Đưa con lên núi, cắm bản 'trồng người'

Thanh xuân của thầy, cô gửi gắm nơi vùng cao biên giới và nhận lại tấm lòng yêu thương mộc mạc, chân thành của học sinh nơi đây.

Ở tỉnh Quảng Bình, giáo viên cắm bản “trồng người” ở vùng biên giới Việt - Lào đa số ở miền xuôi, lặn lội hàng trăm cây số lên đây để rồi gắn bó cả chục năm trời. Các thầy, cô không quản ngại khó khăn nâng cánh ước mơ cho học sinh vùng cao. Có giáo viên gác lại tình cảm gia đình, thậm chí đưa con nhỏ mới 1 tuổi lên ở cùng mẹ, cắm bản dạy học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh đưa con lên núi cắm bản dạy chữ

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh đưa con lên núi cắm bản dạy chữ

Gần 15 năm cắm bản dạy học nơi biên giới Lâm Thủy, cô giáo Nguyễn Thị Thanh, 38 tuổi, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy thấu hiểu sự vất vả cũng như những đổi thay trong sự học nơi đây. Hơn một nửa thanh xuân của cô giáo miền xuôi đã gửi gắm trọn vẹn nơi miền ngược này.

15 năm trước, cô Thanh vượt đèo, lặn lội cả trăm cây số từ quê nhà huyện Quảng Trạch đến nhận công tác giảng dạy tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. 5 năm sau, cô Thanh lập gia đình. Chồng cô làm ăn xa, thế là con gái tròn 1 tuổi theo mẹ lên biên giới cắm bản. Ban đầu, cô Thanh cũng muốn con mình ở đồng bằng, thành phố cho cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Rồi hằng đêm, nơi miền biên giới vắng vẻ, cô Thanh nước mắt lăn dài vì nhớ con, thương con còn nhỏ đã phải xa mẹ. Muốn gần con nhưng tâm huyết của cô đã trót trao hết nơi biên giới này rồi. Thế là cô Thanh quyết định đưa con lên núi, vui buồn cùng mẹ.

Đã hơn 10 năm đứa con gái cùng cô Thanh sống nơi vùng cao Lâm Thủy, lớn lên trong sự yêu thương của các thầy, cô đồng nghiệp của mẹ. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh tâm sự, cứ mỗi dịp 20/11, cô có thêm nhiều kỷ niệm về tình cảm yêu thương của phụ huynh và học trò vùng cao. Cô Thanh nói, có lần mấy em học sinh gõ cửa phòng, cô mở cửa ra thì các em đưa cô mấy củ khoai mì rồi bẽn lẽn nói “em cho cô”.

Các thầy cô cố gắng để các em có những bữa cơm bán trú ngon hơn, đầy đủ hơn

Các thầy cô cố gắng để các em có những bữa cơm bán trú ngon hơn, đầy đủ hơn

Các thầy giáo vào bản, kịp thời hỗ trợ gia đình các em học sinh hoàn cảnh khó khăn

Các thầy giáo vào bản, kịp thời hỗ trợ gia đình các em học sinh hoàn cảnh khó khăn

“Trước đây các em cũng chưa biết đến ngày 20/11, nhưng những năm gần đây các em cũng hiểu được. Các em tặng thầy cô hoa, có thể không được hoa hồng như ở đồng bằng nhưng các em tặng cô những bó hoa rừng, hoa dại, có em cầm vài cái kẹo đưa đến tặng cô, chủ yếu tấm lòng của các em”, cô Thủy chia sẻ.

Cuộc sống của bà con xã biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy đang dần thay đổi tốt hơn, việc học hành của con em cũng được quan tâm hơn. Đường sá vào các bản đã được bê tông hóa, việc đi lại của thầy, cô cắm bản thuận lợi hơn. Thầy giáo Đặng Ngọc Tân, giáo viên phụ trách bán trú- nội trú trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy tâm sự, đường sá tốt hơn là cơ hội để các thầy, các cô thường xuyên đến với các em học sinh ở bản làng xa xôi, cách trở. Nhưng vào mùa mưa này, nỗi lo lớn nhất của giáo viên cắm bản là sạt lở, ngập lụt chia cắt.

Mùa mưa, thầy cô giáo rất vất vả để đến bản làng dạy chữ cho học sinh

Mùa mưa, thầy cô giáo rất vất vả để đến bản làng dạy chữ cho học sinh

Đã tròn 12 năm, thầy giáo Tân xa vợ con nơi quê nhà lên giảng dạy ở miền núi Lâm Thủy. Những năm đầu vô cùng khó khăn từ việc đi lại, trường lớp thiếu thốn trăm bề. Ngày trước muốn dạy chữ phải trèo đèo lội suối để đến các bản làng, rồi ở lại dăm bữa nửa tháng dạy học cho các em. Năm đó, cũng gần đến dịp 20/11, thầy Tân cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại bản Eo Bù - Chút Mút, nơi xa xôi hẻo lánh nhất của xã Lâm Thủy ngày ấy. Dù cách điểm trung tâm gần 17 cây số nhưng chỉ đi bộ băng rừng, lội qua hàng chục con suối dữ, mất cả ngày trời mới có thể vào đó được. Năm ấy trên đường vào Eo Bù- Chút Mút, các thầy gặp lúc mưa to, phải lội suối bị nước lũ cuốn đi mấy chục mét. May mắn các thầy bám vào bụi cây ven suối rồi mò mẫm vào bờ. Lúc thoát nạn vào tới bản, kể lại câu chuyện qua suối bị lũ cuốn, bà con ai nấy đều giật mình.

Còn để vào bản Bạch Đàn dạy học ngày đó, thầy cô phải lội qua 9 con suối. Vậy mà các cô giáo cắm bản, trên lưng mang ba lô hành lý, sách vở nặng, lại phải bì bõm lội, dò từng bước chân. Sợ nhất là khi qua những đoạn suối chảy xiết, nước chảy cuồn cuộn, đá cuội lởm chởm dưới đáy rất trơn, chỉ sơ sẩy là té ngã, hành lý thầy cô mang theo ướt hết.

Thầy giáo Đặng Ngọc Tân nhớ lại, ngày Nhà giáo năm ấy, các thầy, cô vào bản ở lại ăn cơm cùng bà con, phụ huynh, có người mang tới lon gạo, túi khoai, người tặng cây mía, vài trái ổi rừng gọi là quà 20/11 tặng thầy cô: “Từ 2011-2016 là quãng thời gian khá khó khăn trong dạy học, ví dụ thầy cô ở trung tâm muốn vào bản Bạch Đàn dạy học phải cõng trên vai đồ ăn, giáo án, đồ đạc khoảng 30kg rồi phải vượt 9 con suối, đường sá đi lại rất khó. Lúc đó bản thân xin lên đây công tác thì cũng bị nhiều người có câu chê bai, có người bảo có điên mới xin lên đó dạy, bởi lúc đó cả huyện không có ai tự nguyện xin đi lên đây”.

Thầy cô huy động nhiều nguồn để hỗ trợ áo ấm cho học sinh miền núi

Thầy cô huy động nhiều nguồn để hỗ trợ áo ấm cho học sinh miền núi

Dạy học ở bản làng biên giới đa số là các thầy, cô giáo nhà ở miền xuôi, vì bén duyên sự nghiệp “trồng người” nơi đây nên đã tình nguyện ở lại với bản làng, với các em học sinh Vân Kiều.

Thầy giáo Trương Như Thuần, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy nói rằng, nghề dạy học ở biên giới mang lại cho thầy, cô những kỷ niệm khó quên và những cảm xúc chân thật mà không nơi nào có được. Đặc biệt, tình cảm của học trò Vân Kiều nơi đây rất mộc mạc, chân thành. Ngày Nhà giáo năm ngoái, thầy Thuần nhận được 3 nhánh hoa rừng của 1 em học sinh nơi biên giới. Đây là món quà đầu tiên thầy Thuần nhận được từ khi đến nhận công tác tại trường. Những nhánh hoa rừng đơn sơ nhưng thầy, cô cảm nhận được tình cảm của học trò. Thầy Thuần xúc động đến rơi nước mắt, không phải vì được các em tặng hoa mà vì các em đã biết yêu thương thầy cô, biết bày tỏ tình cảm trong Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Hiện nay, điều kiện dạy và học ở trường đã đầy đủ hơn, quan trọng nhất là phụ huynh nơi đây đã có ý thức chăm lo việc học cho con cái. Có lẽ, trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy là ngôi trường duy nhất ở miền núi Quảng Bình không còn cảnh thầy, cô phải vào tận nhà vận động học sinh đến trường. Hệ thống thông tin liên lạc đã có, đường sá thuận lợi hơn giúp thầy cô, phụ huynh trao đổi với nhau dễ dàng hơn để quản lý các em.

Trang phục truyền thống của người Vân Kiều là đồng phục ở trường của các em học sinh

Trang phục truyền thống của người Vân Kiều là đồng phục ở trường của các em học sinh

Thầy giáo Trương Như Thuần cho biết thêm, nhà trường tiếp tục huy động nhiều nguồn lực, kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm để chăm lo cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tập tốt hơn, được ăn những bữa cơm ngon hơn, khuyến khích các em đến trường đều đặn hơn.

“Cán bộ, giáo viên và nhân viên lên công tác tại miền núi đem theo con cái lên đây học hành, theo bố hoặc theo mẹ và nuôi dưỡng các cháu tại trường. Hầu như tất cả những sức lực và trí tuệ của thầy cô nơi đây đều dành cho việc dạy dỗ và nuôi dưỡng các em học sinh”, thầy Thuần nói.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dua-con-len-nui-cam-ban-trong-nguoi-post1060136.vov