Đưa du lịch Tuyên Quang vươn xa





Những lễ hội đặc sắc tại Thành Tuyên.
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Tuyên Quang đang có một không gian du lịch rộng lớn, liên hoàn, đa dạng, từ "cao nguyên đá giữa trời" đến "vịnh Hạ Long giữa đại ngàn", mang lại nhiều trải nghiệm phong phú cho du khách. Tỉnh Hà Giang (cũ) nổi bật với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, những cung đường đèo hùng vĩ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bản làng dân tộc cổ kính và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Hà Giang cũng được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023" và tiếp tục được đề cử "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á". Còn với tỉnh Tuyên Quang (cũ), đây là miền đất mang sắc thái du lịch yên bình, sâu lắng, đậm chất văn hóa - lịch sử và tâm linh với các điểm nhấn như Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, Lễ hội đền Hạ - đền Thượng - đền Ỷ La với tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng.

Sáp nhập mở ra không gian du lịch rộng lớn cho tỉnh Tuyên Quang mới.
Việc Tuyên Quang và Hà Giang sáp nhập đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho sự phát triển du lịch. Nhiều trang báo, blog về du lịch trong nước đánh giá Tuyên Quang có tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng mới của du lịch vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, việc sáp nhập cũng đặt ra một số thách thức như cần có sự đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, quản lý và phát triển du lịch giữa hai khu vực vốn có những đặc thù riêng. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hạ tầng, kết nối, chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực vẫn cần được chú trọng để khai thác tối đa lợi thế từ sự sáp nhập này.


Du khách có nhiều lựa chọn khi đến với Tuyên Quang.
Đồng chí Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, trước khi sáp nhập như hiện nay, Tuyên Quang và Hà Giang đã có rất nhiều nét tương đồng, đều là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng. Những điểm tương đồng này là cơ sở quan trọng để tỉnh Tuyên Quang xây dựng một chiến lược phát triển du lịch đồng bộ, khai thác tối đa lợi thế tổng hợp, tạo nên một "miền đất di sản" đa dạng và hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ngành xác định phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc; bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội và gìn giữ môi trường sinh thái. Lấy du lịch xanh, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm làm định hướng chủ đạo; phát triển du lịch trên nền tảng số hóa, liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của từng vùng trong tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, tạo các sản phẩm sáng tạo mang bản sắc văn hóa địa phương.

Tỉnh Tuyên Quang hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Việc phát triển du lịch cộng đồng là một minh chứng cho định hướng này. Với hàng loạt các homestay ra đời, du lịch cộng đồng, khám phá bản sắc đã trở thành một thỏi nam châm hút và níu chân du khách.

Đa dạng các trải nghiệm tại Mun Homestay.
Mun homestay của chị Lý Thị Pày, dân tộc Dao, xã Quản Bạ được thành lập vào năm 2019. Sau gần 6 năm, homestay của chị Pày đã trở thành 1 địa chỉ quen thuộc của khách du lịch trên chặng đường khám phá mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc.


Lake View Homestay cùng những góc nhìn "triệu view".
Nép mình dưới chân cột cờ Lũng Cú, Lake View Homestay Lô Lô Chải mang đến cho du khách những trải nghiệm không thể nào quên, mùa xuân với hoa đào, hoa mơ bung nở, mùa hè ngắm mây lang thang sau cơn mưa trong vắt giữa bầu trời biên giới, mùa thu với niềm vui thu hoạch hoa màu để đông sang quây quần bên bếp lửa ấm áp. Trải nghiệm 4 mùa cùng văn hóa bản địa độc đáo đã tạo nên sức hút của các homestay trên bản Lô Lô Chải. Anh Vũ Xuân Hưng, chủ homestay cho biết, sau sáp nhập thì chắc chắn du lịch Tuyên Quang sẽ có một không gian rộng hơn để phát triển và tăng tốc, bản thân anh nhận thấy đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cũng như các cá nhân có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với các hometay anh đang phát triển tại Lô Lô Chải thì việc tối ưu các trải nghiệm văn hóa bản địa là con đường mà anh hướng tới bởi đây là con đường bền vững để níu chân du khách. Anh cũng mong lãnh đạo địa phương sau sáp nhập sẽ đưa ra các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ, đào tạo người dân làm du lịch, có quy hoạch rõ ràng để giữ được vẻ đẹp truyền thống của bản làng dân tộc thiểu số.

Homestay của ông cũng được đón nhiều đoàn khách trong nước và ông rất vui khi được giới thiệu họ đi đến các điểm đến nổi tiếng như suối khoáng Mỹ Lâm, hồ Na Hang, cao nguyên đá Đồng Văn, sông Nho Quế…

Trải nghiệm văn hóa Tày tại homestay Thuôn Chang.
Theo bà Hoài, mong muốn của các homestay cũng là định hướng mà ngành du lịch đề ra trong thời gian tới. Ngành xác định đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái – cộng đồng tại các khu vực trọng điểm: Na Hang – Lâm Bình, khu bảo tồn Ba Bể – Na Hang, ATK Tân Trào, Hồng Thái, Thượng Lâm, suối khoáng Mỹ Lâm, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, các làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu. Tập trung xây dựng và phát triển nhóm sản phẩm chủ lực gồm du lịch cộng đồng – nông nghiệp; du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh; du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch địa chất – mạo hiểm; du lịch sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cùng nhau xây dựng các tour, tuyến du lịch liên tỉnh, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có chiều sâu văn hóa và đa dạng trải nghiệm. Việc này giúp tránh sự trùng lặp sản phẩm và tăng tính cạnh tranh.


Tiềm năng du lịch Tuyên Quang là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.
Sự kết nối giữa Tuyên Quang và Hà Giang trong phát triển du lịch trước đây không chỉ là về mặt địa lý mà còn là sự hòa quyện về tài nguyên, văn hóa, và chiến lược phát triển, nhằm tạo ra một điểm đến du lịch mạnh mẽ, có sức hút lớn trong khu vực và trên bản đồ du lịch Việt Nam. Việc sáp nhập giúp định vị một thương hiệu du lịch chung cho tỉnh Tuyên Quang mới, tạo sự cộng hưởng trong truyền thông, quảng bá, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.