Đưa kinh tế cửa khẩu trở thành trụ cột, động lực phát triển của Quảng Ninh

Những năm qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế trên địa bàn, trong đó, chú trọng việc đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư công đối với nhiều dự án, công trình ở các khu kinh tế cửa khẩu.

Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ công bố lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà, Quảng Ninh, Việt Nam). (Nguồn: BQN)

Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ công bố lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà, Quảng Ninh, Việt Nam). (Nguồn: BQN)

Hiện tại, tỉnh có 3 khu kinh tế cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.75ha bao gồm: khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gắn với cửa khẩu Móng Cái với diện tích 121.197 ha; khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn với tổng diện tích 14.236 ha; khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh với tổng diện tích là 9.302 ha.

Mở không gian, dư địa phát triển mới

Trước năm 2010, kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển.

Nhưng với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tỉnh đã huy động nguồn lực lớn, tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng.

Ngày 1/9/2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được đưa vào khai thác, kết nối với cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn tạo thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây.

Tuyến cao tốc trên đã đóng góp quan trọng vào phát triển liên vùng và giao thương giữa các nước ASEAN, được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến khu kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) vừa được khánh thành ngày 1/9/2023. Sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 cửa khẩu từ gần 1, 5 giờ xuống còn hơn 25 phút. Dự án giúp tăng năng lực cho kinh tế cửa khẩu Quảng Ninh.

Không chỉ thế, tỉnh còn thực hiện đầu tư đồng bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh, như: Khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh; đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II gắn với khu thương mại, dịch vụ tại phường Hải Hòa (TP. Móng Cái) giai đoạn 1...

Những công trình đó đã và đang mở ra không gian và dư địa phát triển mới mang tính đột phá, tạo nên hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Quảng Ninh tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. (Nguồn: BQN)

Quảng Ninh tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng. (Nguồn: BQN)

Thêm động lực

Sự kiện công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc) hồi tháng 6 đã tiếp tục mở ra cơ hội mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn.

6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Liêu đạt 67,6 triệu USD, bằng 66,28% kế hoạch năm, tăng 46,07% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu đạt 41,34 triệu USD, bằng 76,57% kế hoạch, giảm 0,39% so cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu đạt 26,26 triệu USD, bằng 54,71% kế hoạch, tăng 449,86% so cùng kỳ.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông, lâm sản khô; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là hàng nội thất, phụ tùng ô tô, hàng tiêu dùng... Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi kinh tế cửa khẩu và hứa hẹn khởi sắc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đấu nối vào tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, góp phần tạo đột phá trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đỗ Phương)

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đấu nối vào tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, góp phần tạo đột phá trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đỗ Phương)

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh đặt mục tiêu đưa khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái thành khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, thành trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ tổng hợp của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, phát triển khu du lịch Quốc gia Trà Cổ là khu du lịch biển đảo chất lượng cao, gắn với các sản phẩm du lịch thương mại, cửa khẩu biên giới.

TP. Móng Cái cần tập trung thu hút các dự án phát triển sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng cao, phát triển hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, logistics trên địa bàn. Đến hết năm 2025, TP. Móng Cái phải đạt mục tiêu thu nhập của người dân thuộc các xã phải trên 100 triệu đồng/người/năm; hoàn thành mục tiêu người dân được sử dụng nước sạch qua công trình cấp nước tập trung.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Để tiếp tục khẳng định vai trò “cầu nối”, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư và XNK qua địa bàn, tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó, tiếp tục phát triển và đưa khu vực kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và cả nước.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-kinh-te-cua-khau-tro-thanh-tru-cot-dong-luc-phat-trien-cua-quang-ninh-279293.html