Đưa Lạng Sơn trở thành cầu nối kinh tế giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc

Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đưa ra tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN.

Sáng 27/10, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn, cũng là tỉnh thứ 57 được thẩm định quy hoạch.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

“Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên, giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra”, ông Phương nói.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh; là điểm nút của sự giao lưu kinh tế với các tỉnh phía Tây như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, phía Đông là Quảng Ninh, phía Nam là Bắc Giang, Bắc Ninh, Thủ đô Hà Nội và phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu/lối mở kết nối khác.

Lạng Sơn cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam nằm trên 2 tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Mộc Bài; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN.

Do vậy, Lạng Sơn có vị trí địa lý rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặt ra nhiệm vụ trọng yếu trong bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền biên giới quốc gia trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Cụ thể, quy mô kinh tế của tỉnh còn ở mức thấp so với cả nước và không có sự phát triển bứt phá trong giai đoạn 2011 - 2020, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn quốc, GRDP của vùng và tỷ trọng có xu hướng giảm. Tăng trưởng GRDP của tỉnh cả giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 đều thấp hơn trung bình của vùng và trung bình cả nước; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được mở mang đúng hướng, đúng tầm; liên kết cửa khẩu chủ yếu là liên kết đường bộ, liên kết đường sắt chưa được đầu tư đúng mức khiến kinh tế cửa khẩu phát triển không bền vững, đối diện với nhiều rủi ro, thách thức; hạ tầng công nghiệp chưa đồng hộ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ thương mại còn hạn chế; hạ tầng thủy lợi chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp…

“Vì thế, tỉnh Lạng Sơn nhận thức sâu sắc rằng việc xây dựng Quy hoạch tỉnh là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp tỉnh hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quản lý và khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát nhanh, bao trùm, bền vững với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, giúp tỉnh có đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất”, ông Đoàn nói.

Nguồn: Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nguồn: Dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, giữ vững quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc.

Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7 - 8%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9 - 10%/năm.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Với quan hệ hợp tác tích cực với Trung Quốc và các khu công nghiệp lân cận, Lạng Sơn trở thành vùng đất “xanh” mới hấp dẫn đầu tư nước ngoài, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghiệp hóa và du lịch đẳng cấp thế giới. Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước ASEAN…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung vào 4 khâu đột phá và 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, 4 khâu đột phá gồm: (1) Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; (2) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Lạng Sơn; (3) Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch; (4) Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.

8 nhiệm vụ trọng tâm được địa phương đề ra là (1) Đổi mới và hoàn thiện thể chế; (2) Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng; (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (4) Phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030; (5) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã; (6) Tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; (7) Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Lạng Sơn; (8) Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, chủ động thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thanh Huyền

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dua-lang-son-tro-thanh-cau-noi-kinh-te-giua-viet-nam-asean-va-trung-quoc-d201768.html