Đưa cửa khẩu đường sắt vào sâu nội địa, khai trương chuyến tàu chở hàng liên vận quốc tế từ Hải Dương
Từ ga Cao Xá đến ga Yên Viên khoảng 50 km, từ đây, ngành đường sắt tổ chức vận tải liên vận quốc tế thuận lợi đi Trung Quốc và các nước khác. Giai đoạn sau này, khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, 'ông lớn' đường sắt VNR sẽ tiếp tục triển nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế...
Ngày 2/5, tại ga Cao Xá (Hải Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế.
"BƯỚC ĐỆM" ĐƯA GA CAO XÁ THÀNH GA LIÊN VẬN QUỐC TẾ
Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng hàng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên. Đoàn tàu sau khi xuất phát về đến ga Yên Viên sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh việc thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong đó có hàng liên vận quốc tế tại ga Cao Xá nhằm triển khai "Phương án nâng cao năng lực vận tải hàng hóa nội địa và liên vận quốc tế bằng đường sắt" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Về vận tải bằng đường sắt, từ ga Cao Xá đến ga Yên Viên khoảng 50 km, từ đây tổ chức vận tải liên vận quốc tế thuận lợi đi Trung Quốc và các nước khác qua cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng, cũng như vận chuyển nội địa đi các tỉnh thành miền Trung và miền Nam, đồng thời thu hút khách hàng từ các tỉnh lân cận tỉnh Hải Dương như Hưng Yên, Thái Bình...", ông Khánh nói.
Ngay sau lễ khai trương, đường sắt đã có kế hoạch kết nối ga Cao Xá với hệ thống các ga đường sắt liên vận quốc tế như Yên Viên, Lào Cai, Đồng Đăng... để có thể khai thác hiệu quả nhất hoạt động phục vụ vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Cao Xá.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài 46 km, gồm 06 nhà ga song các ga đường sắt trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa có các bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container, chưa có kết nối với khu công nghiệp cũng như các nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Do đó, hàng hóa tại tỉnh Hải Dương chưa xuất - nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt.
"Như vậy, sau Ga Kép (Bắc Giang) thì Ga Cao Xá (Hải Dương) là ga thứ 2 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc cải tạo, nâng cấp nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa".
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Hải Dương, lý giải việc lựa chọn Ga Cao Xá để chở hàng liên vận quốc tế, ông Tuấn cho biết ga có khả năng kết nối đường giao thông cơ bản thuận lợi, gần với các khu công nghiệp lớn và trung tâm thành phố Hải Dương, đồng thời có kết nối với đường tỉnh 194B đến cảng Tiên Kiều chỉ 2 km.
Theo lãnh đạo VNR, đây là đoàn tàu vận chuyển hàng liên vận quốc tế đầu tiên sau khi ga Cao Xá hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 và cũng là "bước đệm" quan trọng để đưa ga Cao Xá trở thành ga liên vận quốc tế trong tương lai.
Theo đó, trong giai đoạn 1, Tổng công ty Đường sắt đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp bãi hàng trong phạm vi đất đường sắt đang quản lý và đáp ứng yêu cầu tối thiểu về bãi ngoại quan chuyên dùng như: cải tạo đường sắt số 3 thành đường đón gửi và lưu chứa xe có chiều dài khoảng 600m; xây dựng mới một đường sắt xếp dỡ dài khoảng 250m; xây dựng mới một văn phòng, dịch vụ hải quan, kho hàng, bãi hàng…
Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại; đồng thời trở thành mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.
TẠO THUẬN LỢI CHO XUẤT NHẬP KHẨU, GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS
Trong giai đoạn 2, nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt sẽ tiếp tục triển nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.
Khi đó, tại ga Cao Xá sẽ tổ chức khai thác hai tuyến liên vận quốc tế.
Khi đó, tuyến 1: Cao Xá - Yên Viên (Hà Nội) - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU.
Tuyến 2: Cao Xá - Lào Cai - Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.
Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh có hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế.
Về phía địa phương, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, hệ thống tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8%. Theo quy hoạch, năm 2030 có 32 khu công nghiệp và trên 60 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 550 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, xếp thứ 11 trong cả nước.
"Với hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng, tỉnh định hướng quy hoạch nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận kết nối với cảng biển, sân bay. Ga nằm gần các khu công nghiệp nên việc nâng cấp để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu là cần thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng, vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc vận chuyển như đường bộ", ông Hùng nhấn mạnh.
Việc tổ chức khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Cao Xá sau hơn 2 tháng khẩn trương hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1 thể hiện sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Hải Dương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào khai thác một loại hình vận tải mới, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận; góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Dự kiến, ngày 20/5 tới, đây, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá.