Dưa hấu tăng giá, nông dân đầu tư trồng mới

Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) trồng dưa hấu vụ mới. Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện nay, dưa hấu được các thương lái mua tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với trước đây. Với mức giá này, người trồng dưa có lãi nên nông dân các huyện miền núi đầu tư trồng vụ mới. Đây cũng là vụ dưa chính trong năm sẽ thu hoạch rộ vào cuối tháng 6.

Người trồng có lãi

Bà Trần Thị Hiền trồng dưa hấu ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) cho biết: Trong vòng 1 tháng trở lại đây, thương lái mua dưa hấu tại ruộng với giá 5.000-6.000 đồng/kg (tùy lớn nhỏ), nếu trồng dưa đạt năng suất 2 tấn/giạ giống (1.000m2), tương đương 10 tấn/ha thì sau khi trừ chi phí, người trồng dưa lãi 30 triệu đồng/ha.

Còn ông Phan Văn Long trồng dưa ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho hay: Giá từ 5.000-6.000 đồng/kg dưa thì gọi là được giá chứ không cao, vì mấy năm trước có thời điểm giá dưa 10.000-12.000 đồng/kg. Giá dưa tăng như hiện nay người trồng có lãi, tuy nhiên còn tùy thuộc vào năng suất.

Vụ trước vừa thu hoạch xong, ảnh hưởng dịch COVID-19, dưa hấu không xuất khẩu được nên thương lái không mua, người trồng dưa bán nhỏ lẻ không tiêu thụ kịp nên thiệt hại nặng. “Cách đây 2 tháng, giá dưa bán tại ruộng là 2.000 đồng/kg. Tôi trồng 0,5ha, lỗ trên 5 triệu đồng. Đó là ruộng dưa trồng gần đường, tiện vận chuyển, người trồng chỉ tốn chi phí công cắt trái. Còn trồng ở ruộng xa, xe không vào được thì chi phí đẩy lên cao vì phải thuê công gánh, người trồng lỗ nặng”, ông Trần Văn Tiến trồng dưa ở xã Xuân Lãnh nói.

Theo nhiều người trồng dưa ở huyện Đồng Xuân, gần đây dưa hấu tăng giá, người trồng bán được từ trái nhỏ đến trái lớn; có bao nhiêu thương lái mua hết bấy nhiêu. Còn trước đây, khi dưa chuẩn bị thu hoạch, có thương lái đến hỏi mua chở qua Trung Quốc bán, họ phân ra 2 loại: loại 1, dưa “đúng tuổi” đạt 4kg/trái trở lên giá 3.000 đồng/kg; loại 2, dưa 3kg/trái, giá mua 2.500 đồng/kg, số dưa nhỏ còn lại bị thương lái chê, chất đống...

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, vụ vừa qua nông dân trong huyện trồng 20ha, đã thu hoạch xong. Hiện tại, nông dân xuống giống vụ mới, với diện tích gần 70ha.

Đầu tư vụ chính

Sơn Hòa có diện tích trồng dưa lớn nhất tỉnh, lên đến 350ha, tập trung tại các xã Sơn Hội, Ea Chà Rang, Sơn Phước, Sơn Hà. Ông Phan Hồng Tấn trồng dưa ở xã Sơn Phước phân trần: Vụ dưa trồng 3 tháng nhưng từ khi làm đất gieo hạt đến nảy mầm hết 1 tháng, vậy nên trồng thời điểm hiện nay thì thu hoạch cuối tháng 6.

“Vừa rồi ở vùng này có mưa nên nông dân đầu tư trồng mới thuận lợi trong khâu làm đất. Thường chỉ tính riêng khâu đầu tư bơm tưới, mua đường ống chi phí 50-70 triệu đồng (tùy theo xa gần). Vừa rồi trời mưa ướt đất, người trồng dưa đỡ tốn chi phí ban đầu”, ông Tấn nói.

Vụ trước giá thấp, nhiều người trồng dưa trên địa bàn huyện Sơn Hòa lâm cảnh nợ nần, gần đây dưa hấu tăng giá, nông dân đầu tư trồng mới chờ gỡ vốn. Bà Bùi Thị Hiền ở xã Sơn Hà cho hay: Vụ vừa rồi tôi trồng 1ha dưa, bán đổ bán tháo đủ tiền công cắt trái, còn lại lỗ gần 7 triệu đồng tiền thuê đất, phân bón, thuốc. Vụ mới này tôi trồng mới 3ha, đầu tư chăm sóc để dưa đạt năng suất cao.

Cũng theo bà Hiền, bà trồng dưa hấu gần 10 năm nay, đúc kết kinh nghiệm nghề trồng dưa phụ thuộc vào thị trường. Mấy năm trước có người thấy giá dưa tăng cao đầu tư trồng 20-30ha, cuối vụ lãi trăm triệu đồng. Năm sau đầu tư trồng tiếp số lượng tăng gấp đôi thì giá dưa hạ, lỗ nặng, lại nợ ngân hàng.

Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, thu nhập từ nghề trồng dưa phụ thuộc vào giá cả thị trường. Ngoài ra, việc trồng dưa còn phụ thuộc vào nguồn nước tưới. Có chỗ, đầu vụ khoan có nước, đến giữa vụ đứt mạch, không đủ nước tưới nên năng suất dưa giảm. Địa phương khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng dưa theo phong trào, tránh tình trạng được mùa, mất giá…

Tại các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Trol (huyện Sông Hinh), nông dân bước vào vụ trồng mới. Bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Đức Bình Đông cho rằng: “Vụ đang trồng này là vụ chính trong năm, thường năng suất trung bình 10 tấn/ha nên nhiều người đầu tư trồng. Riêng về giá, bây giờ thấy giá dưa vậy chưa vội mừng, vì có năm cuối vụ, giá dưa rớt thảm; tôi đã mắc phải tình trạng này”.

Bà Tuyết kể, cách đây 3 năm, bà trồng 1ha dưa. Ban ngày nắng nóng hái dưa bị xốp ruột, thương lái chê nên bà thức đêm hái dưa rồi thuê công gánh ra cạnh đường chất đống. Sáng gọi thương lái đến, họ dùng tay trỏ búng mạnh, trái nào kêu boong boong thì lấy, còn trái nào kêu bộp bộp thì họ cho là dưa xốp ruột chở đi xa bị hư nên bỏ qua một bên. “Đống dưa nhà tôi hái ước chừng trên 7 tấn nhưng thương lái dạt bỏ lại 2 tấn, còn 5 tấn cân đo đong đếm rồi chốt mua với giá 2.500 đồng/kg. Trong khi cách đó nửa tháng, giá dưa hấu là 6.000 đồng/kg. Năm đó do đến mùa thu hoạch rộ, dưa hấu lại trồng nhiều nên thương lái ép. Kinh nghiệm năm nay, tôi trồng rải vụ để dưa không chín cùng lúc, tránh bị thương lái ép giá”, bà Tuyết bộc bạch.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, diện tích trồng dưa hấu trên toàn tỉnh vụ vừa qua khoảng 670ha, sắp đến là vụ chính nên diện tích dưa tăng lên 1.000ha; trong đó tập trung nhiều ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, các huyện khác nông dân trồng rải rác.

Vụ tới, thời tiết thuận lợi nên năng suất dưa hấu dự kiến đạt khá, sản lượng thu hoạch tương đối lớn. Dưa hấu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc nên người trồng cẩn trọng, không nên trồng tập trung mà trồng rải vụ để tránh thu hoạch cùng lúc.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/239482/dua-hau-tang-gia-nong-dan-dau-tu-trong-moi.html