Đưa mảng xanh vào khu dân cư
Với điều kiện thực tế hiện nay, thay vì tập trung làm công viên cây xanh lớn như quy chuẩn, việc phân tán, chia nhỏ diện tích công viên cũng là giải pháp mang lại hiệu quả cho TP HCM
Khoảng 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Vân (ngụ phường 5, quận 8, TP HCM) thường dắt 2 con trai ra công viên bên cầu Hiệp Ân 1 (phường 5) để vui chơi, dạo mát. Từ khi có công viên, người dân trong vùng có thêm một địa điểm để gặp gỡ, tập thể dục thể thao, thư giãn...
Công viên nhỏ, hiệu quả lớn
"Trước đây, khu vực này là một bãi đất trống, cây cỏ um tùm, nhiều rác thải nên ít người tới lui. Kể từ khi được cải tạo thành công viên, rất nhiều người đến vui chơi. Tôi đưa 2 con ra đây chơi để con được vận động tay chân, có thêm bạn bè, được hít thở khí trời và đặc biệt là rời xa điện thoại, tivi" - chị Vân nói.
Công viên bên cầu Hiệp Ân 1 có diện tích khoảng 3.000 m2, được trồng nhiều cây xanh, có lối đi bộ, khu vực để xe máy tự quản, ghế đá, thiết bị tập thể dục và sân chơi dành riêng cho thiếu nhi.
Nhà cách công viên vài bước chân, bà Lê Thị Nhài cho biết bất kể lúc nào cũng có thể ra công viên đi dạo, ngồi chơi.
"Người dân ở đây rất mừng khi có công viên này. Tôi lớn tuổi rồi, không thể đi xa, gần nhà có công viên nên tôi và mấy bà bạn già có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện. Sáng sớm thì tập dưỡng sinh, chiều mát thì ra đây ngồi hóng gió, ngắm mấy đứa nhỏ chạy chơi. Ở đây vui lắm, lúc nào cũng rộn ràng. Ra đây là tinh thần được thoải mái, thư giãn" - bà Nhài chia sẻ.
Kể từ ngày công viên nhỏ của khu phố 5, phường Bình Thuận, quận 7 - trước nhà của chị Mai Thị Hạnh - đi vào hoạt động, cuộc sống của gia đình chị và hàng xóm đã thay đổi rõ rệt.
Chị Hạnh cho biết gần 2 năm trước, khu vực này là điểm đen về ô nhiễm môi trường. Người dân từ nơi khác đến lấn chiếm, làm nhà ở. Toàn bộ chất thải sinh hoạt đều trút trực tiếp xuống sông, mùi hôi thối cũng vì thế mà bốc lên nồng nặc.
"Kể từ ngày có công viên, khu này trở nên sạch sẽ, mát mẻ. Người già, trẻ nhỏ tới lui tập thể dục, vui chơi. Từ một điểm không ai muốn đến, giờ đây khu vực này là địa điểm để tổ chức những chương trình của khu phố như giao lưu văn nghệ, Tết trung thu cho các cháu thiếu nhi. Chúng tôi mừng lắm khi có công viên. Ai cũng cố gắng chăm chút, giữ gìn cho mảng xanh quý giá này" - chị Hạnh nói.
Phân tán, chia nhỏ diện tích công viên
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, cho biết hiện đơn vị đang rà soát, chuẩn bị báo cáo tổng thể cho UBND thành phố việc thực hiện Bộ Tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất trong các loại công viên.
Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên nền tảng là Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị, đến nay TCVN 9257:2012 vẫn còn giá trị thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, việc tăng cường diện tích công viên cây xanh (CVCX) không chỉ phụ thuộc vào các tiêu chí đã đề ra mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như quỹ đất, nguồn lực...
Qua quá trình rà soát, nghiên cứu, Sở Quy hoạch và Kiến trúc nhận thấy cần phải có phương thức quy hoạch lại công viên.
"Hiện nay, quy chuẩn về quy hoạch yêu cầu làm những công viên tập trung với quy mô lớn. Tại TP HCM, việc dành ra quỹ đất với diện tích từ 5-10 ha để làm công viên trong nội thành lẫn ngoại thành rất hạn chế" - ông Nguyễn Thanh Nhã nêu.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ đề xuất những giải pháp nhằm phân tán diện tích, làm nhiều CVCX có quy mô nhỏ.
"Quy chuẩn hiện nay yêu cầu phải tập trung làm những CVCX lớn. Đây là những khoảng vênh, chưa sát với tình hình thực tế của TP HCM. Do đó, sẽ có những giải pháp linh hoạt nhằm phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu chung" - ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Ông Nguyễn Thanh Nhã lấy ví dụ Công viên Văn Lang (quận 5, TP HCM), chỉ với diện tích vài ngàn mét vuông nhưng đem lại hiệu quả rất lớn. Việc làm nhiều công viên nhỏ len lỏi trong khu dân cư vừa dễ đi vào đời sống người dân mà cũng dễ hơn cho các cơ quan chuyên môn.
GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, đánh giá diện tích cây xanh trên đầu người của TP HCM hiện rất thấp, cách xa so với tiêu chuẩn quốc gia. Do đó, TP HCM cần phải phát triển thêm không gian xanh. Để làm được điều này, đầu tiên là phải làm tốt công tác quy hoạch.
Theo GS-TS Nguyễn Hữu Dũng, TP HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung, cần chú trọng quy hoạch các không gian xanh này. Việc chia nhỏ và làm nhiều CVCX trong khu dân cư là chủ trương đúng đắn. Bởi kinh nghiệm quốc tế cũng đã chỉ ra rằng trong khu dân cư cần phát triển nhiều CVCX nhỏ.
"Thành phố xanh không phải chỉ có những CVCX lớn. Thành phố xanh còn thể hiện ở việc người dân đô thị được đi đến và thừa hưởng các tiện ích của CVCX với một khoảng cách đi bộ gần nhất" - GS-TS Nguyễn Hữu Dũng nêu quan điểm.
Cần đầu tư thêm 150 ha công viên cây xanh
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Đặng Phú Thành cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 11.369 ha đất CVCX. Trong thời gian qua, việc đầu tư xây dựng CVCX chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách của thành phố. Để đạt được các mục tiêu về cây xanh đã đề ra, TP HCM cần đầu tư thêm 150 ha CVCX.
Để bảo đảm kế hoạch đề ra, ông Thành cho biết Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND thành phố thực hiện phát triển CVCX trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đôn đốc chủ đầu tư các khu dân cư sớm hoàn thiện và bàn giao CVCX lại cho nhà nước quản lý; phối hợp với Thành Đoàn tổ chức trồng cây xanh và tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ mảng xanh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-mang-xanh-vao-khu-dan-cu-196240101192455908.htm