Đưa hoa lên bánh
Những bông hoa tươi lớn lên từ đất lành, ướp trong mình bao mưa nắng, gió sương của đất trời Đà Lạt nay được cô gái nhỏ Phạm Ái Thanh Vy đưa vào từng chiếc bánh ngọt. Giữ nguyên vẹn màu sắc tự nhiên và đảm bảo tính 'sạch' khi được trồng hữu cơ, sắc hoa rực rỡ đã khiến các món bánh thông thường như trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Tôi biết đến Thanh Vy qua một bài đăng trên nhóm Yêu Bếp - một group trên Facebook có sức hút lớn đặc biệt trong năm qua, với hơn 1,4 triệu thành viên tính tới thời điểm hiện tại. Ở đó, Vy chia sẻ tình yêu và kinh nghiệm của mình với những loài hoa ăn được, hay còn gọi là Edible flowers. Đi cùng hơn 11.000 lượt like là vô vàn những lời xuýt xoa, nể phục vì vẻ đẹp của những chiếc bánh hoa. Và nếu chỉ theo dõi Thanh Vy trên mạng xã hội chứ không chuyện trò trực tiếp, tôi đã nhầm tưởng rằng, cô gái sinh năm 1994 này là một người con của Đà Lạt - qua hình ảnh cô thong thả hái hồng, nhặt thông hay ngắm sương đêm, và cả sự nhẹ nhàng, trầm lặng.
Chuyện về những chiếc bánh hoa
“Mình yêu những loài Edible flowers từ cái nhìn đầu tiên. Khi lần đầu thấy các “em” qua tấm ảnh của một blogger người Anh vài năm trước, mình đã “phải lòng” ngay lập tức. Thế rồi bằng mọi giá phải đem về để thử bánh, dù ở Việt Nam lúc đó, để có được một hộp hoa không phải là điều dễ dàng. Thử hết loại bánh này đến món ăn nọ thì tham vọng ngày càng lớn, mình muốn được tận tay trồng, hái và làm bánh ngay lúc vừa hái hoa xuống” - Thanh Vy mở đầu câu chuyện. Trước đó, Vy đã có một tiệm bánh và trà hoa của riêng mình. Cô luôn mong muốn mỗi chiếc bánh mình làm ra phải vừa ngon, vừa đẹp, và hoa tươi sẽ giúp cô đạt được điều đó.
Thế rồi vào một ngày mưa cách đây 2 năm, có một cô gái nhỏ lặn lội từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, tìm đến khu vườn mà cô nghe tin có trồng các loại Edible flowers với niềm háo hức và cả hồi hộp. Lo lắng - bởi muốn đem sử dụng làm thực phẩm, hoa phải được canh tác hữu cơ hoặc ít nhất là thuận tự nhiên để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sau khi được tận mắt ngắm nhìn, tận tay chạm vào những bông hoa đẹp xinh và mang mẫu hoa đến Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt để thử nghiệm, Vy hoàn toàn yên tâm về các bông hoa được trồng nơi đất lành đó.
Từ thời điểm ấy đến nay, mỗi tuần từ một đến hai lần, những hộp hoa nhỏ, xinh xắn từ Đà Lạt đều đặn được gửi về TP Hồ Chí Minh cho cô thợ làm bánh Phạm Ái Thanh Vy. Đó là những bông hoa được đảm bảo sạch từ giống ban đầu, tưới theo phương pháp nhỏ giọt và lên luống cao để cánh hoa không bị dính đất. Từng bông hoa được nâng niu và hái nhẹ nhàng khi đang rực rỡ nhất. Có khi, Vy lên Đà Lạt và trở thành một nông dân chính hiệu, tự tay ươm từng hạt giống, vô đất từng chậu cây con, cho đến ngày ngày đội nắng hái hoa và nướng bánh ngay tại vườn. Với Vy, Đà Lạt là một mảnh đất diệu kỳ, bởi hoa mọc và nở bất cứ nơi đâu, từ mảnh đất ven đường, đến vách tường của một căn nhà cũ kỹ.
Không còn chỉ là phụ kiện trang trí trên đĩa thức ăn trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp, những bông hoa Đà Lạt nay kiêu hãnh khoe sắc và trở thành một trong những nguyên liệu chính làm nên những chiếc bánh dứa, cookies, bánh thạch hoa đẹp mắt. Edible flowers gồm rất nhiều loại hoa đã được quốc tế công nhận. Đó là những loại có dược tính lành, không có độc hoặc chất độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ở Việt Nam, hoa ăn được có nhiều loại, như hoa bí, mướp, điên điển, hoa gừng, đậu biếc,... Trong bánh của mình, Vy dùng phần lớn những bông hoa rực rỡ sắc màu và nhỏ xinh của viola, hoa ngò, cúc họa mi,...
Điều khiến Vy đau đầu nhất là làm sao giữ được nguyên vẹn màu sắc tự nhiên của hoa khi nướng lên. Sau nhiều lần thử nghiệm và với kinh nghiệm của một người làm bánh, khó khăn này được giải quyết. Với mỗi loại hoa, mỗi loại bánh khác nhau, Vy tìm được thời gian và nhiệt độ nướng phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, khi món bánh hoa đã trở nên quen thuộc và là món ăn yêu thích của nhiều người, điều vẫn khiến Vy trăn trở là nguồn hoa làm nguyên liệu. Bởi với thời tiết ở Đà Lạt, chỉ cần trời mưa bão vài ngày hoặc không có nắng là hoa sẽ không nở. Cũng không thể hái hoa lúc trời mưa, vì hoa ướt không thể bảo quản và vận chuyển dài ngày.
Để giải quyết khó khăn này, ngoài việc hợp tác với nông trại trồng rau quả, hoa sạch ở Đà Lạt, Vy tạo dựng cho mình một nông trại ở Bến Tre. Ở đó, cô mang giống hoa và cả đất từ Đà Lạt về thuần từ lúc còn là cây giống nhỏ. Vy không ngại khó, cô tự tay làm tất cả, như một nông dân thực thụ để có thể trồng nên những bông hoa cho mình.
Chọn con đường không chỉ có ngọt ngào
“Mỗi khi có ai hỏi hoa trên bánh có ăn được không, mình rất giận. Vì theo nguyên tắc, nếu không ăn được thì đầu bếp sẽ chẳng đưa lên bánh. Nhưng với tình hình thực phẩm hiện tại, chúng ta chẳng trách được sự e ngại của khách hàng” - Vy tâm sự. Tuy nhiên, sau 2 năm kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, Vy đã tạo dựng được cho mọi người lòng tin về những bông hoa cô dùng và thói quen sử dụng thực phẩm hữu cơ.
Những tưởng, với hoa và bánh, Vy đang đi trên một con đường thơm lành và ngọt ngào. Nhưng cô gái 26 tuổi nói rằng, con đường cô đang lựa chọn còn có nhiều gian nan và thử thách - khi cô đồng thời theo đuổi giấc mơ về nông nghiệp sạch, hoặc ít nhất là rau và hoa sạch để phục vụ cho công việc của chính mình. Nói vậy bởi hiện tại, nông trại ở Bến Tre của cô vẫn chưa thể thu hồi vốn sau 2 năm hoạt động.
“Việc trồng rau và hoa hữu cơ đòi hỏi người trồng phải có sự kiên trì, nhẫn nại và đam mê rất lớn. Đất, nước, không khí, giống,... mọi thứ phải được đảm bảo sạch. Chi phí bỏ ra nhiều trong khi năng suất không cao, thế nên, người làm nông nghiệp hữu cơ gặp phải rất nhiều thách thức” - Vy chia sẻ. Dù vậy, cô vẫn tin vào lựa chọn của mình, vào lối canh tác thuận tự nhiên để tạo ra những sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Mọi người gọi Thanh Vy là cô giáo, bởi ngoài bếp bánh của mình, Vy còn mở các lớp dạy làm bánh do chính mình đứng lớp ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt. Vy nói rằng, dạy làm bánh cũng là một cách để nuôi dưỡng tình yêu nơi bếp núc, nuôi dưỡng cả tâm hồn ngọt ngào, như cách cô nâng niu từng sản phẩm mình làm ra và trao đến người dùng. Vy luôn tự nhủ, làm bất cứ thứ gì cũng phải hiểu thật cặn kẽ về nó và làm mọi thứ bằng cái tâm. Thế nên trong quá trình dạy, Vy luôn luôn lưu ý học viên sử dụng hoa trồng hữu cơ và sạch hoàn toàn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.
Với Đà Lạt, sau thời gian “bén duyên” và “trải lòng” cùng những đóa hoa, Vy được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương để cảm nhận nơi đây theo một cách rất khác. Thế nên, mỗi lần lên Đà Lạt lại mang lại cho cô cảm xúc đặc biệt và thân thuộc. Cô gái trẻ vẫn nuôi giấc mơ về một căn nhà với hoa và bánh, trà ở thành phố sương. Hiện tại, cô vẫn đang nỗ lực từng ngày ở TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị nền tảng nhằm hiện thực hóa giấc mơ ấy.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/bantre/202102/dua-hoa-len-banh-3043698/