Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Thời gian qua, các điểm bán hàng Việt, Phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, Phiên chợ Công nhân, chuyến xe lưu động bán hàng bình ổn tại các khu, cụm công nghiệp,… được triển khai khá hiệu quả trên địa bàn tỉnh Long An. Qua đó, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng.

Các phiên chợ công nhân, chuyến xe lưu động góp phần đưa hàng Việt đến gần công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh

Các phiên chợ công nhân, chuyến xe lưu động góp phần đưa hàng Việt đến gần công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Thạnh Hóa tổ chức lễ ra mắt điểm bán hàng Việt tại ấp 1, xã Tân Tây. Các mặt hàng tại điểm bán hàng Việt không chỉ có giá cả phải chăng, hợp túi tiền của người lao động nông thôn, mà đây còn là điểm để giới thiệu, trưng bày và bán các sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện: Sản phẩm Mật ong hoa tràm, hoa nhãn của Cơ sở mật ong Quang Vinh; Rượu chanh Khắp Phượng; Mắm cá lóc bà Năm Nô; Kẹo khóm Kim Thoa;...

Bà Trần Thị Xuân (ấp 3, xã Tân Tây) chia sẻ: “Nghe thông tin có điểm bán hàng Việt tại xã nên tôi cũng tranh thủ đến để tham quan, mua sắm. Hàng hóa ở đây khá đa dạng, thiết thực. Giá nhiều sản phẩm được bán thấp hơn bên ngoài, rất phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn”.

Theo Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Minh Trang, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP, kết nối với các đối tác tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đưa các sản phẩm OCOP của huyện tham gia vào các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Thông tin từ Sở Công Thương, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở phối hợp tổ chức các Phiên chợ Công nhân, chuyến xe lưu động bán hàng bình ổn tại Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức) và Khu công nghiệp Hải Sơn (huyện Đức Hòa), các phiên bán hàng được tổ chức lưu động từ 16 - 20 giờ hàng ngày, phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân và người dân.

Chuyến xe lưu động đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia với nhiều hàng hóa, sản phẩm được sản xuất trong nước, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của công nhân, lao động như thời trang may mặc, nhựa gia dụng, thực phẩm,... Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý, mẫu mã đa dạng.

Có thể nói, việc tổ chức các phiên chợ, chuyến xe lưu động đã mang lại lợi ích kép cho cả DN và người tiêu dùng. Đây không chỉ là cơ hội cho người dân tiếp cận hàng Việt với giá cả phải chăng mà còn là cơ hội để các DN quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng.

Đồng thời, thông qua các phiên chợ, chuyến xe lưu động, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có đánh giá đầy đủ về thị trường địa phương, DN sẽ trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đây cũng là cơ hội tốt giúp DN có thể gặp gỡ các nhà phân phối, đại lý tiềm năng để có kế hoạch hợp tác, đầu tư phát triển sau này.

Qua đó, từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, hàng trong nước của người dân; đồng thời, củng cố thêm niềm tin của DN vào thị trường nông thôn, tạo động lực để DN chủ động đưa hàng hóa về vùng sâu, vùng xa.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, việc tổ chức các phiên chợ, chuyến xe lưu động không chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng, mà quan trọng hơn là từng bước chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, người dân khu vực nông thôn, công nhân, lao động còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các DN trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

“Từ khi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến nay đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng rất lớn của toàn xã hội. Các DN nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình và xác định cuộc vận động là cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên, chiếm lĩnh thị trường nội địa. Cuộc vận động đã hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nội địa, xóa bỏ dần tâm lý “sính” hàng ngoại” - bà Châu Thị Lệ cho biết./.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dua-hang-viet-den-voi-nguoi-tieu-dung-a159936.html