Đưa Chỉ thị số 40 vào cuộc sống (Kỳ 2)

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Kỳ 2: Chỉ thị 40 - Ươm mầm hy vọng, gặt hái thành công

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội“ (gọi tắt là Chỉ thị 40) đi vào cuộc sống, đã tạo bước đột phá kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt qua đói nghèo, thay đổi cuộc sống, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau, làm tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng xã hội riêng có dành cho người nghèo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Từ sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát của mình, mà còn nhập cuộc, chung tay làm tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tính đến 30/9/2024 trên địa bàn thị xã Mỹ Hào Ngân hàng CSXH đã và đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách với dư nợ đạt đạt 445.949 triệu đồng, tăng 271.475 triệu đồng, tỷ lệ tăng 156% so với 31/12/2014 (kể từ khi có Chỉ thị 40). Trong đó: Nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 365.552 triệu đồng, tăng 189.548 triệu đồng, tỷ lệ tăng 109%, chiếm 81,91% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất đạt 76.827 triệu đồng, tăng 66.645 triệu đồng, tỷ lệ tăng 484,6%, chiếm 18,09% tổng nguồn vốn; nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 42.650 triệu đồng, tăng 40.850 triệu đồng, tỷ lệ tăng 2.269%, chiếm 9,56% tổng nguồn vốn.

Cùng với sự tận tâm, tận tụy, trách nhiệm của từng cán bộ và người lao động NHCSXH không quản ngày nghỉ, nắng mưa, giá rét... đúng giờ giao dịch cố định là có mặt phục vụ nhân dân đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo lên thành công chung của Chỉ thị 40.

Từ năm 2014 đến 30/9/2024, doanh số cho vay là 1.066.086 triệu đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách: Giúp 26.998 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nguồn vốn phát triển kinh tế; tạo việc làm cho 3.558 lao động; góp phần xây dựng 11.059 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; giúp 189 hộ gia đình mua nhà ở xã hội, xây mới và sửa chữa nhà ở và 758 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cho con tiếp tục theo học tại các trường Đai học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; 19 người chấp hành xong án phạt tù được vốn, 3 doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động do đại dịch COVID-19, có 9 cơ sở giáo dục mầm non được vay vốn sau đại dịch COVID-19, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã.

Kết quả trên đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế được nâng cao.

Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Bà Hương phấn khởi chia sẻ về mô hình nuôi thỏ của mình

Bà Hương phấn khởi chia sẻ về mô hình nuôi thỏ của mình

Nhớ lại thời điểm năm 2015 mà bà Nguyễn Thị Thanh Hương sinh năm 1973, ở thôn Hiển Dương, xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào vẫn rất xúc động khi lần đầu tiên được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. “Lúc đó gia đình tôi thuộc diện khó khăn, việc làm không ổn định, lại thiếu vốn để sản xuất kinh doanh”, bà Hương nói. Tuy nhiên, được Ban quản lý tổ TK&VV thôn, hội Nông dân xã hướng dẫn tham gia tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn Hiển Dương, gia đình bà Hương được bình xét và hướng dẫn các thủ tục vay vốn chương trình Hộ nghèo số tiền 50 triệu đồng.

Nhận được vốn vay từ NHCSXH, với sự tư vấn của Hội Nông dân xã, sự tận tình hướng dẫn của các ngành ở địa phương, gia đình bà Hương đã quyết định đầu tư vào trang trại chăn nuôi: lợn, gà, … “Với lãi suất vay thấp, không tạo nhiều áp lực trả lãi nên tôi rất an tâm khi đầu tư vào chuồng trại và mua con giống, bước đầu sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận và dần có lợi nhuận, đủ để trang trải chi phí, kinh tế gia đình bớt khó khăn”, bà Hương chia sẻ.

Qua nhiều năm tích lũy gia đình bà Hương đã mở rộng thêm trang trại và nhập thêm một số các giống vật nuôi khác như thỏ, cá… tạo nguồn thu nhập cơ bản và ổn định cho gia đình, đến nay mỗi năm bà Hương thu nhập giao động từ 180 đến 250 triệu đồng.

Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH thị xã Mỹ Hào để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đến năm 2024 gia đình bà Hương đã trả hết khoản vay cũ và được các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thống nhất họp xét đề nghị NHCSXH cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo, với số tiền 100 triệu đồng để cải tạo lại trang trại, mua thêm con giống phục vụ cho công việc mở rộng mô hình chăn nuôi.

Những “chiếc cần câu” từ tín dụng chính sách xã hội đã giúp bà Hương và hàng nghìn hộ gia đình ở thị xã Mỹ Hào thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Mô hình sản xuất quẩy của anh Trử Văn Thắng đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Mô hình sản xuất quẩy của anh Trử Văn Thắng đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Tín dụng chính sách xã hội phải lồng ghép được nguồn vốn hữu hình và kiến thức vô hình để kích hoạt đối tượng yếu thế trong xã hội thoát khỏi tự ti, mặc cảm và có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Như trường hợp của anh Trử Văn Thắng sinh năm 1999 tại tổ dân phố thôn Yên Xá, phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Cuối năm 2023, anh được NHCSXH thị xã Mỹ Hào xét cho vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg với số tiền 100 triệu để mua máy móc và nguyên liệu sản xuất quẩy. Nhờ có sự ủng hộ tinh thần của gia đình và vốn vay của NHCSXH, anh Thắng đã từng bước gỡ bỏ mặc cảm, quyết tâm làm kinh tế. Đến nay do có nhiều cố gắng học hỏi và sáng tạo, mặt hàng do anh sản xuất không chỉ tiêu thụ tốt ở địa phương mà còn được thị trường các tỉnh lân cận đón nhận nên từ đó, anh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho anh chị em trong xóm. Chia sẻ với cán bộ NHCSXH anh Thắng cho biết: “Do tuổi trẻ ham chơi, thiếu hiểu biết nên đã vi phạm pháp luật. Sau gần 3 năm chấp hành án phạt tù, bản thân em rất tiếc nuối khoảng thời gian đó đã làm bố mẹ già phải lo lắng, không giúp đỡ được gia đình. Khi trở về địa phương, lúc đầu em rất mặc cảm nhưng dưới sự động viên của bố mẹ, của người thân trong gia đình, các cô chú ở hội đoàn thể đã giúp e có quyết tâm làm lại từ đầu, xa lánh những tệ nạn xã hội và chí thú làm ăn để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Được sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH thị xã Mỹ Hào nên em có vốn làm kinh tế, tăng thu nhập, hiện hàng tháng em đều dành riêng một khoản tiền để gửi tiết kiệm và trả lãi theo đúng quy định”.

Đây chỉ là một vài nét trong bức tranh tín dụng chính sách xã hội qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ở thị xã Mỹ Hào. Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Qua những đợt họp giao ban, lắng nghe ý kiến của người dân và các cấp chính quyền về các chính sách tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Mỹ Hào đã tham mưu với Ban đại diện HĐQT thị xã phân bổ nguồn vốn hợp lý hiệu quả hơn, đồng thời đề xuất kiến nghị đến các cơ quan cấp trên để điều chỉnh chính sách hợp lòng dân, gia tăng động lực cho công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phạm Ngọc Hà

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dua-chi-thi-so-40-vao-cuoc-song-ky-2-158801.html