Đưa ra nhiều kịch bản về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị lần thứ 19, các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là về các chỉ tiêu, số liệu phát triển kinh tế.
HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC LĨNH VỰC ĐÃ ĐƯỢC KHƠI THÔNG
Chủ trì hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp cho chủ trương, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh rà soát toàn bộ chỉ tiêu về phát triển KTXH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua, đưa vào chương trình hành động và triển khai thực hiện năm 2021-2022.
Khi Đại hội thông qua nghị quyết và việc dự báo các chỉ tiêu, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) được tính theo phương pháp cũ. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội và các chiến lược về phát triển kinh tế, Chính phủ thay đổi phương pháp, cách tính GRDP.
Bí thư Tỉnh ủy cho biết, khi công bố tại Đại hội, mức tăng trưởng, cũng như mức thu nhập bình quân đầu người của Tây Ninh cao hơn mức trung bình của cả nước.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu Tây Ninh tiếp tục trong giai đoạn đến năm 2025 vẫn duy trì ở mức này. Tuy nhiên, khi Chính phủ công bố lại mức thu nhập bình quân đầu người thì Tây Ninh rơi xuống mức thấp hơn bình quân chung của cả nước, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Phát biểu về tình hình phát triển KTXH, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, hiện nay, tỉnh cơ bản khôi phục trạng thái bình thường mới. Các hoạt động trên các lĩnh vực đã được khơi thông.
Tuy nhiên, việc khôi phục cần có thời gian vì trên thực tế vẫn còn có những khó khăn. Hiện có 251/268 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại, còn 17 doanh nghiệp ngưng hoạt động có khả năng sang nhượng, nguyên nhân do thiếu vốn, thiếu lao động, mất thị trường nên hoạt động cầm chừng.
Đầu tư nước ngoài trong quý giảm, so với cùng kỳ giảm mạnh. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu khôi phục hoạt động nên đầu tư mới chưa nhiều. Giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm, nguyên nhân do thiếu hụt lao động, giá xăng dầu tăng cao, các nhà đầu tư khó khăn, triển khai cầm chừng, một số dự án chưa được giao mặt bằng đúng tiến độ, một số chủ đầu tư còn lúng túng trong quá trình giải ngân vốn (hiện tại cao nhất trên 8%, có đơn vị chỉ 1%, có đơn vị chưa triển khai), công tác kiểm tra giám sát chưa kịp thời nên chưa gỡ được vướng mắc, tỉnh chưa kiên quyết xử lý các chủ đầu tư triển khai chậm.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, giải pháp của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án giao thông; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản; thu hồi các dự án triển khai chậm; tăng cường công tác kiểm tra giám sát triển khai vốn; tăng cường thu ngân sách. Đồng thời giải quyết các điểm nghẽn như thủ tục đầu tư, thu hút nguồn nhân lực, tăng cường hoạt động công vụ.
ĐÁNH GIÁ LẠI QUY MÔ GRDP VÀ GDP CẢ NƯỚC
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Ngọc Phương cho biết, Sở có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu hướng dẫn địa phương tính toán các chỉ tiêu phát triển KTXH với nội dung: căn cứ Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ, đơn vị đã phối hợp với Cục Thống kê tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 2025), GRDP tăng bình quân hằng năm 7,5% trở lên và GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 4.500 USD/người (năm 2020 là 3.147 USD/người).
Trong khi đó, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10, từ ngày 20.10 đến 17.11.2020 thì tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm 6,5% - 7% và GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 4.500 - 5.000 USD/người (năm 2020 là 2.750 USD/người). Từ năm 2021, cả nước thực hiện đánh giá lại quy mô GDP (chỉ áp dụng cho quy mô GDP cả nước), "trên cơ sở đánh giá quy mô GDP bình quân của Việt Nam tăng thêm là 25,4%/năm".
Như vậy, việc đánh giá lại quy mô GDIP có phải là nguyên nhân dẫn đến GDP bình quân đầu người cả nước theo kế hoạch năm 2021 đạt 3.700 USD/người hay không (năm 2021 tăng 950 USD so với năm 2020 trong khi 5 năm 2016-2020 chỉ tăng 548 USD)?
Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trả lời: “Trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp lần thứ 10, mục tiêu tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt từ 6,5% - 7% và GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 4.500 - 5.000 USD/người là kết quả ước tính dựa trên “GDP quy mô mới”; trong khi số liệu GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD/người là kết quả ước tính dựa trên “GDP quy mô cũ”. GDP bình quân đầu người theo kế hoạch năm 2021 đạt 3.700 USD/người (ước tính dựa trên GDP quy mô mới) chênh lệch 950 USD so với số liệu GDP bình quân đầu người năm 2020 tính theo quy mô cũ (2.750 USD) nhưng chỉ chênh lệch khoảng 200 USD so với GDP bình quân đầu người năm 2020 tính theo quy mô mới”. “Số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố kể từ năm 2010 đã đánh giá đúng hiện trạng, quy mô, xu hướng phát triển kinh tế từng tỉnh, thành phố và tương thích với GDP quy mô mới”.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 15.6.2021, Cục Thống kê tỉnh có văn bản xin ý kiến và được Tổng cục Thống kê trả lời: “Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt từ 4.500 USD/người trở lên và tăng trưởng GRDP bình quân 7,5% tương đương với mức GDP bình quân đầu người cả nước là 4.500 - 5.000 USD/người và tăng trưởng GDP bình quân 7%. Trong điều kiện kinh tế bình thường như giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu này hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể đạt mức cao hơn. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GRDP hình quân đầu người tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 có thể đạt từ 4.500 - 4.800 USD/người. Tuy nhiên, cú sốc kinh tế từ đại dịch Covid-19 đã tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, thói quen tiêu dùng dẫn đến cấu trúc kinh tế, cấu trúc tiêu dùng củạ cả nước và các địa phương cũng dần thay đổi để thích nghi với bối cảnh kinh tế mới. Do đó, mọi dự báo, mục tiêu, kịch bản kinh tế đã đặt ra có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhưng không bỏ bởi cú sốc kinh tế này”.
Ông Trịnh Ngọc Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Sở cũng đã phối hợp Cục Thống kê dự báo các kịch bản tăng trưởng GRDP giai đoạn 2022 - 2025 và tính toán GRDP bình quân đầu người như sau: kịch bản bản 1, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7 – 7,5%/năm, GRDP bình quân đầu người từ 4.400 – 4.600 USD; kịch bản 2 tăng trưởng GRDP từ 6,5 – 7%/năm, GRDP bình quân đầu người từ 4.300 – 4.400 USD; kịch bản 3 tăng trưởng GRDP từ 5,5 – 6,5%/năm, GRDP bình quân đầu người từ 4.100 – 4.300 USD.
GIẢI TRÌNH VỀ “SỐ GDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI CẢ NƯỚC CAO HƠN TÂY NINH”
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê công bố năm 2021, sau khi đánh giá lại, hiện nay thứ hạng của Tây Ninh như sau: Thứ hạng về quy mô GRDP (giá hiện hành): 26/63 tỉnh, thành; thứ hạng về tốc độ tăng GRDP: 53/63; thứ hạng về GRDP bình quân đầu người: 17/63.
Ông Phương cũng cho biết, thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” theo Quyết định 715/QĐ-TTg ngày 22.5.2015 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP của cả nước từ năm 2021. Cụ thể năm 2021, GDP bình quân đầu người cả nước đạt 85,26 triệu đồng/người thì Tây Ninh đạt 76,5 triệu đồng/người.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 13/63 tỉnh, thành cao hơn so với bình quân chung cả nước. Nếu so với các tỉnh, thành trong cả nước thì Tây Ninh xếp hạng 17/63 tỉnh, thành. Không chỉ có Tây Ninh, một số tỉnh khác như Long An, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình... từ mức GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung cả nước, sau khi Tổng cục Thống kê đánh giá lại thì đến nay chỉ tiêu này đã thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh điều chỉnh 1 chỉ tiêu và bổ sung 4 chỉ tiêu chủ yếu để phát triển KTXH. Như vậy, giai đoạn 2021–2025, Tây Ninh đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu và cả nước đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu. Theo Giám đốc Trịnh Ngọc Phương, hiện nay, đối với cấp tỉnh chỉ có thể tính toán được đối với 23 chỉ tiêu chủ yếu như trên. Riêng đối với 2 chỉ tiêu: Tỷ trọng kinh tế số trong GDP và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng thì cấp tỉnh không tính toán được.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Quyết định số 288/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao địa phương xây dựng Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm cấp huyện. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành lấy ý kiến toàn dân trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã”. Sau khi ban hành hệ thống chỉ tiêu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển KTXH cấp huyện và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện và sẽ tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các chỉ tiêu KTXH trên địa bàn tỉnh cho phù hợp.