Đưa kiến thức về an toàn giao thông đến lớp học gắn với tăng cường xử phạt để răn đe
Cùng với việc tổ chức tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, nhất là đối với người tham gia giao thông là học sinh, thanh niên, thiếu niên, Công an các địa phương trên địa bàn Hà Nội tích cực thực hiện công tác phối hợp với các nhà trường trong việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng về Luật Giao thông đường bộ
Tăng cường công tác tuyên truyền
Mới đây, Đội Cảnh sát Giao thông trật tự, Công an huyện Quốc Oai, đã phối hợp với Công an xã Yên Sơn và Trường THCS xã Yên Sơn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho gần 600 cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường.
Đại úy Phan Anh Dũng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự - Công an huyện Quốc Oai, cho biết, đơn vị đã tuyên truyền phổ biến những nội dung, kiến thức cơ bản của Luật Giao thông đường bộ như: Hướng dẫn đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng đúng quy cách; phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông (số lượng người được phép ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; độ tuổi bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia các loại phương tiện giao thông; mức xử phạt một số lỗi khi tham gia giao thông; các trường hợp được ưu tiên khi tham gia giao thông...); các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông; các quy định xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định; cách nhận biết một số biển báo giao thông...
Cùng với đó, các tình huống, câu hỏi thực tế gặp phải khi tham gia giao thông hàng ngày được các em học sinh, cán bộ giáo viên nêu để cán bộ tuyên truyền giải thích, hướng dẫn. Qua đó, đã cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích cho học sinh và các giáo viên. Kết thúc chương trình, đại diện các em học sinh trường THCS Yên Sơn đã ký cam kết tuân thủ các quy định của Luật giao thông đường bộ trong thời gian tới.
Theo đại diện Công an huyện Quốc Oai, buổi tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh, góp phần xây dựng văn hóa giao thông học đường. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, cần được duy trì thường xuyên hàng năm tại các trường học.
Công an thành phố Hà Nội cho biết, công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 152 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ mất an toàn giao thông, trong đó khu vực nội thành 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí.
Công an Thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông trong tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường, tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở giáo dục 138 buổi với 133.446 học sinh, 9,701 giáo viên tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông cho 79.030 lượt học sinh, sinh viên; tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên chưa đưa điều kiện điều khiển xe máy cho 27.354 lượt phụ huynh; tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học; trao 682 mũ bảo hiểm, 50 áo phao cho học sinh trên địa bàn Thành phố.
Xử lý nghiêm tạo răn đe
Mặc dù các cơ quan chức năng và trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh và phổ biến đến phụ huynh các quy định về an toàn giao thông nhưng thực tế cho thấy từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách rất lớn, hiệu quả đạt thấp.
Chị Lê Huyền Anh (ở Ba La, quận Hà Đông) cho biết, trên đường đi làm hàng ngày, qua nút giao Ba La không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu còn mặc áo học sinh ngồi trên xe máy điện cho đến các dòng xe trên 50cc như Wave, Air Blade hay Liberty, SH125... không đội mũ bảo hiểm đi trên đường. Tình trạng điều khiển xe gắn máy trên 50cc không đội mũ bảo hiểm, thậm chí chở ba, chở bốn phóng nhanh trên đường khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các em học sinh ở độ tuổi từ 10 - 17 tuổi hiện nay, được gia đình cho tự đi học bằng xe đạp, xe máy điện, hoặc xe máy... Các em cũng là những nhân tố tham gia giao thông, có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng giao thông. Hiện tượng thanh thiếu niên, trẻ nhỏ phóng xe bạt mạng, đánh võng, bốc đầu, đi ngược chiều, kẹp 3, kẹp 4, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ… diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, vừa gây cản trở giao thông vừa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, các Đội nghiệp vụ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã thường xuyên tổ chức ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với những học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe phân khối lớn tham gia giao thông.
Về công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên 9 tháng năm 2023, Công an thành phố Hà Nội đã xử lý 1.814 trường hợp vi phạm. Trong đó, phạt tiền ước tính 1.011 tỷ đồng đồng, tước 42 Giấy phép lái xe, tạm giữ 770 mô tô, xe máy (bao gồm xe máy điện), 9 xe đạp máy.
Các hành vi vi phạm chủ yếu của học sinh, sinh viên như: vi phạm nồng độ cồn (1 trường hợp); vi phạm tốc độ (4 trường hợp); đi không đúng phần đường, làn đường (1 trường hợp); không có Giấy phép lái xe (120 trường hợp); vượt đèn đỏ ( 8 trường hợp); vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm (1.710 trường hợp).
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 4, cho biết, quá trình làm nhiệm vụ lực lượng Công an đã lập biên bản và xử phạt nhiều trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm chủ yếu các lỗi như chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng... Đáng nói, một số học sinh sử dụng lại các xe gắn máy cũ tự độ chế lại, thay đổi màu sơn, kết cấu để tham gia giao thông đến trường, chạy với tốc độ cao, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Theo Đại úy Phạm Đức Ngọc - Đội phó Đội Cảnh sát giao thông trật tự - Công an quận Hai Bà Trưng, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại cổng các trường học, không để học sinh, sinh viên, phụ huynh dừng, đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, răn đe, Công an quận Hai Bà Trưng sẽ lập danh sách học sinh, sinh viên vi phạm gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục trên địa bàn để có biện pháp quản lý, nhắc nhở, xử lý; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn.