Đưa nông, thủy sản vào thị trường EU

Từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông, thủy sản của Việt Nam đã tích cực chuyển đổi, đảm bảo điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, với việc Liên minh châu Âu liên tục thay đổi quy định về biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật…, các doanh nghiệp xuất khẩu phải linh hoạt cập nhật, thích ứng, đảm bảo các điều kiện xuất khẩu bền vững sang thị trường này.

Cá ngừ đại dương của Phú Yên đã được xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: THỦY TIÊN

Cá ngừ đại dương của Phú Yên đã được xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: THỦY TIÊN

Ông Ngô Xuân Nam

Chia sẻ về vấn đề nói trên, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) thuộc Bộ NN&PTNT cho biết:

- Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường trọng điểm xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam. 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm của nước ta sang các thị trường này đạt khoảng 24 tỉ USD.

* So với các thị trường khác, yêu cầu khi xuất khẩu sang EU có gì khác, thưa ông?

- Trong hoạt động xuất khẩu nông sản, mỗi thị trường sẽ có những quy định khác nhau về an toàn thực phẩm và an toàn kiểm dịch động, thực vật. Lâu nay, chúng ta thường có quan điểm thị trường châu Âu là khó tính, khắt khe; tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phải thay đổi.

Vì thực tế bất kỳ một thị trường nào khi nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thực phẩm từ các quốc gia đều có các quy định; trong đó, quy định của thị trường châu Âu rất khoa học, minh bạch.

Hiện nay, khi nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật vào EU, nhiều sản phẩm EU không yêu cầu mã số vùng trồng mà chỉ cần đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, EU cũng quy định cụ thể một số đối tượng phải kiểm dịch thực vật, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ đúng và kiểm soát tốt các đối tượng kiểm dịch này là đã đáp ứng được quy định.

Với nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, hiện nay EU mới cho Việt Nam nhập khẩu thủy sản, mật ong và một số sản phẩm khác. Những nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật khi xuất khẩu sang EU, chúng ta phải đàm phán về mặt kỹ thuật, phía EU sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá vùng nuôi, các vấn đề về quy định kiểm soát, giám sát dịch bệnh, nếu đáp ứng yêu cầu thì phía EU sẽ cấp phép.

Đặc biệt, EU vừa có quy định mới, cho phép nhập khẩu đối với nhóm sản phẩm hỗn hợp. Lâu nay, chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu những sản phẩm truyền thống với khối lượng lớn. Nhưng nay chúng ta cần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đi vào sản xuất các sản phẩm ngách, sản phẩm phối trộn, sản phẩm có tính đặc thù sẽ gia tăng giá trị rất nhiều.

* Muốn xuất khẩu sang thị trường EU, các doanh nghiệp nên lưu ý những gì?

- Các quy định khi nhập khẩu nông sản, sản phẩm vào EU rất phức tạp với rất nhiều điều khoản khác nhau. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về thị trường, quan trọng nhất là hiểu đúng quy định của thị trường để áp dụng.

Vì vậy, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần có một bộ phận kỹ thuật chuyên nghiên cứu, cập nhật các quy định. Bởi những quy định này thường rất dài, lại có mối liên kết giữa các nội dung với nhau và EU thường xuyên thay đổi về biện pháp kiểm dịch động, thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sơ chế, chế biến và xuất khẩu nông sản.

Trong câu chuyện thương mại nông sản, chuyện vi phạm quy định hết sức quan trọng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức đúng, tuân thủ các quy định để không bị cảnh báo.

Quy định của EU khác với quy định của một số nước, nếu như một doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo thì EU sẽ đánh giá, tăng tần suất kiểm tra biên giới cả ngành hàng đó của Việt Nam chứ không riêng doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam chỉ còn 4 sản phẩm gồm thanh long, ớt, đậu bắp, sầu riêng chịu tần suất kiểm tra biên giới của EU. Đặc biệt trong thông báo mới nhất, EU đã gỡ toàn bộ kiểm soát đối với sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam.

Từ ngày 2/7/2024, sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam xuất sang EU không chịu tần suất kiểm tra biên giới, không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tức là sản phẩm này xuất bình thường vào EU. Trước đó từ tháng 12/2021, EU đưa ra biện pháp kiểm soát với tần suất kiểm tra biên giới 20% và phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với sản phẩm mì ăn liền.

Trong hơn 2 năm qua, Văn phòng SPS Việt Nam và các cơ quan, Bộ Công Thương, doanh nghiệp tập trung tuyên truyền, đàm phán với EU để kiểm soát chất lượng. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, không có sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vi phạm quy định của EU, ngay lập tức EU đã tháo gỡ các biện pháp kiểm soát.

Qua đó cho thấy, để giải được bài toán tổ hợp này, trước tiên cần có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chuyên môn; có sự chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát từ vùng trồng đến khâu sơ chế, chế biến và vấn đề quan trọng nhất là từ nội tại doanh nghiệp; phải kết hợp được cả ba yếu tố này thì mới thành công.

* Vậy với vai trò, nhiệm vụ của mình, Văn phòng SPS Việt Nam đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu?

- Văn phòng SPS Việt Nam được thành lập từ năm 2005 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ đó đến nay, chúng tôi thường xuyên cập nhật các quy định của thị trường tất cả các quốc gia thành viên của WTO.

Hằng tháng, 166 thành viên WTO đều gửi các thông báo về cho Văn phòng SPS Việt Nam. Văn phòng sẽ dịch, tóm tắt và chuyển các thông báo này về cho 7 cơ quan hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến từng ngành hàng để nghiên cứu, góp ý trả lời cho phía các thành viên WTO.

Trong 2 năm gần đây, văn phòng đã mở rộng đối tượng góp ý và đối tượng cung cấp thông tin gồm sở NN&PTNT, sở Công Thương và các hiệp hội ngành hàng trong cả nước. Văn phòng SPS Việt Nam đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cổng thông tin quốc gia về SPS, từ đó chúng tôi sẽ cập nhật thường xuyên và có tương tác hai chiều với doanh nghiệp.

* Theo ông, Việt Nam có những loại nông sản, sản phẩm nào có lợi thế xuất sang thị trường EU?

- Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ gỗ, thủy sản, gạo là những sản phẩm có lợi thế và đang được xuất sang EU. EU rất muốn sử dụng các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam, nhưng do điều kiện về địa lý nên Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu được.

Vì vậy, chúng ta phải nâng cao công nghệ về bảo quản để đáp ứng tốt; đồng thời phải quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng đúng loại, hàm lượng để đáp ứng dư lượng của thị trường EU. Yêu cầu về dư lượng này của EU ở mức rất thấp, gần như tuyệt đối không được sử dụng, nên chúng ta phải chuyển đổi sang sử dụng thuốc sinh học, phân bón sinh học, chuyển sang sản xuất nông nghiệp định hướng hữu cơ thì chắc chắn sẽ đáp ứng các yêu cầu của EU.

* Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của Phú Yên đối với việc xuất khẩu sang thị trường này?

Phú Yên đang có lợi thế sản phẩm thủy sản đã được EU công nhận để xuất khẩu vào EU rồi, nên chỉ cần đáp ứng các quy định đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật để phối trộn là được.

- Ngoài nhóm sản phẩm thủy sản của địa phương đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường EU thì hiện nay nhóm sản phẩm chế biến hỗn hợp với mục tiêu chế biến sâu rất có lợi thế. Đương nhiên thực hiện việc này không dễ, không phải ngày một ngày hai mà chúng ta phải có một lộ trình chuyển đổi sang chế biến sâu để xuất khẩu sang EU.

Phú Yên đang có lợi thế sản phẩm thủy sản đã được EU công nhận để xuất khẩu vào EU rồi, nên chỉ cần đáp ứng các quy định đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật để phối trộn là được. Với những tiền đề thuận lợi này, địa phương, các doanh nghiệp của Phú Yên có thể nghiên cứu, đầu tư để tiến tới sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm tổng hợp có nguồn gốc từ thủy sản để thâm nhập vào EU trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

THỦY TIÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/317842/dua-nong-thuy-san-vao-thi-truong-eu.html