Đưa hàng Việt về gần hơn với người dân
Chương trình phiên chợ hàng Việt Nam về các xã nông thôn, miền núi đã được thành phố Đà Nẵng triển khai trong nhiều năm nay. Hoạt động này đã góp phần giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong mua sắm, đặc biệt là sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao cơ hội quảng bá, đến gần với người tiêu dùng hơn.
Phiên chợ đưa hàng Việt về với người dân vừa được tổ chức tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) đã thu hút đông đảo người dân địa phương và quanh vùng ghé thăm, mua sắm. Các sản phẩm mang đến hội chợ là mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm như: lương thực, thực phẩm, quần áo, hàng gia vị, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... Đây là những sản phẩm của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã dịch vụ, kinh doanh thương mại tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố.
Chị Lê Thị Hay, chủ hộ nước mắm Bà Hay, hội viên Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) mang đến phiên chợ sản phẩm nước mắm nhỉ cá cơm than. Đồng thời, chị cũng mang theo mặt hàng cá khô các loại đã được đóng gói kỹ theo từng túi và để người dân dùng thử tại chỗ. Chị Hay chia sẻ: “Mỗi năm, tôi vẫn mang sản phẩm của mình đến với các phiên chợ thế này. Đối với sản phẩm nước mắm nhỉ nguyên chất, thường mỗi vùng miền nào người dân sẽ quen với vị ở đó, bởi vậy sản phẩm của tôi tiêu thụ khá tốt ở thành phố. Mỗi phiên chợ là một cơ hội để tôi bán được nhiều sản phẩm hơn cũng như có thêm nhiều khách hàng”.
Mặc dù hiện nay, việc mua sắm được các mặt hàng không khó, nhưng khi nghe đến chợ hàng Việt mở tại địa phương, cô Thái Thị Thành vẫn ghé đến để chọn lựa. Ngoài mua ít đặc sản Huế được bày bán, cô cũng ghé quầy hương trầm để mua về sử dụng trong nhà. Cô Thành cho biết: “Hàng Việt thì tôi luôn ưu tiên sử dụng trong gia đình. Chính những người làm ra mang đến bán, có tên tuổi, có chứng nhận đàng hoàng nên mình cũng yên tâm sử dụng hơn”.
Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã được thành phố Đà Nẵng tổ chức từ nhiều năm nay, trong đó địa điểm xa nhất là xã miền núi Hòa Bắc. Mỗi phiên có từ 20 đến gần 60 gian hàng. Hàng hóa đều do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất gồm thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang, hàng gia dụng... với các chương trình khuyến mại ưu đãi như quà tặng, bốc thăm trúng thưởng, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm…
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Lê Xuân Vương cho biết: “Xã đã hai lần đón phiên chợ hàng Việt về đây, không chỉ để người dân mua sắm, mà còn là cơ hội để hiểu hơn về sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được gặp người sản xuất và tìm hiểu quy trình để tin tưởng hơn vào hàng Việt”.
Trong những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng các hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh cho thấy hàng Việt Nam sản xuất có chất lượng bảo đảm, ngang bằng, thậm chí một số mặt hàng còn chất lượng cao hơn hàng sản xuất ở nước ngoài.
Xã Hòa Bắc có khoảng 6.000 nhân khẩu, trong đó gần 200 hộ nghèo với gần 600 nhân khẩu, điều kiện đi lại của người dân không thuận lợi do xã ở miền núi vùng xa. Do xa trung tâm nên người dân ít khi vào thành phố để mua sắm. Việc đưa hàng Việt về tận xã giúp người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng các mặt hàng chất lượng, giá cả bảo đảm. Các phiên chợ về đây cũng thường vào dịp gần cuối năm hoặc giáp Tết Nguyên đán, lúc đó nhu cầu của người dân tăng cao.
Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn Sở Công thương Đà Nẵng duy trì thường xuyên các phiên chợ đưa hàng về xã để người dân được mua sắm hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp, nhất là phiên chợ Tết, với số lượng hàng hóa đa dạng, dồi dào, mọi người sẽ có nhiều chọn lựa và thuận tiện hơn”.
Nhiều năm qua, ngành công thương thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá hàng Việt Nam. Trong đó, các phiên chợ đưa hàng Việt về phục vụ người dân ở các vùng nông thôn, miền núi là hoạt động được tổ chức thường niên. Từ 5 năm trở lại đây, chương trình được thực hiện đều đặn, mỗi năm có từ 4 đến 5 phiên. Tại mỗi nơi, ban tổ chức luôn chọn lựa sản phẩm, mặt hàng phù hợp nhu cầu người dân ở đó, tập trung nhiều vào hàng tiêu dùng và sản phẩm OCOP.
Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố Đà Nẵng cho biết: Điều đầu tiên chúng tôi nghĩ đến khi tổ chức phiên chợ là các doanh nghiệp phải có sản phẩm đạt được chất lượng, uy tín và tham gia một cách nghiêm túc. Thời gian tới, riêng phiên chợ hàng Việt sẽ kết hợp thêm hoạt động xúc tiến thương mại ở các nơi khác; sau một thời gian sẽ “phủ” hết thành phố. Qua đó, để doanh nghiệp tiếp cận thêm thị trường khác rộng hơn cũng như giúp người dân ở các tỉnh, thành phố trong khu vực có cơ hội tiếp cận, tiêu dùng hàng Việt Nam của Đà Nẵng mình.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-hang-viet-ve-gan-hon-voi-nguoi-dan-post777145.html