Đưa pháp luật đến gần dân hơn

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong toàn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Công an H.Trảng Bom tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện. Ảnh: T.Tâm

Công an H.Trảng Bom tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện. Ảnh: T.Tâm

Thời gian qua, Công an tỉnh và các địa phương đã chủ động tổ chức tuyên truyền nhiều nội dung với cách thức phong phú, hiệu quả.

* Đa dạng phương thức tuyên truyền

Một trong những cách làm hay của ngành Công an trong tuyên truyền, PBGDPL là triển khai công tác dân vận gắn với tuyên truyền, PBGDPL, trong đó chú trọng địa điểm tuyên truyền ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đông công nhân lao động sinh sống. Qua đó, giúp người dân nơi đây cập nhật kiến thức, quy định mới của pháp luật; các phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm, giúp người dân nắm bắt pháp luật, tự bảo vệ bản thân và gia đình trước các loại tội phạm.

Từng tham dự buổi tuyên truyền pháp luật do Công an tỉnh tổ chức tại Trường THPT Tây Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) vào tháng 2-2022, bà Trần Thúy Cẩm (ngụ xã Thanh Sơn) cho hay: “Tôi sống ở vùng sâu, lại không rành chữ nghĩa, hàng ngày chỉ biết đi làm kiếm tiền. Nhờ có lực lượng công an đến tận nơi nói chuyện, trao đổi, tôi mới nắm về thủ đoạn hoạt động của tội phạm, cách nhận biết các loại ma túy để giúp con em tránh xa ma túy” - bà Cẩm cho hay.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền

Tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh ngày 16-3, Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG đề nghị lực lượng công an và các ban, ngành, đoàn thể cần chú trọng công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Từ đó khơi dậy ý thức của người dân trong công tác phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội; biến mỗi gia đình, tổ chức, doanh nghiệp trở thành một “pháo đài” phòng chống tội phạm.

Ở nhiều công an địa phương, đi kèm với công tác tuyên truyền còn tổ chức lồng ghép thêm những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Điển hình như, ngày 27-2, Hội Phụ nữ Công an H.Trảng Bom tổ chức chương trình trao học bổng Cùng em vượt khó đến trường kết hợp tuyên truyền an toàn giao thông, phòng ngừa xâm hại trẻ em cho các học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom). Hội Phụ nữ Công an huyện còn phát hơn 2 ngàn tờ rơi và tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh một số quy tắc phòng ngừa xâm hại để trẻ biết cách tự bảo vệ mình; những loại ma túy, cách phòng tránh và nhiều quy định về an toàn giao thông.

Sau khi được nghe tuyên truyền, em Phạm Nguyễn Hoàng Nhi (học lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) còn được hướng dẫn thực hành tại chỗ các biện pháp ngăn chặn khi có người lạ tiếp cận. Nhờ đó, nếu phát sinh tình huống xảy ra, em có thể tự bảo vệ mình. Trong suốt buổi tuyên truyền, Nhi và các bạn luôn chăm chú lắng nghe và mong muốn sẽ được tham gia nhiều buổi tuyên truyền để biết thêm kiến thức pháp luật bổ ích.

* Chú trọng chất lượng và hiệu quả

Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn cho biết, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, phòng, chống các loại tội phạm cho cán bộ, quần chúng nhân dân trên địa bàn, Công an tỉnh đã chủ động tổ chức và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, PBGDPL và phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú trên các lĩnh vực và với nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, địa bàn tập trung đông đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa…

Hình thức tuyên truyền cũng liên tục được đổi mới như: tập trung tuyên truyền miệng, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, loa di động… Nội dung tuyên truyền chủ yếu vận động nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật, tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đặc biệt, chú trọng công tác vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, tuyên truyền âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…

Người dân TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) đọc thông tin về thủ đoạn tinh vi của tội phạm và cách phòng ngừa thông qua các tờ rơi tại buổi tuyên truyền pháp luật do Công an tỉnh tổ chức

Người dân TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) đọc thông tin về thủ đoạn tinh vi của tội phạm và cách phòng ngừa thông qua các tờ rơi tại buổi tuyên truyền pháp luật do Công an tỉnh tổ chức

Thượng tá Doãn Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an H.Trảng Bom cho biết, hiện nay các loại tội phạm liên tục thay đổi thủ đoạn hoạt động, nhiều loại ma túy xuất hiện trên thị trường nên Công an huyện đã tổ chức các đợt tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình tội phạm một cách rõ nét, hiểu được thủ đoạn hoạt động của tội phạm để tự bảo vệ mình và những người thân trong gia đình. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền trong các trường học nhằm giúp học sinh sớm tiếp cận các quy định cơ bản của pháp luật, hiểu được hậu quả của hành vi phạm pháp, nhận biết các loại ma túy và có cách phòng ngừa, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ.

Với nhiều hoạt động tuyên truyền, trong năm 2022, nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an gần 2,3 ngàn nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự. Trong đó, gần 1,4 ngàn nguồn tin có giá trị, giúp công an điều tra, xử lý gần 720 vụ, bắt hơn 1,4 ngàn đối tượng phạm pháp; vận động nhân dân giao nộp 95 khẩu súng các loại, gần 670 viên đạn, gần 800 vũ khí thô sơ, 260 dao lê, mã tấu…, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thiếu tá Huỳnh Văn Tấn Đông, Phó trưởng phòng Xây dựng phong trào Công an tỉnh cho biết, công tác tuyên truyền luôn được xem là một trong những công tác quan trọng để quần chúng nhân dân nhận biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, từ đó có ý thức phòng ngừa, tự bảo quản và bảo vệ. Thông qua công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, PBGDPL tại các doanh nghiệp, khu nhà trọ có đông công nhân, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, học sinh, sinh viên. Đồng thời, sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền vào các đợt trước, trong và sau các dịp lễ, Tết để góp phần ngăn ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Bên cạnh tuyên truyền thường xuyên, Công an tỉnh sẽ tiếp tục có những đợt tuyên truyền tập trung kết hợp với các hoạt động dân vận xã hội, từ thiện.

Trong năm 2022, công tác tuyên truyền đã thực hiện được gần 1,8 ngàn buổi với hơn 230 ngàn lượt người tham dự; in ấn, phát hành hơn 310 ngàn tài liệu các loại, gần 320 khẩu hiệu tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy, trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền di động hơn 8,1 ngàn lượt…

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202303/dua-phap-luat-den-gan-dan-hon-3161101/