Đưa nông sản chất lượng đến người tiêu dùng

Trong thời gian này, các đơn vị, địa phương của thành phố Hà Nội liên tục tổ chức các sự kiện kết nối để mở rộng giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản trên địa bàn. Các sự kiện này càng ý nghĩa hơn khi Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, qua đó góp phần cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân.

Nổi bật trong số đó là Lễ hội Nông sản thành phố Hà Nội năm 2023 vừa khai mạc tại Khu đô thị Splendora (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) và diễn ra đến ngày 31-12-2023. Tiếp đó là tuần lễ quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), đặc sản vùng miền của Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023, được khai mạc vào hôm qua (28-12), tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội ở phường Văn Quán, quận Hà Đông. Ngoài 2 sự kiện nói trên, từ nay đến Tết Giáp Thìn 2024, dự kiến sẽ còn nhiều chương trình kết nối, giao thương hàng hóa, nông sản được diễn ra trên khắp các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mua sắm đa dạng, phong phú và bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết.

Điểm chung của các sự kiện này chính là dịp để Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại các sản phẩm làng nghề, nông sản chất lượng đến tay người dùng. Đặc biệt, thông qua các sự kiện xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm còn tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, khoa học, nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng, từ đó mở ra nhiều cơ hội xây dựng các chuỗi liên kết nông sản, làng nghề, giải quyết hiệu quả bài toán tiêu thụ hàng hóa trong thời gian tới.

Nhìn xa hơn, đây là “cơ hội vàng” cho kết nối, mở rộng giao thương, tiến tới đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông sản, sản phẩm làng nghề của thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với hiệu quả đã được khẳng định, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành phố tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thực phẩm. Trong đó, những vấn đề cần chú trọng là tiếp tục thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận theo tiêu chuẩn... Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cho bà con nông dân, tăng chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản.

Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực thương mại nhằm phát huy thế mạnh địa phương, quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm, hàng hóa, nông sản lợi thế và đặc sản, hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại cần thực hiện một cách đồng bộ, chuyên nghiệp và trên cơ sở đa kênh cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; đồng thời triển khai các chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị trên địa bàn Thủ đô.

Công tác kết nối, xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng trong khâu tiêu thụ, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận được hàng hóa, nông sản bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dua-nong-san-chat-luong-den-nguoi-tieu-dung-654469.html