Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung và tác phẩm 'Tiếng khóc của nàng Út'

Tiểu thuyết 'Tiếng khóc của nàng Út' của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung là tác phẩm viết về chiến tranh không theo lối mòn tái hiện, mà theo khuynh hướng phân tích, lý giải, cắt nghĩa văn hóa.

Ở đó, một thế giới nghệ thuật tiểu thuyết vừa có sự kiện của hiện tại với những gì căng thẳng nhất của chiến tranh, vừa có quá khứ với bề sâu, bề xa của truyền thống từ ngàn đời.

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung (1930-2016), tên khai sinh là Thái Nguyên Chung, bút danh Hiền Lương, quê quán xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Theo chính lời ông kể thì 17 tuổi ông đã làm liên lạc cho Việt Minh, rồi thành chiến sĩ, cán bộ trung đội, đại đội. Như một cơ duyên, ông chuyển sang làm biên tập viên Báo Xung phong, rồi Thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (Liên khu 5).

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ; Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu 5...

Trong hồi ký "Một thời trận mạc", Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã nhắc tới câu chuyện đời thường "khá đặc biệt" với người bạn chiến đấu Nguyễn Chí Trung.

Hồi ấy, nhà văn Nguyễn Chí Trung đã ở tuổi 50, nhưng không vợ con. Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh kể: "Chúng tôi thường trao đổi nhiều chuyện, duy chỉ có chuyện vợ con cứ nhắc đến là anh gạt đi. Có người đồn đoán anh "ái nam ái nữ". Một lần anh cùng tôi xuống cao điểm 492, nơi anh em đang chốt giữ. Muốn xuống đó phải lội qua sông. Sông sâu ngang bụng phải cởi quần lội qua. Ở đây toàn ta với ta nên cứ cởi hết, vượt qua.

Tôi dặn anh em: Quan sát anh Trung xem thế nào nhé. Lúc đầu anh Trung ngại không cởi. Tôi bảo, ở đây chỉ ta với ta, xuống chốt vài ngày lấy đâu ra quần áo mà thay. Cuối cùng anh cũng cởi và lội qua. Sau chuyến đi đó, chúng tôi kết luận: Anh Trung vẫn bình thường”.

Nguyễn Chí Trung là người tận tụy với công việc, chiến đấu dũng cảm, quên mình vì Tổ quốc và nhân dân. Sau giải phóng năm 1975, ông làm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; Phó chủ nhiệm chính trị Cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam; Trợ lý Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người lính trong hai cuộc kháng chiến trước khi trở thành nhà văn, nhưng lối viết của ông lại không thiên về miêu tả chiến trận, mà thiên về phân tích, lý giải, cắt nghĩa chiến tranh từ góc nhìn văn hóa. "Tiếng khóc của nàng Út" là sự thể hiện tiêu biểu.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung (bên trái) tặng sách cho người dân ở Quảng Ngãi, năm 2000. Ảnh: Trần Đăng

Nhà văn Nguyễn Chí Trung (bên trái) tặng sách cho người dân ở Quảng Ngãi, năm 2000. Ảnh: Trần Đăng

Thời gian sự kiện "Tiếng khóc của nàng Út" là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) từ 20-7-1954 đến 3-9-1959. Các sự kiện chỉ là cái cớ để tác giả đi sâu phân tích tâm trạng nhân vật trong các mối quan hệ với kẻ thù, với quê hương, với đồng chí, nhất là với văn hóa.

Một nhân vật xuất hiện không nhiều nhưng gây ấn tượng là anh bộ đội Đua. Vốn con nhà võ khỏe mạnh, đẹp trai, thế mà giờ đây Đua chịu cảnh cụt hai chân trong một trận đánh. Hằng đêm, Đua đi lại bằng hai chiếc ghế gỗ. Những âm thanh cô đơn của đêm khuya đưa Đua trở về với quá khứ. Đua nhớ lại thời học trò, nhớ lại ngày bước vào chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, nhớ lại cảnh gặp Xuân - vợ chưa cưới...

Nỗi đau của Đua hóa đá. Thời gian như đứng im, dài mãi như vô tận. Nhờ thủ pháp kéo dài thời gian tâm trạng, tác phẩm có nhiều trang vươn tới sự phân tích tâm lý đặc sắc.

Điểm nổi bật là nghệ thuật “ghép ký ức”, từ điểm nhìn bên trong soi thấu những suy nghĩ, tâm tư của nhân vật. Đây là một trong những thủ pháp để nhà văn đi truy tìm “con người bên trong con người” với loại nhân vật có nội tâm phức tạp, nhiều uẩn khúc như Đua...

Cốt truyện được nhà văn thể hiện qua lời kể trữ tình hóa, thể hiện qua một chất thơ thấm đượm đến từng câu chữ, chi tiết. Ngôn ngữ huyền ảo, mơ hồ, xa xăm của thơ đã kiến tạo nên một ngôi làng xứ Quảng đẹp như huyền thoại.

Không chỉ kết tụ ở những gì thuộc về truyền thống quá khứ, vẻ đẹp của làng còn hiện diện ở những gì thân quen, gần gũi nhất. Hồn làng như thấm sâu vào bên trong cảnh vật. Cau là hồn của làng xứ Bàu Ốc. Cái dáng thẳng kiêu hãnh giữa trời xanh như biểu tượng cho tâm hồn làng ngay thẳng, không chịu uốn cong trước giông gió cuộc đời.

Làng của đồng bào dân tộc Kor lại nằm nơi rừng quế. Rừng khoác tấm áo choàng xanh bao bọc lấy làng, che chắn cho làng trong mưa bão, kể cả mưa bom bão đạn. Quế phả vào làng thứ hương ấm cay nồng. Những tâm hồn làng “thẳng như cau, thơm như quế”.

Đấy là bản sắc và đấy cũng là sức mạnh. Làng Quế đã mở lòng để “hồi sinh” những con người lạc lối biết sống thơm như quế, thẳng như cau. Làng Quế truyền cho người cách mạng tình yêu thương và bản lĩnh, để mạnh mẽ bước tiếp trên con đường cách mạng đầy hiểm nguy phía trước...

Khi sắp ra Bắc tập kết, dưới cái nhìn của Bường, ngôi làng xứ Bàu Ốc như một bức tranh thơ có cảnh, có tình, nên thơ và sâu nặng: “Lặng lẽ ẩn kín sau màu xanh lượn vòng theo các thửa ruộng mạ đang lên, là những mái tranh cũ, mưa nắng đã nhuộm thành màu đất, biết bao bần hàn và biết bao hạnh phúc dưới những mái tranh nghèo ấy, một lọn khói chiều mỏng dập dờn tỏa theo gió”.

Khung cảnh đêm trăng trước ngày Bường-Thơm chia xa như được dệt nên bởi ngôn từ lóng lánh chất thơ, chất nhạc: “Trăng le lói dập dờn trên mặt biển sóng sánh... họ ngồi, ôm nhau như thế, bồng bềnh dưới ánh trăng trôi, nền trời bàng bạc sáng chứa chan hy vọng”.

Tình yêu của họ song hành cùng niềm tin và hy vọng vào hòa bình sắp đến, rất gần. Rồi kẻ thù phũ phàng, tráo trở đã cắt đứt niềm tin và hy vọng của họ.

Chúng trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva, đem quân khủng bố, tàn sát đồng bào. Cả làng Quế vang lên tiếng khóc. Nhưng không chỉ là tiếng khóc, sâu thẳm bên trong đó là bản sắc văn hóa: “Trâu ơi, đêm nay tau làm lễ cúng cho mày để ngày mai mày lên gặp thần linh... Mày đã vì làng mà quên sự sống, làng thương, làng cảm, làng nhớ ơn mày cũng như làng biết ơn mẹ Lúa...”.

Dù trong cảnh giặc cướp phá nhưng đồng bào Kor vẫn tổ chức lễ hội như xưa, để mà vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Tiếng khóc mà như nhắn nhủ, giãi bày tha thiết với con trâu sẽ được tế thần mừng lúa mới.

 Nhà văn Nguyễn Chí Trung nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Ảnh: Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Nhà văn Nguyễn Chí Trung nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Ảnh: Tạp chí Văn nghệ Quân đội

"Tiếng khóc của nàng Út" còn có những tranh biện triết lý sâu sắc về quá khứ và hiện tại, tạo cho tác phẩm một chiều sâu lịch sử lắng đọng: “Mấy trăm năm trước, khi tiền hiền gồng gánh vào xứ Bàu Ốc, đã vượt qua tất cả 179 con sông, con suối. Mỗi lần vượt qua một con sông, con suối, tiền hiền lại thắt một nút để nhớ. Và mỗi lần như thế, con cháu lại hỏi:

- Nhớ để làm chi ông?

Tiền hiền nhìn về xa xăm:

- Nhớ là để cho khỏi quên”.

Dữ liệu để phân tích là con số cụ thể của lịch sử: Mấy trăm năm trước, của không gian vật lý: 179 con sông, con suối. Còn là sự đối thoại của hai thế hệ:

Con cháu lại hỏi:

- Nhớ để làm chi ông?...

Lời văn như đi giữa hai bờ hư thực. Tiền hiền là ai? Có thể chỉ một thế hệ đi trước, lại có thể là trừu tượng chỉ lịch sử. Con số là cụ thể, nhưng “tiền hiền lại thắt một nút để nhớ” là trừu tượng. Và trừu tượng mới gợi nghĩ: Đó là dòng chảy lịch sử, đánh dấu một cái mốc lịch sử.

“Nhớ là để cho khỏi quên” hết sức giản dị mà sâu sắc. Đó cũng chính là thông điệp mà nhà văn, người lính Nguyễn Chí Trung gửi cho hậu thế: Nhớ về quá khứ lịch sử để biết ơn các bậc tiền hiền, tức không quên họ.

Nhớ về Đảng, cách mạng, là nhớ về mạch nguồn cuộc sống hôm nay...

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-nguyen-chi-trung-va-tac-pham-tieng-khoc-cua-nang-ut-814578