Đưa kỹ năng lái xe an toàn vào các trường trung học trên toàn quốc
Việc trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh đang được triển khai trong trường học nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông.
Trang bị kỹ năng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Theo thống kê của Bộ Công an, từ 21/12/2023 đến 14/4/2025, toàn quốc xảy ra 4.750 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm chết 1.456 em và làm bị thương 3.694 em. Điều đáng báo động là có đến 46,74% số vụ tai nạn xảy ra do học sinh điều khiển xe mô tô dung tích từ 50 - 175cm³ khi chưa đủ tuổi quy định. Những con số này cho thấy nhu cầu bức thiết trong việc nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông cho lứa tuổi học sinh.
Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho thế hệ trẻ, Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Lễ phát động Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Duy Minh
Sự kiện diễn ra vào ngày 26/5/2025 tại Trường Trung học phổ thông Đông Anh, TP. Hà Nội, với sự tham dự của gần 600 học sinh lớp 11, chính thức mở màn cho chuỗi hoạt động đào tạo sẽ được triển khai trên toàn quốc trong năm 2025. Đây là một bước đi thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Honda Việt Nam trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu “Không có tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến xe máy và ô tô Honda” vào năm 2050, đồng thời đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu “Không còn tử vong do tai nạn giao thông đường bộ” vào năm 2045. Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, công ty đã tổ chức tuyên truyền và đào tạo kiến thức an toàn giao thông cho hơn 27 triệu người mỗi năm, trong đó có đối tượng học sinh các cấp, những người đang hàng ngày đối mặt với nhiều rủi ro khi tham gia giao thông.

Các buổi đào tạo được thiết kế sinh động, trực quan, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu thông tin. Ảnh: Duy Minh
Khác với những buổi học lý thuyết đơn thuần, các buổi đào tạo được thiết kế sinh động, trực quan, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu thông tin. Các em được thực hành lái thử với mẫu xe điện cao cấp Honda ICON e: dòng xe có thiết kế hiện đại, nhỏ gọn, tích hợp nhiều tính năng an toàn. Đặc biệt, sau mỗi buổi đào tạo, học sinh sẽ trải qua bài kiểm tra lý thuyết và thực hành nhằm đảm bảo đủ năng lực điều khiển xe gắn máy an toàn khi tham gia giao thông thực tế.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, nhấn mạnh: “Hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến. Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sử dụng xe máy, xe điện, thậm chí mô tô phân khối lớn mà không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tín hiệu đèn giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện… diễn ra khá phổ biến, gây nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông”.
Cũng theo bà Minh, một số phụ huynh vẫn có thói quen giao xe cho con em điều khiển khi chưa đủ điều kiện hoặc chính bản thân họ vi phạm các quy định về an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức và hành vi của học sinh.
Từ thực trạng đó, công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đã được “luật hóa” trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ban hành ngày 27/6/2024, trong đó quy định rõ trách nhiệm của ngành giáo dục và công an trong việc tổ chức chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh. “Sự kiện ngày hôm nay là minh chứng đầu tiên cho việc cụ thể hóa điều luật này vào thực tế”, bà nói.

Học sinh được hướng dẫn lái xe an toàn. Ảnh: Duy Minh
Hành trình tạo dựng thế hệ công dân giao thông văn minh
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khẳng định: “Chương trình hôm nay là hành động cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Nghị định 151 và Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là bước đi quan trọng để hình thành thói quen và ý thức tham gia giao thông an toàn cho thế hệ học sinh, những công dân tương lai của đất nước”.
Ông Thành đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai sâu rộng mô hình đào tạo kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn trong các trường học; theo dõi khả năng tiếp thu của học sinh để từng bước hoàn thiện nội dung đào tạo.
Với vai trò là chương trình điểm, hoạt động tại Trường Trung học phổ thông Đông Anh không chỉ tạo tác động tại chỗ mà còn mở ra tiền đề để nhân rộng mô hình trên toàn quốc. Trong thời gian tới, 35 chương trình đào tạo tương tự sẽ tiếp tục được triển khai tại các tỉnh, thành, với sự phối hợp ba bên giữa cơ quan chức năng, nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chương trình “Bồi dưỡng mẫu kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông và học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” dự kiến triển khai tại 34 tỉnh, thành phố được lựa chọn trên phạm vi cả nước; thời gian thực hiện: từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2025. Trong tháng 5 này, chương trình sẽ triển khai thí điểm 9 chương trình tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 2.600 học sinh trung học phổ thông.