Đua làm giàu từ 'cuộc cách mạng xanh' lúa tôm hữu cơ ở Cà Mau

Hơn 20 năm phát triển tại Cà Mau, mô hình lúa - tôm đang ngày càng cho thấy những ưu điểm vượt trội cả về kinh tế và sự thích ứng với biến đổi khí hậu, mở hướng thoát nghèo, làm giàu bền vững cho hàng nghìn hộ dân ở khắp các địa phương.

Vụ Đông Xuân 2024 vừa qua, với hơn 0,5 ha đất trồng lúa kết hợp nuôi tôm gia đình ông Hoàng (ngụ TP.Cà Mau) thu hoạch trên 3 tấn lúa Đài thơm 8, được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá cao chưa từng có, dao động từ 9.000-11.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 30 triệu đồng.

Thu lợi kép

“Vụ vừa qua trúng mùa, trúng giá nên thương lái đến tận ruộng thu mua, máy vừa cắt xong là họ tự cân, tự chở nên mình đỡ công vận chuyển, phơi sấy. Thắng lớn trong vụ đầu năm cũng là động lực để chúng tôi triển khai tiếp các vụ còn lại trong năm 2024”, ông Hoàng hồ hởi kể.

Cùng chung niềm vui với gia đình ông Hoàng, nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn TP.Cà Mau, hay các huyện Thới Bình, Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh... liên tục thắng đậm với những cánh đồng lúa tôm hữu cơ. Bên cạnh doanh thu từ lúa, người dân còn thu lợi lớn từ các sản phẩm thủy sản nuôi kết hợp với lúa như tôm sú, tôm càng, cua biển...

Lúa tôm là mô hình mang lại thu nhập cao cho nông dân Cà Mau, thích ứng biến đổi khí hậu.

Lúa tôm là mô hình mang lại thu nhập cao cho nông dân Cà Mau, thích ứng biến đổi khí hậu.

Xã Trí Lực, huyện Thới Bình là một trong những thủ phủ nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau, với tổng diện tích trên 2.900 ha, trong đó có 700 ha tôm - lúa sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ. Cách đây 5 năm, HTX Trí Lực liên kết với doanh nghiệp để triển khai mô hình tôm - lúa theo tiêu chuẩn ASC.

Đến nay, chuỗi liên kết HTX - doanh nghiệp đã hỗ trợ hơn 450 hộ dân trong và ngoài địa bàn, với diện tích gần 565 ha sản xuất tôm - lúa đạt chứng nhận quốc tế ASC. Với chứng nhận này, con tôm và hạt gạo được xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ "khó tính".

Hàng năm, HTX cung ứng cho thị trường trên 10 tấn gạo mang thương hiệu riêng. Giá gạo của HTX bán khá cao và được khách hàng ưa chuộng với sản phẩm gạo chất lượng cao như ST24, ST25.

Ngoài sản xuất lúa, bà con còn thả tôm càng xanh, cua, cá để tăng thêm thu nhập. Đây được xem là mô hình sản xuất bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU…

Bà Trương Thị Kiều Diễm, thành viên HTX Trí Lực, cho hay gia đình bà có 4 ha đất, trước đây chủ yếu canh tác mía, thị trường bấp bênh, thương lái ép giá nên thu nhập không cao.

Từ khi tham gia vào HTX, thấy lợi ích của mô hình tôm - lúa, bà Diễm mạnh dạn chuyển đổi. Nhờ được hỗ trợ toàn diện từ đầu vào đến đầu ra, hiện mỗi ha tôm lúa của gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây là số tiền “không tưởng” khi còn canh tác mía.

Hướng đi bền vững

“Làm tôm - lúa tưởng khó nhưng lại dễ, chỉ cần nắm vững kỹ thuật, tuân thủ nguyên tắc sản xuất sạch. Nhờ có HTX, mấy năm nay, chúng tôi sống khỏe lắm. Trong quá trình nuôi trồng, phát sinh dịch bệnh chỉ cần gọi cho HTX xin tư vấn, chuyện mua bán cũng dễ vì đã có HTX lo”, bà Diễm chia sẻ.

Hiện, tôm chất lượng cao của HTX Trí Lực được Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú cam kết thu mua với giá cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giống lúa ST24, ST25 hữu cơ được HTX bán cho 3 doanh nghiệp, gồm: Tấn Vương, Cỏ Mây và Gạo Ông Thọ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ EU trên diện tích hàng trăm ha. HTX cũng xây dựng nhãn hiệu gạo an toàn Hoàng Yến phân phối ra thị trường nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con.

Cà Mau dự kiến đẩy mạnh liên kết, mở rộng vùng trồng lúa kết hợp nuôi tôm, làm giàu cho nông dân.

Cà Mau dự kiến đẩy mạnh liên kết, mở rộng vùng trồng lúa kết hợp nuôi tôm, làm giàu cho nông dân.

Với chất lượng vượt trội, từ tháng 4/2020 đến nay, sản phẩm gạo sạch Hoàng Yến của HTX ngày càng khẳng định thương hiệu và được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

“Thời gian tới, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX vay vốn lãi suất thấp, hỗ trợ đào tạo nhân lực… để HTX phát triển”, Giám đốc HTX Lê Văn Mưa bộc bạch.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, mô hình sản xuất lúa - tôm trên địa bàn tỉnh được hình thành từ năm 2000, diện tích sản xuất hàng năm trên địa bàn tỉnh gần 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP Cà Mau.

Sản phẩm chính của mô hình là lúa và tôm, ngoài ra còn có thể tận dụng nguồn lực để xen canh các loại cây trồng, thủy sản khác. Vì vậy, mô hình mang tính bền vững hơn về mặt kinh tế, hiệu quả ổn định, tăng thu nhập cho người dân trong bối cảnh cạnh tranh thị trường và biến đổi khí hậu.

Thêm “thuốc trợ lực”

"Mô hình lúa tôm tại Cà Mau từ lâu đã chứng minh được hiệu quả kinh tế. Đáng chú ý, những năm gần đây nhiều HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất trên địa bàn đã áp dụng kỹ thuật mới, trồng các giống lúa chất lượng cao, nuôi thêm tôm càng nên cho thu nhập cao hơn.

Hiệu quả của mô hình lúa tôm đã đóng góp tích cực vào ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau luôn đạt trên 1 tỷ USD, thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này chủ yếu là Châu Âu.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của cây lúa, con tôm, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hỗ trợ các nhà khoa học tham gia xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu cơ bản của các chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế.

Những tiêu chuẩn trên sẽ là cơ sở cho các HTX, doanh nghiệp dễ dàng áp dụng, tùy theo nhu cầu thị trường nhằm đáp ứng kịp thời các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đa chứng nhận để bán được con tôm trong mô hình lúa - tôm ở tất cả các thị trường trên thế giới nhằm nâng cao giá trị con tôm.

Cùng với đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết, thành lập các tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội quán, HTX… Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các thành viên để sản xuất hiệu quả hơn. Ðặc biệt, sản phẩm tạo ra có sản lượng lớn nên dễ dàng ký kết hợp đồng bao tiêu.

Song song đó, tỉnh sẽ tạo cơ chế, mời gọi doanh nghiệp tham gia, từng bước hình thành liên kết chuỗi, nhất là khâu cung ứng giống, vật tư, phân bón đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm con tôm và cây lúa gắn với xây dựng vùng sản xuất an toàn, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm lúa và tôm Cà Mau.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/dua-lam-giau-tu-cuoc-cach-mang-xanh-lua-tom-huu-co-o-ca-mau-1099971.html