Đưa dạy học thông qua chơi vào trường sư phạm: Đổi mới giáo dục từ giáo viên
Từ những hiệu quả thực tế khi triển khai ở các trường tiểu học, phương pháp dạy học thông qua chơi đang được các trường đại học sư phạm đưa vào chương trình giảng dạy để đào tạo giáo viên tương lai.

Giáo viên tập huấn về dạy học thông qua chơi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong một tiết học về phương pháp giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên được yêu cầu thiết kế một bài học toán lớp 1 thông qua… bản tin dự báo thời tiết. Nhiệm vụ tưởng chừng kỳ lạ ấy lại khiến giảng đường trở nên sôi nổi: nhóm thì chọn cách cho học sinh nghe bản tin để ghi lại các con số về nhiệt độ, lượng mưa; nhóm khác lại nghĩ ra hoạt động đoán số, so sánh số qua hình ảnh.
Đây chính là cách Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học sư phạm khác đang triển khai đào tạo phương pháp học thông qua chơi – một cách tiếp cận sư phạm giúp trẻ chủ động tham gia, khám phá, vận dụng tư duy, cảm xúc và kỹ năng xã hội thông qua các hoạt động giàu trải nghiệm.
Những hiệu quả tích cực từ thực tiễn
Dự án “Tích hợp học thông qua chơi trong đào tạo giáo viên tiểu học” (Dự án PLAYHi) do Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng, Vương quốc Bỉ (VVOB) tại Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam triển khai nhằm nâng cao trình độ cho giáo viên, qua đó góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Khác với quan niệm chơi chỉ để giải trí, học qua chơi là hướng tiếp cận dạy học có mục tiêu, giúp học sinh thấy hứng thú, thúc đẩy các em tích cực tham gia, có nhiều cơ hội thử nghiệm và tương tác xã hội. Đặc biệt, học qua chơi khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, suy luận, giải quyết vấn đề – những năng lực quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đó, dự án về lồng ghép các hoạt động học thông qua chơi trong giáo dục tiểu học đã được VVOB triển từ năm 2019 đến năm 2025 tại 8 tỉnh, thành (Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh). Dự án tập huấn, khai vấn, sinh hoạt chuyên môn cho hơn 2.000 cán bộ sở, phòng giáo dục và đào tạo, cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên tiểu học và mang lại những hiệu quả giáo dục tích cực.

Dự án học thông qua chơi đã khẳng định hiệu quả trong triển khai ở các nhà trường trước khi được đưa vào trường sư pham. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Là giáo viên trực tiếp tham gia dự án, cô Vũ Thị Thanh, Trường Tiểu học Hương Sơn, xã Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết thực tế giảng dạy và quản lý ở cấp tiểu học cho thấy học thông qua chơi đã giúp học sinh tự tin, chủ động và hợp tác tốt hơn.
"Chúng tôi rất phấn khởi khi biết phương pháp này tiếp tục được đưa vào trường sư phạm để đào tạo giáo viên. Chỉ cần sinh viên mang theo tinh thần đổi mới, mỗi lớp học và rộng hơn là mỗi trường học sau này sẽ có thêm cơ hội thay đổi tích cực. Khi một giáo viên thay đổi, cả lớp học thay đổi. Khi nhiều giáo viên cùng thay đổi, một thế hệ học sinh sẽ lớn lên trong trải nghiệm tích cực, nhân văn và hứng thú,” cô Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Bảo Châu, điều phối dự án của VVOB, đây cũng là điều dự án hướng đến. Để phương pháp học thông qua chơi được triển khai hiệu quả và lâu dài trong nhà trường, điều cốt lõi là phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên có kiến thức, kỹ năng và tư duy phù hợp, để chính họ biết, hiểu, và tin vào hiệu quả của phương pháp này. Vì vậy, chiến lược tích hợp học thông qua chơi vào các trường đại học sư phạm là bước đi dài hạn tiếp theo với trọng tâm là sinh viên các trường đại học sư phạm – thế hệ giáo viên tương lai.
Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã bắt đầu tích hợp học qua chơi với lộ trình cụ thể: Thiết kế môn tự chọn mới về học qua chơi; tích hợp học qua chơi vào phương pháp giảng dạy của các môn học hiện có (5 môn tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 7 môn tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên); lồng ghép học qua chơi vào nội dung lý thuyết giảng dạy bắt buộc trong chương trình đào tạo giáo viên.
Cùng với việc phát triển tài liệu học tập và tổ chức các lớp tập huấn cho giảng viên đại học, cách tiếp cận đa dạng này cho phép các trường chủ động điều chỉnh và nhân rộng học thông qua chơi trong chương trình một cách bài bản và phù hợp với điều kiện cụ thể của trường.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “Việc phát triển đội ngũ giảng viên nòng cốt và hệ thống tài liệu nội bộ giúp chúng tôi chủ động duy trì và mở rộng hướng tiếp cận này trong đào tạo giáo viên tiểu học. Học thông qua chơi không còn là một sáng kiến dự án mà đang dần trở thành thực hành thường xuyên và là năng lực sư phạm cần thiết của giáo viên và sinh viên sư phạm tiểu học.”

Dự án hướng tới lan tỏa đến nhiều cơ sở giáo dục sư phạm khác trên cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cũng theo Phó giáo sư Lê Thị Thu Hương, trong những tiết học có lồng ghép cách tiếp cận học thông qua chơi, sinh viên được tham gia thiết kế hoạt động, đóng vai giáo viên tiểu học ngay trên giảng đường. Những tiết học tập làm văn huy động các giác quan để học sinh tưởng tượng, kể lại bằng ngôn ngữ của riêng mình, hay hoạt động đóng vai phóng viên để phỏng vấn người thân về những việc cần làm khi có thiên tai… đều là những ví dụ cho việc sinh viên áp dụng linh hoạt học thông qua chơi vào kế hoạch bài giảng, từ đó hình thành năng lực vận dụng thực tế.
Không dừng lại ở hai trường đại học, dự án được thiết kế linh hoạt để có thể mở rộng sang các cơ sở đào tạo sự phạm khác trên cả nước. Việc học thông qua chơi được tích hợp vào các học phần sẵn có cũng đồng nghĩa với việc các trường có thể duy trì nội dung này lâu dài, ngay cả sau khi dự án kết thúc.
Ông Nguyễn Bảo Châu cho hay: “Bằng cách đưa học thông qua chơi vào giảng đường và thúc đẩy hợp tác giữa giảng viên đại học và giáo viên phổ thông, chúng tôi muốn đảm bảo rằng thế hệ giáo viên tiếp theo không chỉ hiểu lý thuyết mà còn thành thạo kỹ năng tổ chức các hoạt động học tích cực, phù hợp với định hướng giáo dục mới.”
Cũng theo ông Châu, việc đầu tư vào chương trình đào tạo không chỉ là đầu tư cho đội ngũ giáo viên và sinh viên, mà là đầu tư cho lớp học của tương lai, nơi trẻ em được học bằng sự tò mò, sáng tạo và niềm vui khám phá./.
Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng, Vương quốc Bỉ (VVOB) là tổ chức phi lợi nhuận về hợp tác phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, thành lập năm 1982 tại Bỉ. Mục tiêu của VVOB là hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục theo hướng bền vững tại các nước đang phát triển.
Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Flamăng, Vương quốc Bỉ hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 trong lĩnh vực giáo dục với phương châm "giáo dục vì sự phát triển" và kỳ vọng góp phần tạo sự công bằng và cơ hội cho mọi người.