Đưa rượu vào đề thi Ngữ văn lớp 10 chuyên Hà Tĩnh: Nhiều ý kiến bàn luận
Những ngày qua, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh đang nhận được nhiều ý kiến bàn luận khác nhau.
Đề thi gồm 2 câu, được thiết kế theo thang điểm 10 với thời gian làm bài 150 phút.
Câu 1 là phần nghị luận xã hội, có thang điểm tối đa 4 điểm. Đề thi dẫn lại câu chuyện “Bánh mì cháy” và yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về lời nói của nhân vật người cha trong câu chuyện: “Học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ”.
Câu 2 là phần nghị luận văn học, có thang điểm tối đa 10 điểm. Đề thi dẫn ngữ liệu là 4 câu thơ được trích trong bài “Nghĩ về thơ” của nhà thơ Vương Trọng (Báo Gia Lai):
“Là rượu, không phải cơm, ai đó nói về thơ
Muốn là rượu phải có gạo, ngô…. và men cây, men lá
Không có rượu cất lên từ nước lã
Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ”.
Từ ngữ liệu trích dẫn, đề thi yêu cầu bằng hiểu biết và trải nghiệm về thơ, học sinh hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Ngay khi đề thi được công khai, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng đây là đề thi hay và sâu sắc, phù hợp với đánh giá học sinh chuyên. Đề thi vừa nâng cao khả năng sáng tạo của học sinh vừa có ý nghĩa giáo dục con người.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại và không đồng tình, cho rằng đưa hình ảnh rượu vào đề thi (ở câu thứ 2) không phù hợp với lứa tuổi học sinh bậc trung học cơ sở.
Đề thi đúng tính chất chọn lựa học sinh giỏi
Cùng bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hồ Ái Linh (giáo viên luyện thi đại học) cho rằng cách đánh giá như trên là “quá phiến diện”.
Bởi theo cô Linh, hình ảnh “rượu” trong thơ ca đối với thi chuyên là chuyện hết sức bình thường. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc thường được nhiều nhà thơ như Hồ Xuân Hương, Lý Bạch,… sử dụng.
“Cái hay của đề này đó là đã nêu được tính triết lí của văn học, quan niệm về bản chất và giá trị của thơ ca. Đặc biệt, quá trình sáng tạo của mỗi tác giả là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt nguồn từ hiện thực, chiêm nghiệm, cảm xúc, chứ không phải từ một suy nghĩ trống rỗng…”, cô Linh phân tích, và nhấn mạnh, để viết được điều này đòi hỏi học sinh phải có góc nhìn đa chiều và hiểu được bản chất của quá trình sáng tác.
“Điều này phản ánh đúng tính chất của đề lựa chọn học sinh giỏi”, cô Hồ Ái Linh bày tỏ.
Đồng quan điểm, thầy giáo Phan Thế Hoài - Giáo viên môn Ngữ văn (Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, quan điểm đưa hình ảnh "rượu" vào đề thi không phù hợp với lứa tuổi học sinh bậc trung học cơ sở là quy chụp và không có cơ sở.
“Là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông, tôi cho rằng, ý kiến này là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi vì, theo khoa học, muốn có rượu thì phải có gạo, ngô.. và men. Tương tự, muốn có thơ và thơ hay thì đòi hỏi nhà thơ phải có cảm xúc.
Ở đây nhà thơ Vương Trọng muốn miêu tả quá trình làm ra rượu cũng giống như nhà thơ sáng tạo ra một tác phẩm văn học. Men rượu cũng giống như men tình - chất xúc tác giúp nghệ sĩ thăng hoa. Nếu không có cảm xúc trước thiên nhiên, con người, cuộc sống,… nhà thơ chỉ có thể viết ra những câu thơ vô hồn, vô cảm và nhanh chóng bị độc giả lãng quên”, thầy Hoài phân tích.
Chia sẻ thêm, thầy Hoài cho biết, quan điểm của nhà thơ Vương Trọng “Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ” thực ra không có gì xa lạ. Bàn về vai trò quan trọng của tình cảm trong thơ, nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng cho rằng: “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”. Còn Ngô Thì Nhậm nhấn mạnh “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”.
“Nhìn chung, thơ ca sinh ra từ tâm hồn, từ trong lòng người ta, và trở lại làm cho con người ngạc nhiên vì nó. Trong quá trình sáng tạo thơ, rung động và cảm xúc là điểm tựa. Có thể nhận thấy, câu nghị luận văn học trong đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh, không nặng về kiến thức lí luận văn học. Đề thi này hay, có tính phân hóa cao, tuy không làm khó thí sinh chuyên nhưng sẽ tuyển được những học sinh có năng khiếu văn chương vào học lớp chuyên Văn”, thầy Hoài đánh giá.
Tuy vậy, thầy Phan Thế Hoài cho rằng: “Tác phẩm "Nghĩ về thơ" cũng chưa xứng tầm là một đoạn thơ hay hoặc một tuyên ngôn về thơ mang tầm lý luận. Người ra đề thi có thể chọn những câu nói phù hợp với nhận thức và tâm lý lứa tuổi của học sinh tuổi 15 thì sẽ hay hơn”.
“Một sự mập mờ và khó hiểu” với học trò lớp 9?
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Phúc), một giáo viên Ngữ văn từng có nhiều năm tham gia làm đề thi cho rằng, câu thứ 2 của đề vẫn là “một sự mập mờ và khó hiểu” với học trò lớp 9.
Cụ thể theo thầy Lự, câu thứ 2 của đề thi bàn về thơ, thơ phải là cảm xúc có thật của thi sĩ trước cuộc sống mới làm say, mới hay và sống được trong lòng bạn đọc. Đoạn thơ của nhà thơ Vương Trọng, “Nghĩ về thơ” dùng ẩn dụ để gợi ra vấn đề bàn luận, với người trưởng thành ít nhiều biết đến rượu thì hoàn toàn nghĩa lý. Nhưng với các trò tuổi 15, thầy Lự cho rằng dù có năng khiếu văn chương, dù luyện nhiều đề, đọc nhiều sách “vẫn là một sự mập mờ và khó hiểu”.
“Phải nói rằng, các lò luyện thi đã trang bị khá nhiều tri thức về lí luận văn học cho sĩ tử, cho nên đề hỏi kiểu gì các em cũng làm được hàng chục trang, dù chả biết đúng hay sai. Tôi cho rằng chỉ rất ít thí sinh hiểu được một phần ý hiểu như một số nhà giáo đã đồng tình với đề thi. Đa phần thí sinh sẽ bàn loanh quanh về vấn đề khác”, thầy Lự nêu quan điểm.
Theo thầy Lự, đoạn thơ chỉ là cái cớ, cái gợi ý, giống như đề Ngữ văn thường có 2 yêu cầu “hiểu ý kiến thế nào, và làm sáng tỏ ý kiến”. Nhưng hiểu đúng 4 dòng thơ thì các em học trò 15 tuổi, sáng - trưa - tối ở lớp học “chắc là không”.
Hai dòng thơ đầu gợi hiểu nguyên liệu của rượu để liên tưởng đến chất liệu, cảm xúc từ cuộc sống - nguyên liệu của thơ; hai dòng thơ sau gợi liên tưởng đến cảm xúc, rung động của thi nhân - giá trị của thơ. Đoạn thơ của đề thi khẳng định phải có rung cảm thật thì thi sĩ mới có thơ đạt đến độ làm “say mê đắm” người đọc, đến đỉnh cao giá trị nội dung và nghệ thuật. Đương nhiên, ngược lại sự “trống rỗng- nước lã” vẫn có thể làm được thơ nhưng đó là rượu - thơ nhạt nhẽo, người ta say lơ tơ mơ chút rồi quên ngay.
“Theo tôi, học sinh lớp 9 chưa thể hiểu được tình ý sâu xa từ hình ảnh ẩn dụ thơ - rượu, men rượu, và giá trị của rượu - giá trị của thơ. Và vì thế, tôi thiển nghĩ, thí sinh sẽ bàn nhiều về chất liệu làm nên thơ hay bắt đầu từ cảm xúc, rung động của thi nhân mà sẽ thiếu sự “say”- giá trị nội dung và hình thức của thơ hay, thơ tinh diệu - tinh túy của rượu ngon”, thầy Lự nêu nhận định.
Nhấn mạnh thêm, từ trải nghiệm từng tham gia làm đề chính thức cấp tỉnh của mình, thầy Nguyễn Văn Lự cho rằng, làm được đề mới lạ và hay là bản lĩnh của người thầy uyên thâm, nhưng để phù hợp và tránh được càng nhiều khoảng trống càng tốt.
Từ đó, thầy Lự đề xuất hướng ra đề để tránh khỏi giới hạn hiểu biết của lứa tuổi như sau:
“Khi bàn về cảm xúc của thơ, có ý kiến viết: (trích dẫn đoạn thơ).
Bằng hiểu biết và trải nghiệm về thơ, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên”.
Theo số liệu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, có 1.150 thí sinh đăng ký thi vào Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh là 455 chỉ tiêu. Một số môn có tỷ lệ chọi khá cao như: Hóa 1:3,2; Lý 1:3; Sinh 1:2,8; Toán 1:2,7...