Đưa cát từ biển khơi về công trình cao tốc bằng cách nào?

Công suất khai thác cát biển hiện đạt 7.000-10.000m3/ngày, với tổng khối lượng đã đưa về dự án khoảng 80.000m3. Dự kiến đến đầu tháng 9/2024, công suất sẽ tăng lên khoảng 15.000m3/ngày.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận đang tổ chức thí điểm mở rộng việc thi công sử dụng cát biển tại dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Bắc - Nam phía đông) đối với đoạn tuyến qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang.

Đang bổ sung thêm tàu, nâng công suất khai thác

Khoảng 9h sáng 27/8, tại điểm sang mạn ở đoạn sông Hậu thuộc địa phận thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, một tàu hút sức chứa 1.200m3 đang neo đậu để rửa mặn cho cát. Hai bên là hai tàu xả tràn có sức chứa hơn 500m3, hễ phần cát nào rửa xong là bơm dần sang hai tàu này. Trong bờ, còn hàng chục tàu xả tràn đang nằm chờ.

Khi nào đầy cát, các tàu này sẽ đưa về công trình thi công cao tốc tại Kiên Giang, Cà Mau. Còn tàu hút, hết cát lại chạy về mỏ ngoài biển - cách đó khoảng 40km để khai thác tiếp...

Tàu hút (giữa) chuyển cát biển qua sà lan tại khu vực cửa sông, chuẩn bị đưa cát về công trường.

Tàu hút (giữa) chuyển cát biển qua sà lan tại khu vực cửa sông, chuẩn bị đưa cát về công trường.

"Mỗi lần ra vào như vậy, tàu hút mất khoảng một ngày rưỡi - tùy thời tiết, thủy triều. Còn các tàu nhỏ đưa cát về công trình, mất từ 32-34 giờ, bởi chặng đường hơn 180km", anh Đỗ Minh Châu, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - đơn vị khai thác cát biển, cho biết.

Anh Châu nói thêm, hiện đơn vị đang có 10 tàu hút, sức chứa tối đa 2.000m3 đang hoạt động trong tổng số 15 chiếc đã đăng ký.

Còn một số nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có nhu cầu cát biển sẽ tùy theo công suất ngày mà huy động số lượng tàu chở cát về cho phù hợp. Hiện có 62 tàu xả tràn, nhưng số lượng đăng ký đã hơn 100. Những ngày tới tàu sẽ được nhà thầu thi công cao tốc huy động về nhiều hơn.

"Đến nay, công suất khai thác mới được khoảng 7.000-10.000m3/ngày với hai mỏ. Hôm nay (27/8) sẽ đưa thêm ba tàu về, đầu tháng 9 sẽ nâng công suất khai thác lên 15.000m3, sau đó là 20.000-30.000m3/ngày", anh Châu nói.

Tính từ ngày 29/6 đến ngày 27/8, tổng khối lượng cát đã đưa về công trình tại Kiên Giang và Cà Mau khoảng 80.000m3.

Khai thác cát biển thế nào?

Theo anh Châu, hai mỏ cát được cấp nằm cách bờ hơn 20km. Hằng ngày, các tàu hút cát liên tục hoạt động. Khi cát lên đầy, sẽ đo độ mặn tại chỗ - thường từ 22-25‰.

"Bọn tôi khoảng 5 người/tàu, có tàu tiếp viện thức ăn để nấu tại tàu. Lương bọn tôi 550.000 đồng/người/ngày, nên cũng tạm ổn. Chỉ khi nào biển động, tôi mới vào bờ, còn không thì ở suốt trên tàu", anh Phạm Văn Khoa, thuyền viên tàu hút cát, nói vậy.

Trời mưa không ảnh hưởng việc hút cát, các chủ tàu chỉ tạm dừng hoạt động khi biển động...

Sau khi đầy cát, tàu hút sẽ chạy vào điểm sang mạn tại thị trấn Long Phú, bơm nước ngọt vào khoang liên tục để rửa cát. Khoang tàu có thiết kế các lỗ thủng, khi nước đầy sẽ tự tràn ra, mang theo nước mặn. Đến khi đo nước trong khoang tàu còn 13-17‰ là đạt. Ngay sau đó, cát được bơm sang các tàu xả tràn để đưa về công trình.

Khi về đến công trình, cát được bơm nước vào rửa tiếp và kiểm tra lại độ mặn, trước khi bơm vào công trình. Tại Kiên Giang và Cà Mau, độ mặn nước đo tại các con sông rạch sát công trình nằm vào khoảng 22-27‰, cao hơn độ mặn của cát.

"Do đó, có thể nói cát công trình bị xâm ngập mặn trở lại. Cát tại công trình khi đó có độ mặn khoảng 20-22‰. Theo tiêu chuẩn độ mặn của vật liệu đắp là nhỏ hơn 5% - tương đương 50‰,như vậy về mặt tiêu chí là đảm bảo", anh Châu nói.

Anh Đỗ Minh Châu, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C.

Anh Đỗ Minh Châu, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C.

Quá trình khai thác cát biển sẽ được các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các cơ quan chức năng của địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương…) phối hợp kiểm tra thường xuyên để kiểm soát chặt chẽ việc tác động đến môi trường xung quanh, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các tàu đăng ký đều có thiết bị giám sát để cơ quan chức năng kiểm tra. Còn nhà thầu khai thác cát có báo cáo hàng tháng cho các sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng.

Và tổ kiểm tra của tỉnh Sóc Trăng cũng có thể bất ngờ ra mỏ cát kiểm tra bất cứ lúc nào. Từ lúc bắt đầu khai thác đến nay, tổ kiểm tra đã ba lần kiểm tra mỏ cát.

Đơn vị khai thác nhận định, cát biển có chất lượng tốt, ổn định các tính chất cơ lý, đảm bảo các tiêu chuẩn của ngành giao thông.

Tại công trường, khi đưa cát biển vào để thi công, đơn vị thi công đánh giá, các công đoạn lu lèn, hoàn thiện cơ bản thuận lợi, rút bớt đôi chút thời gian, đạt được độ chắc của lớp kết cấu do hạt cát biển rất đều.

Một thuyền viên đang bơm nước rửa cát.

Một thuyền viên đang bơm nước rửa cát.

Nhà thầu thi công thường xuyên kiểm tra độ mặn vùng nước xung quanh công trình sau khi bơm cát vào, để báo cáo, có biện pháp xử lý ngay. Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện đều ổn.

Nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu khai thác

Do đây là lần đầu tiên tổ chức khai thác cát biển phục vụ thi công tại một dự án cao tốc nên các đơn vị liên quan còn lúng túng về trình tự thủ tục, phương án khai thác và điều kiện khai thác hết sức khó khăn như biển động, gió lớn, đường vận chuyển xa... Từ đó, dẫn đến lượng cát biển đưa về công trường hiện chưa đạt được như kỳ vọng.

Các tàu khai thác cát hoạt động trên biển lại bị hạn chế số lượng, chỉ được đăng kiểm và hoạt động theo khu vực, theo dự án.

Theo đơn vị khai thác, Sóc Trăng là địa phương đầu tiên giao mỏ cát biển ngoài phạm vi 12 hải lý. Các dự án cát biển trong vùng 6 hải lý theo quyết định chủ động của tỉnh giao nhận đã có, nhưng ngoài 12 hải lý có tính chất đặc thù.

Các mỏ cát này được Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, nên khi tỉnh giao mỏ theo bản xác nhận, Bộ phải làm một bước là giao khu vực biển khai thác cho chủ đầu tư.

"Mỏ cát này có khoảng cách với bờ khá xa (27km), nên huy động thiết bị phải tương ứng theo quy định. Các phương tiện ra được ngoài vùng biển xa phải là tàu sông biển (tàu SB) mà tàu này để bắt đầu hoạt động được theo quy định các tàu phải đăng ký, đăng kiểm, đủ điều kiện và hoạt động theo vùng nước.

Như khu vực này là do Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý và phải có giấy chấp thuận mới hoạt động. Tất cả các thủ tục này có được sau khi chủ đầu tư có mỏ, ký hợp đồng với chủ tàu thì chủ tàu mới đi đăng ký. Hầu như suốt tháng 7 vừa qua, chúng tôi chỉ lo làm thủ tục cho tàu", anh Châu nói.

Đo độ mặn phần nước lấy ra khỏi khoang tàu chứa cát.

Đo độ mặn phần nước lấy ra khỏi khoang tàu chứa cát.

Và theo quy định các tàu này chỉ được khai thác, sử dụng tại các vùng địa phương được chỉ định.

Đại diện đơn vị khai thác cho biết: "Ví dụ tàu này đăng ký khai thác cát biển ở Quảng Ninh thì chỉ được làm ở vùng biển này, nếu muốn chuyển về đây phải đăng ký chuyển vùng, các thủ tục này khá mất thời gian, do đó việc huy động tàu đáp ứng công suất dự án còn bị chậm so với dự định".

Từ lúc khởi công khai thác cát đến nay, đơn vị đã huy động, đưa các tàu về chi cục đăng kiểm để hoàn thiện thủ tục được khoảng 15 tàu, trong nhu cầu tổng thể cần 30 tàu. Dự kiến, đến giữa tháng 9 con số này sẽ huy động đủ.

Theo nhu cầu đăng ký trong bản xác nhận của tỉnh Sóc Trăng, khả năng công suất khai thác tối đa trong ngày của hai mỏ là 50.000m3. Nhà thầu cũng đăng ký từ 25.000 - 50.000m3 để phù hợp nhu cầu thực tế của công trường vào khoảng 30.000m3.

"Khai thác cát biển thành công là nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT, chủ đầu tư... Nhưng khai thác ngoài khơi nên chi phí cao hơn khoảng 30% so với cát sông, tức vào khoảng 120.000 đồng/m3. Tuy nhiên, cát biển khai thác không gây sạt lở sông rạch như cát sông, trữ lượng lại rất lớn", anh Châu đánh giá.

Clip ghi hình ảnh rửa cát tại tàu hút, ở điểm sang mạn sáng 27/8.

Trước đó, ngày 21/6/2024 UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Bản xác nhận khu B1.1 và B1.2 cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Ngày 29/6, nhà thầu bắt đầu khai thác cát biển. Phương pháp khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là sử dụng vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Việc khai thác này được dàn trải để không tạo hố sâu, nhằm tránh xói lở xảy ra trước mắt cũng như về lâu dài.

Khu vực biển khai thác cát được ngành chức năng giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép sử dụng là 7,5m, độ cao được phép sử dụng là 5m tính từ mặt nước biển.

Thời hạn khai thác cát biển được tính từ thời điểm có quyết định giao khu vực biển đến hết ngày 21/12/2024.

Hồ Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dua-cat-tu-bien-khoi-ve-cong-trinh-cao-toc-bang-cach-nao-192240827102753835.htm