Đưa 6 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim

Ngày 19/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đưa 6 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim sau thời gian cách ly tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Những cá thể Sếu đầu đỏ được xem là những "sứ giả" đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp, Hội Sếu Quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Thảo Cầm Viên Sài Gòn với các đối tác phía Thái Lan.

Các đại biểu vui mừng khi Sếu đầu đỏ hoàn thành cách ly

Các đại biểu vui mừng khi Sếu đầu đỏ hoàn thành cách ly

Sau khoảng thời gian thực hiện công tác cách ly, kiểm dịch tại Thảo Cầm viên Sài Gòn, với sự tham gia nhận định của các chuyên gia, đến nay 6 cá thể Sếu đều có sức khỏe tốt, ổn định, đủ điều kiện cho việc vận chuyển về Vườn Quốc gia Tràm. Các cá thể Sếu sẽ được tiếp tục hành trình về Vườn Quốc gia Tràm Chim, để tiếp tục thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, sinh sản nhằm hướng đến mục tiêu phục hồi đàn Sếu và thả ra môi trường sống tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, việc tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ đầu tiên này không chỉ là một dấu mốc quan trọng, mà còn là bước khởi đầu cho một hành trình dài hướng tới mục tiêu bảo tồn và phục hồi loài chim quý hiếm này.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin về bảo tồn Sếu

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin về bảo tồn Sếu

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, với sự hỗ trợ về nguồn lực, chuyên môn kỹ thuật, sự đồng hành từ các doanh nghiệp, tổ chức, cùng ý thức bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng sẽ hoàn toàn có thể biến mục tiêu này thành hiện thực, góp phần gìn giữ di sản thiên nhiên quý giá cho thế hệ tương lai.

Đồng Tháp đưa 6 cá thể Sếu đầu đỏ về Vườn Quốc gia Tràm Chim, đây được xem là những "sứ giả" đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp, Hội Sếu Quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Thảo Cầm Viên Sài Gòn với các đối tác phía Thái Lan.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận 6 cá thể Sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái. Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe, sếu được chuyển về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để thực hiện cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã, sau đó sẽ vận chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.

Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim được UBND tỉnh Đồng Tháp công bố vào tháng 12/2024. Đề án thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2032 với mục tiêu có khoảng 100 cá thể Sếu được nuôi và thả ra, và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.

Sếu đầu đỏ được thực hiện cách ly ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Sếu đầu đỏ được thực hiện cách ly ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích hơn 7.300 ha. Năm 2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Vườn với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim. Đặc biệt, là Sếu đầu đỏ loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng và được cả thế giới quan tâm bảo vệ.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dua-6-ca-the-seu-dau-do-ve-vuon-quoc-gia-tram-chim-post1193318.vov