Đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài

Ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện Việt Nam có hơn 45.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có khoảng trên 1.500 DN công nghệ số ra nước ngoài với ước tính doanh thu của thị trường nước ngoài hiện nay khoảng 7,5 tỷ USD.

Trong bối cảnh thị trường CNTT nội địa gặp khó khăn, chủ trương đưa DN công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra hướng mới, giúp DN mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của CNTT Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành CNTT.

Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng CNTT của thị trường thế giới vẫn còn rất lớn và tăng đều ổn định theo từng năm.

Thời gian qua, để hỗ trợ các DN công nghệ số Việt Nam bước ra thị trường thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: Thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ DN công nghệ số vươn ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, thúc đẩy xuất khẩu phần mềm nói riêng… Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 đoàn đưa DN ra nước ngoài tại một số quốc gia như Singapore, Australia, New Zealand, Anh, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha kết nối 50 DN Việt Nam đến với hơn 3.000 DN quốc tế trong các phân khúc BPO, ITO, Automotive, Fintech, semiconductor… tổ chức hơn 100 cuộc busines matching của DN CNTT Việt Nam với DN nước ngoài. Tổ chức giới thiệu hơn 50 sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam tiêu biểu đến toàn thế giới tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu. Tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các DN công nghệ số Việt Nam (phần lớn là DN phần mềm) có nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghệ số ra nước ngoài với đại diện 11 tham tán thương mại của Việt Nam tại 10 nước trên thế giới… Nhờ các hoạt động nêu trên, nhiều DN đã ký kết được các hợp đồng về phần mềm và dịch vụ CNTT thông qua các hoạt động này như Vitex, NextVision… đem lại doanh thu tăng tưởng tốt trong năm 2023. Một số khác tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài và đạt nhiều hợp đồng xuất khẩu như công ty NTQ, VMO, FPT…

Ông Lê Nam Trung cho biết, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp. “Tổ chức làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương để thiết lập kênh, đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các nước như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khảo sát nhu cầu, khả năng của DN Việt Nam tham gia thị trường nước ngoài; Xây dựng cơ sở dữ liệu DN Việt Nam đang làm cho thị trường nước ngoài để xây dựng hệ sinh thái DN hỗ trợ, tương hỗ lẫn nhau khi tham gia thị trường nước ngoài” - ông Trung nhấn mạnh và cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các DN đã thành công ở thị trường nước ngoài để nghiên cứu, thu thập thị trường nước ngoài về CNTT để làm cơ sở cho các DN Việt Nam tham khảo, xây dựng phương án kinh doanh. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn ra hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho DN…

Theo ông Đặng Khánh Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), DN công nghệ số Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu khả năng liên doanh với DN nước ngoài. Đồng thời, chú trọng đến tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chữ tín, bảo mật thông tin, phối hợp, không ngừng đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm, học tập doanh nghiệp đi trước.

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dua-doanh-nghiep-cong-nghe-so-ra-nuoc-ngoai-10280187.html