Đưa doanh nghiệp Việt tham gia sâu chuỗi cung ứng bền vững
Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhiều cải cách, đáp ứng những bộ luật mới liên quan chuỗi cung ứng xanh, bền vững.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, các doanh nghiệp EU đặt yếu tố hàng đầu trong thu hút đầu tư vào Việt Nam chính là cải cách về thể chế, môi trường và thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, ông Minh cho biết những xu hướng mới trên thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều, đặc biệt những xu hướng liên quan tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, quyền con người.
EU đưa ra bộ luật mới liên quan tới chuỗi cung ứng, điều này ảnh hưởng khá đáng kể đến các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn châu Âu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
“Sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững không chỉ còn là khẩu hiệu hô hào, mà là thời điểm các thị trường lớn như EU, Mỹ đưa ra các đạo luật này. Đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện này thì mới có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng”, ông Minh nhấn mạnh.
Với Việt Nam có rất nhiều việc cần cải cách. Cụ thể, đó là vấn đề về năng lượng, không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư tham gia vào dự án năng lượng, mà Việt Nam có cam kết rất mạnh mẽ ở COP 26 đi kèm với đó là chiến lược tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã xây dựng, ban hành khá hoàn thiện.
Năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược, đặc biệt với doanh nghiệp EU thì đây là điều kiện không thể thiếu. Một mặt đây là lĩnh vực tiềm năng cho đầu tư vì EU có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, điện ngoài khơi… giúp Việt Nam hiện thực hóa được cam kết của mình.
Ngược lại, đây không phải là dự án đầu tư bình thường mà bắt buộc Việt Nam phải nhìn nhận năng lượng tái tạo là nhu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của EU. Nếu không có năng lượng tái tạo, những dự án sản xuất xuất khẩu sẽ bị trì hoãn. Điều này bắt buộc Chính phủ, Bộ Công Thương cần quan tâm nhiều hơn đến quy hoạch Điện VIII đặc biệt cơ chế mua bán điện trực tiếp cho các dự án sản xuất.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng cho biết năng lượng là lĩnh vực quan trọng với các nhà đầu tư Mỹ.
Theo ông Thành, để đầu tư sản xuất vào Việt Nam họ cần có năng lượng tái tạo, đòi hỏi quy hoạch Điện 8 phải được phê duyệt vì “quả bóng trong chân chúng ta chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài”.
“Chúng ta cần có tư duy dài hạn hơn, bởi cách tiếp cận hiện nay vẫn là tư duy của thị trường trong nước, vẫn là yêu cầu các nhà đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch- tư duy này chưa bắt kịp xu thế. Giờ là cuộc chơi toàn cầu. Nhu cầu của các FDI là cần năng lượng tái tạo và họ sẵn sàng chi trả. Chúng ta cần tranh thủ hợp tác với họ để đưa Việt Nam lên bản đồ thế giới”, ông Thành nói.
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, trong Quy hoạch điện VIII đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới. Cụ thể là có thể phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhất là gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các quốc gia hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua điều chế halogen, các pin năng lượng sạch hoặc các hình thức xuất khẩu khác.
“Trong Quy hoạch điện VIII, chúng tôi có ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, rồi điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệu điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch. Chúng tôi đang triển khai xây dựng các cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái, cơ chế mua bán điện trực tiếp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay.
Về phát triển điện gió ngoài khơi và mái nhà, đây là nguồn năng lượng sạch Việt Nam có tiềm năng, tuy nhiên phát triển đến đâu, bao giờ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Riêng điện mặt trời mái nhà, theo phương thực tự sản tự tiêu, mua bán trực tiếp và không qua hệ thống truyền tải điện quốc gia đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng thí điểm, mà điển hình là TPHCM đang được Quốc hội xem xét nghị quyết thí điểm cơ chế chính sách phát triển này.
Về điện gió ngoài khơi, tiềm năng của Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác phát triển còn tùy thuộc vào quy hoạch không gian biển, tùy thuộc vào sự điều chỉnh để có sự thống nhất trong các quy định của luật hiện hành, xem xét các yếu tố an ninh quốc phòng, cảnh quan môi trường.
Sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.
Ngoài ra, theo đại diện EuroCham, có một xu hướng mới đòi hỏi Việt Nam cần nắm bắt. Chính sự thuận lợi về vị trí địa lý, Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư châu Âu để trở thành trung tâm logistics trong khu vực Asean. Nhưng cơ sở pháp lý, hạ tầng chưa cho phép Việt Nam hiện thực hóa được điều này.
“Để hiện thực hóa, Việt Nam cần có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, thực hiện trung tâm logistics ở Việt Nam, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hóa trong khu vực. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam nếu dự án thành hiện thực”, ông Minh nhấn mạnh.