Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có logo doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội kiến nghị bổ sung các hành vi bị cấm tại nghị trường như: cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân dễ gây hiểu nhầm về lợi ích đại diện; cấm ghi hình, ghi âm, phát trực tiếp phiên họp khi chưa được phép.
Chiều 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Kiến nghị cấm phát biểu công kích cá nhân
Nêu ý kiến về chuẩn mực nghị trường và hành vi ứng xử của đại biểu Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đánh giá, thời gian qua, nội quy kỳ họp Quốc hội chưa quy định đầy đủ về chuẩn mực ứng xử như trang phục, biểu tượng cá nhân và các hành vi bị nghiêm cấm hoặc cần khuyến khích. Khoảng trống này ảnh hưởng đến hình ảnh đại biểu và giảm sút sự nghiêm cẩn, tôn nghiêm của cơ quan công quyền trước nhân dân và bạn bè quốc tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung các hành vi bị cấm tại nghị trường như: cấm sử dụng trang phục, phụ kiện có logo doanh nghiệp, khẩu hiệu thương mại hoặc biểu tượng cá nhân dễ gây hiểu nhầm về lợi ích đại diện; cấm ghi hình, ghi âm, phát trực tiếp phiên họp khi chưa được phép của chủ tọa kỳ họp và Văn phòng Quốc hội; cấm rời hội trường khi đang họp mà không có lý do chính đáng, đặc biệt khi đang thảo luận hoặc biểu quyết; cấm phát biểu công kích cá nhân, dùng ngôn ngữ mỉa mai, xúc phạm hoặc xuyên tạc nội dung thảo luận, gây rối trật tự hoặc làm nhiễu loạn thông tin; cấm sử dụng thời gian phát biểu không đúng trọng tâm nghị sự hoặc lặp lại nội dung đã trình bày nhiều lần.
"Các quy định này cần được đồng bộ với Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 23, Điều 35) và các luật về phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, nhấn mạnh vai trò gương mẫu, trung thực, minh bạch trong hành vi công vụ" – đại biểu nêu.
Phát biểu tối đa 7 phút, tranh luận không quá 3 phút “rất phù hợp”
Liên quan đến thảo luận tại phiên họp toàn thể Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, nội quy hiện hành quy định đại biểu phát biểu tối đa 7 phút, tranh luận không quá 3 phút “rất phù hợp”, và trong quá trình điều hành, chủ tọa cũng rất linh hoạt. Khi có nhiều đại biểu đăng ký, chủ tọa đã linh động giảm thời gian phát biểu còn 5 phút, tranh luận còn 2 phút. Việc điều hành như vậy là phù hợp và không cần thay đổi thời gian theo hướng thu hẹp như dự thảo. "Tôi nói thật, tôi cũng là một trong những đại biểu phát biểu hơi nhiều. Mà lúc phát biểu lần thứ hai thì thấy hơi kỳ kỳ, bởi ngại người ta nói ông này ham phát biểu. Chính vì thế, đề nghị các đại biểu cũng nên nghiên cứu và cân nhắc vấn đề này" – đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, nội quy hiện hành quy định đại biểu phát biểu tối đa 7 phút, tranh luận không quá 3 phút “rất phù hợp”.
Đồng tình với đại biểu Phạm Văn Hòa về thời gian phát biểu, tranh luận và chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị giữ quy định hiện tại bởi "đang rất hợp lý". "Tôi cho rằng phát biểu trong 5 phút đã đòi hỏi người nói phải rất giỏi, chuẩn bị kỹ, còn ngắn hơn nữa sẽ rất khó khăn. Do vậy, không nên thu hẹp thời gian hơn nữa. Về phát biểu lần hai, tôi cũng mong đại biểu cân nhắc vì phát biểu nhiều lần dễ gây cảm giác lặp lại, mất tập trung”.
Về vấn đề đại biểu Quốc hội cầm giấy phát biểu, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng vấn đề này thu hút sự chú ý ở trong hội trường, ngoài xã hội và cả trên mạng xã hội. “Việc đọc các nội dung không phải do mình soạn ra, đặc biệt là những nội dung đó do ai nhờ đọc hộ và trùng lặp hoặc viết sai là không nên. Còn cầm giấy đọc bài phát biểu do mình chuẩn bị kỹ, đúng trọng tâm, có cân nhắc ngôn từ, đảm bảo thời gian cho phép thì rất tốt” – đại biểu nhấn mạnh. Đồng thời, đề nghị nên khuyến khích phát biểu không cầm giấy đọc, tôn trọng thời gian và làm chủ cảm xúc và bản thân ông cũng ngưỡng mộ những người có thể làm như vậy.
Tuy nhiên, trước khi phát biểu, đại biểu thường chuẩn bị kỹ và đọc khi phát biểu là một cách để làm chủ cảm xúc, đảm bảo thời gian. Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc phát biểu nội dung do mình chuẩn bị chu đáo, sâu sắc với thời lượng phù hợp, tôn trọng đại biểu, tôn trọng Quốc hội, tôn trọng cử tri thì phát biểu bằng cách đọc hoặc không cầm giấy đọc đều được.