Đưa ra cơ chế để Hà Nội có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) - một dự án luật đặc thù vừa được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho Hà Nội phát triển tương xứng với với vị trí, vai trò của Thủ đô.

Quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính

Trong đó, cơ chế đặc thù để Hà Nội huy động được nguồn lực tài chính phục vụ xây dựng, phát triển Thủ đô là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm. Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến nhìn nhận, Dự luật có nhiều quy định đột phá về thu hút nguồn lực, đầu tư tài chính, đáp ứng nhu cầu tổ chức chính quyền và phát triển kinh tế của Thủ đô.

Hà Nội không giống các địa phương khác, kể cả các thành phố có Nghị quyết đặc thù như thành phố Hồ Chí Minh. Đơn cử, nếu thành phố Hồ Chí Minh có đầu tư theo hình thức BT bằng tiền thì Hà Nội vượt trội hơn khi đề xuất trong Luật cả đầu tư BT bằng đất, đây là đột phá lớn để thu hút các nguồn lực cho Thủ đô.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hồng Tuyến.

Đồng thời, Thành phố cũng chú trọng phát triển TOD (giao thông công cộng), đây là cơ chế hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai, phát triển kinh tế, hạ tầng mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng. Đi cùng với đó là phát triển không gian ngầm, không gian xanh và không gian giao thông.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cũng đánh giá, dự thảo Luật đã đưa ra phương án ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình, dự án trọng điểm, có tính chiến lược của Thủ đô, Vùng Thủ đô. Về tài chính, có nhiều quy định đặc thù cho Hội đồng nhân dân trong việc thuê đất, thuê mặt bằng.

Luật sửa đổi cũng có các quy định về đột phá liên kết vùng với các quy định đi sâu về phân cấp, giao quyền cho Hà Nội trong việc chủ trì điều phối, gắn kết và thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô trong 10 lĩnh vực cụ thể. Đây sẽ là những cơ chế vượt trội giúp cho Thủ đô huy động được các nguồn lực.

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần đưa ra cơ chế huy động đồng bộ các nguồn lực tài chính để xây dựng, phát triển Thủ đô. Ảnh: Hà Phong

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần đưa ra cơ chế huy động đồng bộ các nguồn lực tài chính để xây dựng, phát triển Thủ đô. Ảnh: Hà Phong

Cần đồng bộ với quy định của Luật Đất đai

Quan tâm đến nguồn lực đất đai, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, qua 10 năm thực hiện, các chính sách, cơ chế quy định trong Luật đã góp phần giúp thành phố đạt được một số thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc triển khai lập Chương trình phát triển đô thị còn chậm; còn thiếu giải pháp huy động nguồn lực trong cải tạo, chỉnh trang tại các khu vực đô thị cũ (về hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc, nhà ở…); việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại tại Thủ đô không đạt mục tiêu đề ra; công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời của một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện đầy đủ... Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cũng góp ý nội dung cụ thể tại Khoản 4 Điều 31 dự thảo Luật quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ một số nguyên tắc.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tuy nhiên, các nguyên tắc trong dự thảo Luật chưa thấy được rõ ràng cơ chế đặc thù mà Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành cho Hà Nội trong quản lý và sử dụng đất. Quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của Dự thảo Luật có nội hàm hẹp hơn quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Điều 61, Điều 62; từ Điều 74 - Điều 94 Luật Đất đai năm 2013.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không chỉ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà còn đối với trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh. Theo pháp luật đất đai hiện hành thì người bị thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không chỉ được bồi thường mà còn được hỗ trợ, tái định cư.

Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 và đảm bảo sự tương thích trong nội dung quy định của khoản 4 Điều 31 dự thảo Luật, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đề nghị đoạn đầu tiên của khoản này nên sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:…”.

Cơ chế đặc thù để Hà Nội có thể chủ động, tự chủ hơn

Cùng quan tâm đến huy động nguồn lực tài chính cho Hà Nội, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhìn nhận, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình”.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

Căn cứ vào quy định này, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách không có mâu thuẫn gì với các quy định của pháp luật hiện hành, mà phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn và điều kiện, tình hình cụ thể của Hà Nội.

Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp này cũng phù hợp với khả năng thực hiện của thành phố Hà Nội. Qua việc chuẩn bị và triển khai dự án đường Vành đai 4 và nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà Thành phố thực hiện với vai trò chủ đầu tư trong thời gian vừa qua đã minh chứng cho năng lực thực hiện của Thành phố.

Vì thế, TS Lê Duy Bình cho rằng, Luật cần đưa ra cơ chế đặc thù để Hà Nội có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách, tăng thẩm quyền cho Thành phố trong lĩnh vực đầu tư để bảo đảm khả năng triển khai các dự án đầu tư, thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm và các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Về tài chính, ngân sách, dự thảo Luật cho phép Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án, công trình trọng điểm... Theo ông Bình, điều này sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn về hạn chế nguồn lực của Thành phố. Tuy nhiên, biện pháp này cần phải được thực hiện song song cùng các biện pháp khác và cơ chế đặc thù khác để huy động hiệu quả nhất nguồn lực cho phát triển Thủ đô.

Với mục tiêu xây dựng một Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, ông Bình cho rằng, Hà Nội cần huy động và triển khai một lượng vốn đầu tư rất lớn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục, thủy lợi, cấp thoát nước.

Ví dụ, Hà Nội cần tới 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh; 888 ngàn tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Đó là chưa tính đến các nguồn vốn cho các dự án xe buýt công cộng, các cầu bắc qua sông Hồng, các công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ khác nữa.

Huy động được nguồn vốn khổng lồ này đã là một khó khăn nhưng việc sử dụng nguồn vốn, giải ngân, thực hiện đúng tiến độ các dự án cũng là thách thức không kém. Vì vậy, cần thiết kế các cơ chế đặc thù vượt trội cho phép thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia nguồn lực để phát triển Thủ đô.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dua-ra-co-che-de-ha-noi-co-the-chu-dong-tu-chu-hon-trong-su-dung-ngan-sach-162706.html