Đưa công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào phát triển du lịch

Khai thác, phát triển du lịch từ công viên địa chất toàn cầu là một trong ba trụ cột của nền kinh tế tỉnh Đắk Nông.

Chiều 26-12, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội thảo công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững.

Theo các nhà khoa học, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760 km2, bao gồm các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long và TP Gia Nghĩa. Công viên địa chất này có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…

 Núi lửa Nam Kar trong quần thể công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ảnh: AX

Núi lửa Nam Kar trong quần thể công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Ảnh: AX

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh này xác định phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa đặc trưng sinh thái bản địa, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một trong ba trụ cột của nền kinh tế tỉnh này.

Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Đỗ Thị Yến Ngọc, Giám đốc Trung tâm Karst và di sản địa chất- Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, cho rằng công viên địa chất toàn cầu không chỉ là biểu tượng của sự bảo tồn mà còn là động lực thúc đẩy các địa phương phát triển toàn diện; cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các cam kết quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới di sản toàn cầu.

 Hội thảo công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: VŨ LONG

Hội thảo công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: VŨ LONG

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển du lịch, bà Hoàng Thị Huệ, Phó giám đốc Ban Quản lý công viên địa chất non nước Cao Bằng, chú trọng đến vai trò của cộng đồng trong việc tái định hình di sản để đáp ứng nhu cầu du lịch hiện đại.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng.

"Các tham luận, ý kiến tại hội thảo góp phần làm nổi bật vai trò của công viên địa chất trong việc hiện thực hóa chương trình nghị sự 2030 với các mục tiêu phát triển bền vững, từ bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến phát triển du lịch bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân”- bà Hạnh nói.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng các điểm di sản

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, thời gian qua tỉnh này tập trung ưu tiên vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm di sản thuộc công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư với các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP.HCM, tỉnh Mondukiri (Vương quốc Campuchia)…

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dua-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-dak-nong-vao-phat-trien-du-lich-post827038.html