Đưa 'cá xứ lạnh' về vùng núi

Khai thác tiềm năng, thế mạnh ở các khu vực miền núi của tỉnh Phú Thọ có nguồn nước trong lành, mát lạnh, kết hợp ứng dụng tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhiều địa phương đã đưa thành công con cá Tầm - một giống cá nước ngọt, xuất xứ ở vùng ôn đới về phát triển và nhân rộng. Những vùng đất khô cằn, sỏi đá xưa kia, nay đã trở thành vùng nuôi thủy sản tập trung, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình khu vực miền núi.

Khu vực nuôi cá tầm thương phẩm được đầu tư hệ thống bể xây, xung quanh là hệ thống dẫn nước suối chảy vào liên tục.

Khu vực nuôi cá tầm thương phẩm được đầu tư hệ thống bể xây, xung quanh là hệ thống dẫn nước suối chảy vào liên tục.

Khởi nghiệp từ dòng suối Rường

Đầu tháng 9, trong cơn mưa rào bất chợt, chúng tôi vượt chặng đường quanh co hơn 20km từ trung tâm huyện Yên Lập tới thôn Rường Cao, xã Mỹ Lương - đây là khu vực nằm giữa rừng núi xanh bạt ngạt, có dòng suối Rường đem theo dòng nước mát lạnh, trong lành từ các khe suối ở thượng nguồn đổ. May thay, lên tới Rường Cao trời đã tạnh nhưng dư âm của nước mưa từ thượng nguồn đổ về suối Rường vẫn rào rào, nước đục ngầu.

Dừng chân tại trang trại nuôi cá tầm tập trung của 9 thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây, dưới chân suối Rường, bên ấm trà nóng, nghe câu chuyện về con cá tầm vốn sống ở “chân trời Tây” nay bỗng quen thuộc với người dân nơi đây.

Kể về hành trình đưa con cá tầm về khu Rường Cao, Nguyễn Đức Hạnh, thanh niên sinh ra và lớn lên ở xã Lương Sơn, địa phương giáp ranh với xã Mỹ Lương cùng người bạn đồng hành là Bùi Bích Phong, ở xã Vô Tranh, huyện Hạ Hòa vẫn nhớ như in những ngày đầu san đất, dựng lán, xây bể dưới chân suối Rường, anh Hạnh kể: “Sau thời gian nghiên cứu về nhiệt độ nước, thổ nhưỡng, các điều kiện tự nhiên, tôi đã kết nối với các hộ dân trong khu, chính quyền địa phương khảo sát thực tế địa hình, nguồn nước và quyết định dừng chân khởi nghiệp nơi đây”.

Nói là làm, năm 2021 chiếc lán nhỏ với bốn 4 bể nước lớn xây dựng theo mô hình bậc thang rộng gần 1.000m2 dưới chân suối Rường dần được hình thành. Đây cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng khi lứa cá tầm đầu tiên được xuống giống trên mảnh đất Mỹ Lương.

HTX nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30 vạn con cá tầm giống.

HTX nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây mỗi năm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30 vạn con cá tầm giống.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá tầm, anh Hạnh cho biết: “Khác với các đối tượng nuôi thủy sản khác, cá tầm ưa nguồn nước lạnh, trong sạch, chúng tôi đã đầu tư hệ thống ống dẫn nước trực tiếp từ trên khe núi chảy về liên tục cả ngày lẫn đêm, đảm bảo nước không bị ô nhiễm, lưu thông liên tục, có hàm lượng oxi hòa tan cao và đáy ao nuôi phải vệ sinh liên tục để loại bỏ bùn đất”.

Đến nay, trại nuôi cá tầm đã mở rộng lên 24 bể nuôi, chia làm hai khu vực. Một phần diện tích là nơi ươm cá giống với 20 bể tròn nhỏ, chăm sóc trong khu vực có mái che; 4 bể lớn còn lại là nơi nuôi cá thương phẩm, bên trên là mái lưới để che nắng nhằm giảm nhiệt độ trong bể nuôi.

Chọn được vùng nuôi có khí hậu mát mẻ, cây cối bao bọc xung quanh điều hòa không khí ở vùng núi rừng, số hộ nuôi cá tầm ở Rường Cao ngày càng đông, nhân rộng sang khu Xe Ngà mở ra triển vọng về một giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở của huyện Yên Lập nói chung và xã Mỹ Lương nói riêng.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 30 vạn con cá tầm giống và trên 10 tấn cá tầm thương phẩm. Giá bán cá thương phẩm dao động từ 220.000 - 250.000 đồng/kg.

Khi được hỏi về mục tiêu thời gian tới, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Huy phấn khởi chia sẻ: "Hiện nay HTX đang tiếp tục đầu tư xây dựng và cải tiến khu vực sản xuất để ương nuôi cá tầm giống và thử nghiệm 1 số giống thủy sản đặc sản khác như: Ếch, rô đồng... nhằm tự chủ và chuyển giao con giống, tiến bộ kỹ thuật nuôi cho bà con trong vùng và các địa phương khác có nhu cầu. Ngoài ra, HTX đã xây dựng kế hoạch phát triển khu ương nuôi cá tầm tập trung thành khu du lịch trải nghiệm kết hợp với kinh doanh dịch vụ ăn uống".

Nói về hiệu quả của HTX Nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây, đồng chí Hoàng Văn Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Lập cho biết: "Việc nuôi thành công cá tầm của HTX nông nghiệp Suối Ngà Đồng Mây đã mở ra một hướng sản xuất hàng hóa mới dựa trên tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi, có môi trường khí hậu và nguồn nước lạnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm giá trị cao phục vụ nhu cầu của xã hội. Hiện nay, mô hình nuôi cá tầm đang được nhân rộng thêm một số xã khác trên địa bàn huyện".

Thu hoạch cá tầm.

Thu hoạch cá tầm.

Phát triển thủy sản đặc sản an toàn, bền vững

Con cá tầm “đỏng đảnh” không chỉ bén duyên ở Yên Lập mà còn được nhân rộng ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh có khí hậu mát mẻ, nguồn nước thuận lợi. Toàn tỉnh hiện đã quy hoạch được 3 vùng nuôi thủy sản nước lạnh tập trung gồm: Xã Xuân Viên, Mỹ Lung, Mỹ Lương huyện Yên Lập; xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa và vùng nuôi xã Lương Nha, Tinh Nhuệ huyện Thanh Sơn với sản lượng cá tầm thương phẩm ước đạt khoảng 70 - 80 tấn/năm và khoảng 2 triệu con cá tầm giống, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Song để nhân rộng mô hình nuôi cá nước lạnh không phải chuyện một sớm một chiều. Trong quá trình phát triển, những hộ nuôi cá tầm ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết có diễn biến phức tạp ảnh hướng tới nhiệt độ, môi trường nước.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nuôi, anh Bùi Bích Phong, ở xã Vô Tranh người đang sở hữu 2 trại nuôi cá tầm ở xã Vô Tranh và xã Hiền Lương, thuộc huyện Hạ Hòa cho biết: "Nuôi cá tầm đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, những điều kiện, kỹ thuật hết sức khắt khe. Cá được nuôi trong môi trường nước chảy, bảo đảm độ sạch; nhiệt độ nuôi phải luôn được duy trì ở mức 20-250C. Khi nhiệt độ cao hơn sức chịu đựng sẽ ảnh hưởng tới tốc độ sinh trưởng, chất lượng cá, thậm chí cá sẽ chết".

Dòng suối Rường, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập có nguồn nước trong lành, mát lạnh từ lòng núi chảy về, thuận lợi để nuôi cá tầm.

Dòng suối Rường, xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập có nguồn nước trong lành, mát lạnh từ lòng núi chảy về, thuận lợi để nuôi cá tầm.

Xác định việc đưa cá nước lạnh về nuôi trên địa bàn tỉnh là một trong những hướng đi mới nhằm tạo ra nguồn thủy sản có chất lượng dinh dưỡng cao, góp phần đa dạng hóa các mặt hàng thủy sản, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành Nông nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thành Chung- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Thực hiện mục tiêu cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản, theo định hướng của tỉnh trong thời gian tới, ngành Thủy sản tiếp tục nâng tỷ lệ giống có giá trị kinh tế cao lên trên 60%, tăng diện tích, sản lượng nuôi các đối tượng thủy sản đặc sản như: Cá tầm, cá lăng, cá chiên, cá ngạnh, tôm càng xanh... Đối với phát triển nuôi cá tầm, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các huyện Hạ Hòa, Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn tiến hành khảo sát, xác định diện tích mặt nước, nguồn nước cung cấp ổn định và hỗ trợ các cơ sở đầu tư phát triển nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh; cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ nuôi thủy sản thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác để tăng cường công tác quản lý, liên kết, bảo vệ, chia sẻ nguồn nước, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; chú trọng công tác xúc tiến thương mại tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dua-ca-xu-lanh-ve-vung-nui-218488.htm