắp ngô như đượm hơn, thơm hơn và quyến rũ hơn. Những bếp than đỏ lừ như đôi mắt gió rực lên cố xua tan hơi lạnh khiến ai cũng hơ tay mà suýt xoa…”.
Những năm qua, Hà Giang kiên định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc. Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, những lợi thế mà tỉnh Hà Giang đang có, được phản ánh rõ ràng trong Quy hoạch phát triển tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ông Hải khẳng định, Hà Giang sẽ tiếp tục lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch, đồng thời tận dụng du lịch để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các công trình có kiến trúc giá trị: từ việc tôn tạo, bảo tồn các công trình riêng lẻ, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc như ngôi nhà dựng phim “Chuyện của Pao” ở Sủng Là, cà phê phố cổ Đồng Văn, Dinh thự vua Mèo… đến cả tuyến phố như phố cổ Đồng Văn được đầu tư, cải tạo chỉnh trang toàn tuyến với nhà trình tường quy mô 1-2 tầng lớp ngoài.
Xác định liên kết vùng là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang đã chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, đặc biệt là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP Hồ Chí Minh và chương trình hợp tác với các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc…
Cảnh quan hùng vĩ của Hà Giang là những giá trị mang tính chất duy nhất, đặc thù, và cũng lớn nhất, mạnh nhất để cạnh tranh với các điểm đến khác trong cả nước và thế giới. Những lợi thế này giúp tỉnh tìm ra các sản phẩm du lịch chủ lực dựa trên thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/du-xuan-xu-da-ha-giang-i758387/