Đưa du lịch hoa thành đặc sản của Hà Nội
Hà Nội có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch gắn với hoa. Đã đến lúc TP cần quan tâm đầu tư toàn diện để du lịch hoa trở thành một loại hình du lịch đặc biệt, đặc sắc, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và thu hút du khách đến với Thủ đô.
Sản phẩm còn đơn điệu
Không chỉ nổi tiếng với các danh lam, thắng cảnh, Hà Nội còn được ưu ái bởi những mùa hoa đặc trưng, làm vấn vương lòng bao người từng đặt chân tới. Mỗi mùa hoa đến, Hà Nội lại khoác lên mình chiếc áo mới. Mùa Xuân hoa đào bừng nở, khoe sắc hồng tươi; mà Hè là sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn, ngát hương của hoa sen Hồ Tây; mùa Thu nồng nàn hương hoa sữa… Nhắc tới hoa Hà Nội, không thể không nhớ tới các làng nghề hoa truyền thống từng đi vào thơ ca, như: Làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Nhật Tân, Quảng Bá… Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội lại mở các chợ hoa Xuân. Đây cũng được đánh giá là một tài nguyên du lịch hấp dẫn của Hà Nội.
Ngoài những làng nghề hoa truyền thống, vài năm gần đây, ở ngoại thành Hà Nội cũng phát triển mạnh nghề trồng hoa, cây cảnh, hình thành nên các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đây chính là điều kiện để phát triển các tour du lịch sinh thái chuyên đề hoa. Mặc dù tiềm năng về du lịch lớn nhưng thực tế, Hà Nội vẫn chưa khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này. Chương trình du lịch đến làng hoa đa phần chỉ là tham quan thông thường, mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ ở một số hộ gia đình. Hơn nữa, công tác xúc tiến thương mại, du lịch cho loại sản phẩm này không được đầu tư đúng mức.
Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển - TS Phạm Việt Long cho biết: Tiềm năng phát triển du lịch hoa của Hà Nội rất phong phú nhưng để biến hoa thành sản phẩm du lịch đặc sắc thì Hà Nội vẫn chưa làm được. Sản phẩm du lịch hoa của Hà Nội còn quá đơn điệu, nghèo nàn. “Là một người con của Hà Nội, tôi cảm thấy chạnh lòng với Hà Giang. Bởi dù chỉ có một loại hoa tam giác mạch nhưng Hà Giang đã biến thành đặc sản du lịch, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách về tham quan trải nghiệm” – TS Phạm Việt Long bộc bạch.
Không để phát triển tự phát
Theo TS Phạm Việt Long, tại Hà Nội, các làng hoa hoàn toàn có thể quy hoạch lại để phát triển thành những điểm du lịch hoa hấp dẫn. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các làng nghề trồng hoa tại Hà Nội hiện nay là kết cấu hạ tầng. Các làng hoa truyền thống thuộc khu vực nội thành như Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm… đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa. Đối với các làng hoa ven đô lại đang phát triển tự phát. Mặt khác, chính sách về đất đai cũng đang làm khó các DN đầu tư loại hình du lịch này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch hoa cần sự bắt tay của “4 nhà”, gồm Nhà nước, DN, người dân và nhà truyền thông. Trước tiên, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người lãnh đạo quản lý, cũng như người dân về vai trò của loại hình du lịch gắn với hoa. Người nông dân cần chủ động xây dựng, phát triển làng hoa, trang trại hoa… nhắm tới đích tạo ra du lịch hoa. Các địa phương cần có quy hoạch, không để phát triển tự phát. Các chủ vườn, chủ trang trại cần chủ động liên kết với DN lữ hành để được đưa vào chương trình tham quan của các tour du lịch. Song song với đó, cần chủ động tham gia hoạt động quảng bá, trong đó có các lễ hội hoa, triển lãm hoa, hội chợ hoa…
Ngoài việc quy hoạch tổng thể các làng nghề hoa, Hà Nội cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế về đất đai để các trang trại, hợp tác xã xây dựng cơ sở dịch vụ lưu trú đón khách tham quan nghỉ dưỡng.
Hà Nội đã có Đề án phát triển hoa cây cảnh giai đoạn 2012 - 2016, thúc đẩy liên kết thành các hợp tác xã chuyên ngành để phát triển hoạt động sản xuất gắn với du lịch trải nghiệm. Toàn TP hiện có 11 mô hình trang trại du lịch giáo dục trải nghiệm và 4 hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực tiềm năng này.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dua-du-lich-hoa-thanh-dac-san-cua-ha-noi-406200.html