Đưa A0 về Bộ Công thương: Pháp lý chưa rành mạch, an ninh hệ thống nhiều thách thức
Trong việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu cơ sở pháp lý và một số điều kiện hạ tầng chưa đầy đủ, thì sự an toàn của hệ thống điện quốc gia cũng có thách thức.
Pháp lý, hạ tầng cần được hoàn thiện
Việc tách A0 khỏi EVN được kỳ vọng giúp minh bạch trong điều hành vận hành hệ thống thống điện khi ngày càng có đông nhà đầu tư tham gia ngành điện. Sau khi có chỉ đạo đưa A0 về Bộ Công thương, ngay trong tháng 6/2023, Bộ này đã có văn bản hỏa tốc báo cáo những thực trạng hiện nay trong hoạt động của A0. Điểm dễ nhận thấy trong báo cáo này chính là việc chưa đầy đủ pháp lý và cơ sở hạ tầng để thực hiện chỉ đạo trên ngay lập tức như kỳ vọng.
Cụ thể, theo đề nghị của Bộ Công thương, cần phải rà soát Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN để bỏ nội dung “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia” khỏi danh mục các ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, bỏ A0 khỏi danh sách các đơn vị trực thuộc EVN.
Đồng thời, trong Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương, cần phải bổ sung, làm rõ thêm chức năng “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia”.
Cũng để đảm bảo A0 tiếp tục hoạt động ổn định, tránh xáo trộn có thể ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, cần có lộ trình phù hợp để chuyển nguyên trạng các tài sản, nhân sự hiện nay sang Bộ Công thương theo các quy định của pháp luật về quản lý tài sản công, đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức.
Đồng thời, Bộ Công thương kiến nghị giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan rà soát các quy định hiện hành của pháp luật; ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện lực, các cơ chế đặc thù về chi phí duy trì hoạt động của đơn vị, chế độ tiền lương, phụ cấp cho các nhân sự trực tiếp sản xuất của đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công thương.
Đặc biệt, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cấp bổ sung nguồn kinh phí cho Bộ Công thương để duy trì hoạt động của đơn vị và trả lương cho các nhân sự trực tiếp sản xuất tại đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công thương theo hướng đảm bảo các chế độ tài chính và mức lương như hiện tại.
Cũng trong báo cáo của mình, Bộ Công thương có nhắc tới việc bình quân lương bộ phận trực tiếp sản xuất tại A0 là khoảng 40 triệu đồng/người/tháng. Sở dĩ có mức lương cao này là bởi các nhân sự giữ chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện tại A0 có áp lực công việc rất nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm ngàn thiết bị điện cao áp khác nhau. Trong quá trình làm việc, họ phải ra các quyết định thật nhanh, chính xác và không được phép sai sót, bởi mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao hoặc gây mất điện diện rộng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng các nhân viên khác.
Bộ phận người lao động trên được tuyển dụng với yêu cầu cao (có bằng đại học chuyên ngành ở mức khá, giỏi trở lên) được đào tạo chuyên sâu (từ 12 - 18 tháng) và phải qua kiểm tra kỹ lưỡng, khi đạt yêu cầu mới được phép bố trí công việc, gồm các vị trí: điều độ viên hệ thống điện quốc gia, kỹ sư tính toán hệ thống điện quốc gia, kỹ sư điều hành giao dịch thị trường điện, điều độ viên hệ thống điện miền, kỹ sư tính toán hệ thống điện miền, kỹ sư SCADA...
Cũng bởi điện là hàng hóa đặc biệt, phải luôn cân bằng giữa sản xuất (nguồn cung) và tiêu thụ (nhu cầu), nên các chức danh trên có trách nhiệm đảm bảo vận hành hệ thống điện từng giây, từng phút suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Bên cạnh đó, thị trường điện đã vận hành cũng thực hiện khớp lệnh 30 phút/chu kỳ trong tất cả các ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ (chu kỳ này có thể xuống còn 15 phút hoặc 5 phút như các nước có thị trường điện phát triển khi cơ sở hạ tầng đáp ứng).
Đây là lực lượng nhân viên kỹ thuật tối quan trọng đối với vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện, cần phải duy trì ổn định và không dễ dàng thay thế do phải mất thời gian xấp xỉ 2 năm (kể cả thời gian tuyển dụng, đào tạo và tập sự chức danh) mới có thể có nhân sự mới.
Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng, trong trường hợp A0 chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công thương, cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương và phụ cấp tương đương mức hiện hưởng để đảm bảo tránh xáo trộn về nhân lực của A0, dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.
Cần nhiều nỗ lực
Về việc chuyển A0 về Bộ Công thương, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Từng là người đứng đầu A0 giai đoạn 2004 - 2005, ông Trần Anh Thái, Giám đốc Công ty cổ phần AST cho hay, A0 nên hoạt động theo mô hình của công ty cổ phần do các công ty phát, truyền tải, phân phối góp vốn. Cục Điều tiết điện lực sẽ duyệt phí dịch vụ điều độ hệ thống điện và thị trường điện (SO và MO) để A0 có chi phí vốn (Capex) và chi phí hoạt động (Opex) theo mô hình phi lợi nhuận. Về lương của A0, lấy mức thu nhập trung bình trong 3 năm gần nhất và hàng năm tăng giảm theo CPI và kWh điều độ. HĐQT của A0 sẽ là thành viên của các đơn vị góp vốn. Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ chỉ định.
Ở một góc độ khác, lãnh đạo một tổng công ty phân phối điện cho rằng, hiện A0 có 2 nhiệm vụ là điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất là điều độ vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, việc điều độ vận hành hệ thống điện không phải chỉ là riêng khâu phát điện, mà còn là việc đảm bảo cân bằng hệ thống, huy động công suất trên lưới truyền tải, phân bổ và tính toán phương thức vận hành tối ưu cho lưới phân phối.
Do đó, nếu tách A0 khỏi EVN, bắt buộc EVN phải hình thành một đơn vị để đảm nhận nhiệm vụ này. Việc thành lập đơn vị đó vẫn phải được Chính phủ phê duyệt. Nhưng điều đó mới chỉ giải quyết được phần vận hành, còn về mặt tài chính sẽ muôn vàn khó khăn.
“Theo kế hoạch hàng năm, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt cho EVN, để đảm bảo bảo toàn vốn nhà nước, thì sẽ phải duyệt rất kỹ doanh thu và chi phí, đặc biệt là chi phí mua điện và EVN sẽ ký hợp đồng với A0 với điều kiện tiên quyết là chi phí mua điện theo từng tháng và tổng chi phí trong năm không được vượt quá số được duyệt”, vị này nói.
Vị lãnh đạo một tổng công ty phân phối điện nêu trên cho rằng, có thể chỉ tách riêng phần điều hành giao dịch thị trường ra, đồng thời phải xem xét đánh giá lại thiết kế thị trường điện hiện nay. Bởi việc không đánh giá cập nhật kịp thời thị trường điện cho phù hợp thực tế tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân gây thêm lỗ cho EVN.
Cho rằng, với việc các doanh nghiệp ngoài EVN tham gia đầu tư vào nguồn điện tới trên 60% như hiện nay, việc tách A0 khỏi EVN có thể công bằng hơn và khách quan hơn, nhưng ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho hay, việc điều độ thời gian qua với sự góp mặt của quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo cũng có sự phức tạp nhất định. Tuy nhiên, khi điều độ thì vẫn là con người, chứ không phải bộ phận đó nằm ở đâu, do ai quản lý.
“Nếu A0 trực thuộc Bộ mà lương thấp hơn so với ở EVN như hiện nay, thì cũng chịu sức ép cám dỗ nhiều hơn, nhất là khi các doanh nghiệp tư nhân sát sạt quyền lợi, nên cũng bạo tay hơn”, ông Thịnh nói.
Một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, việc minh bạch điều độ của A0 có thể dùng AGC - hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất tác dụng của tổ máy phát điện, nhằm duy trì tần số của hệ thống điện ổn định trong phạm vi cho phép theo nguyên tắc vận hành kinh tế tổ máy phát điện, nhưng đạo đức của người vận hành vẫn là điều quan trọng.
Ông Thái cũng cho rằng, để xử lý minh bạch, thì khó để đưa ra biện pháp kiểm soát. Điều quan trọng nhất vẫn là thu nhập và môi trường làm việc khiến những người giỏi thực sự sẵn sàng cống hiến, đóng góp, không phải tâm tư vì thu nhập chính đáng không đủ nuôi sống gia đình.
Việc tách A0 ra khỏi EVN đã được tính toán từ những năm 2004 - 2005. Tuy nhiên, mức lương công chức rất thấp khó có thể khiến những người tinh anh yên tâm điều độ hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, thông suốt. Vậy nên, A0 vẫn được giữ lại trong EVN và dùng cơ chế lương của doanh nghiệp nhà nước loại đặc biệt để thu hút người tài, cũng như có những đầu tư hiện đại hóa các hệ thống điều khiển, các phần mềm tính toán tại A0 để phục vụ điều hành hệ thống điện.
Sau khi khánh thành A0 mới tại 11 - Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) vào đầu năm 2016, A0 có thêm một cơ sở dự phòng để hệ thống điện quốc gia có thể yên tâm vận hành thông suốt, ứng phó với các tình huống bất ngờ có thể diễn ra. Từ 22h ngày 29/11/2020 đến chiều ngày 30/11/2022, cơ sở dự phòng của A0 đã nắm quyền điều hành toàn bộ hệ thống điện quốc gia thay thế cơ sở chính, khi phát hiện một quả bom tại số 15 - Cửa Bắc khiến cơ quan chức năng phải đưa ra yêu cầu cấm sử dụng điện thoại, bộ đàm trong phạm vi 200 m kể từ vị trí quả bom.