Đưa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa XII ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai, việc thực thi luật gặp một số khó khăn, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với pháp luật hiện hành.

Sáng kiến “Cải tiến kết cấu lò than xích” giúp Công ty TNHH Vitto-VP tiết kiệm hơn 27 tỷ đồng/năm chi phí điện năng và sửa chữa máy móc. Ảnh: Nguyễn Lượng

Sáng kiến “Cải tiến kết cấu lò than xích” giúp Công ty TNHH Vitto-VP tiết kiệm hơn 27 tỷ đồng/năm chi phí điện năng và sửa chữa máy móc. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trên cơ sở các quy định của luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Sở Công thương đã chủ động triển khai, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện.

Luật và các văn bản dưới luật ban hành cơ bản đã khắc phục được các hạn chế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng, đồng thời, bảo đảm các cơ chế hoạt động của thị trường, tôn trọng quyền chủ động của các doanh nghiệp (DN), người sử dụng năng lượng; đẩy mạnh quá trình thể chế hóa, đáp ứng yêu cầu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, tiêu dùng; giảm mức đầu tư rất cao hiện nay cho sản xuất năng lượng.

Các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng được quản lý chặt chẽ, từng bước nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thông qua hoạt động dán nhãn, tuân thủ mức hiệu suất năng lượng tối thiểu, định mức tiêu hao năng lượng và minh bạch thông tin về hiệu suất năng lượng, từng bước loại bỏ dần các trang thiết bị, công nghệ tiêu tốn năng lượng ra khỏi đời sống cộng đồng.

Theo Quyết định số 852 của UBND tỉnh ngày 5/5/2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 70 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Các DN đã có những nhìn nhận tích cực đến việc thực hiện quản lý về năng lượng sử dụng, việc đặt thiết bị đo kiểm, giám sát đã được triển khai khá tốt.

Kết quả khảo sát thực tế cho thấy, tất cả các DN trọng điểm về sử dụng năng lượng đã lắp đặt các đồng hồ đo, giám sát tới từng khu vực sản xuất, từng thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng. Nhiều DN đã rất tích cực trong việc thực hiện đầu tư triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng như Tập đoàn Prime, Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Vitto - VP (Tam Dương)...

Mặc dù hầu hết các DN đã bắt đầu có những nhìn nhận về việc thực hiện tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên, phần lớn mới chỉ ở mức nhìn nhận. Theo quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Người quản lý năng lượng phải có chứng nhận của Bộ Công thương, Ban quản lý năng lượng cần xác định các trung tâm sử dụng năng lượng, xây dựng định mức năng lượng để thực hiện quản lý…, song, phần lớn các DN đều chưa thực hiện tốt các nội dung này theo yêu cầu.

Thực tế khi DN chưa có chính sách năng lượng rõ ràng, chưa có bộ phận chịu trách nhiệm cụ thể thì không thể tạo động lực cho người lao động (NLĐ) thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Việc thực hiện truyền thông tốt của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như DN đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng ở NLĐ, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết giúp NLĐ hiểu và biết cách thực hiện tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, một số DN hiện nay lại chưa nhận rõ được vấn đề này, nên việc thực hiện tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, cuộc thi,… còn rất hạn chế.

Mặt khác, nhiều DN không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng do các khó khăn về tài chính nên dừng triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành thép và xi măng.

Cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn nhiều hạn chế. Nguồn lực tài chính, lực lượng các chuyên gia kỹ thuật tại nhiều địa phương còn bất cập, do vậy, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các DN thuộc lĩnh vực này để xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng còn yếu và thiếu.

Để Luật đi vào cuộc sống, Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương ban hành các văn bản quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế, chính sách, nhiệm vụ cho từng cấp, ngành, nhất là nguồn lực để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý trong việc đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ tư vấn, kiểm toán năng lượng, quản lý năng lượng, đào tạo để đảm bảo thị trường vận hành minh bạch hiệu quả; tạo được các chế tài pháp lý đủ sức răn đe trong việc thực thi luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Tăng cường tập huấn cho cán bộ công chức,viên chức, người quản lý năng lượng ngành công thương, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới. Có cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. ..

Hồng Nhật

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81646/dua-luat-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-vao-cuoc-song.html