Đưa sách đến gần hơn với bạn đọc
Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có những nỗ lực để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc. Sự nỗ lực ấy cùng những đổi mới không ngừng của Thư viện tỉnh đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng. Liên quan đến chủ đề này, phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với ông HỒ NGỌC THIÊN, Giám đốc Thư viện tỉnh.
- Hiện nay, trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu những sân chơi an toàn, lành mạnh vào dịp hè về. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các em nhỏ càng “khát” sân chơi hơn. Với mong muốn mang niềm vui đến với em thơ, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Hội đồng Đội tỉnh tổ chức chương trình “Vui hè cùng sách” dưới hình thức thư viện sách lưu động. Chương trình diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8/2021 ở 9 huyện, thị xã, thành phố với tổng cộng 36 điểm phục vụ. Tại mỗi điểm, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động như: Tuyên truyền những kiến thức cơ bản về văn hóa đọc sách; trang bị kỹ năng đọc sách hiệu quả cho các em nhỏ; giới thiệu những cuốn sách hay, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi thiếu nhi… Trong khuôn khổ hoạt động, Thư viện tỉnh luôn tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống COVID-19 để đảm bảo an toàn cho các độc giả nhí.
- Qua hoạt động trên, có thể thấy sự đổi mới của Thư viện tỉnh trong việc tiếp cận độc giả. Xuất phát từ đâu mà đơn vị lại quyết định đưa sách đến thay vì chỉ có duy nhất một kênh là chờ đợi độc giả tới thư viện như trước kia, thưa ông?
- Trước đây, đại đa số các thư viện chỉ tổ chức trưng bày sách tại chỗ và ngồi chờ độc giả tìm đến. Đó là cách phục vụ truyền thống, dẫn đến sự kém hiệu quả về hoạt động của các thư viện. Tình trạng vắng độc giả ở thư viện từ đây xảy ra như một hệ quả tất yếu.
Nhìn nhận rõ thực tế ấy, với phương châm “Sách đi tìm người”, chúng tôi đã mở đường cho hành trình đưa sách đến với bạn đọc, phục vụ nhiều nhóm độc giả từ người lớn đến trẻ em; từ miền xuôi đến miền ngược; từ các nhà học tập cộng đồng đến đồn biên phòng… Thậm chí, hành trình của chúng tôi còn tới với những người đang ở trại tạm giam. Thay vì phải đến thư viện, độc giả được tìm hiểu kiến thức, có những phút giây thư giãn cùng sách trong một không gian mở tại sân trường, khu phố, cơ quan, đơn vị… với nhiều thể loại sách phù hợp sở thích, lứa tuổi.
-Ông có thể cho biết thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có những hoạt động gì để đưa sách đến gần hơn với bạn đọc?
- Hiện nay, sách báo thực sự trở thành nhu cầu thường xuyên của nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong những năm qua, Thư viện tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm xây dựng phong trào đọc sách trong Nhân dân. Ngoài hoạt động phục vụ đọc, mượn tại chỗ, Thư viện tỉnh còn có các hoạt động như: Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề; tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; luân chuyển sách báo đến cơ sở; khởi động chuyến xe “Hành trình ánh sáng tri thức” đến vùng sâu, vùng xa... Bằng những hoạt động hướng tới cộng đồng, Thư viện tỉnh đã góp phần giúp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ vững quốc phòng- an ninh.
- Những nỗ lực ấy đã mang lại kết quả gì, thưa ông?
- Được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, với nỗ lực đổi mới không ngừng, Thư viện tỉnh đã gặt hái những kết quả đáng mừng. Hầu hết các hoạt động mà Thư viện tỉnh tổ chức đều nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo bạn đọc và người dân trên địa bàn. Các cuộc thi như: “Tuyên truyền giới thiệu sách”, “Đại sứ văn hóa đọc”… thu hút hàng trăm nghìn bài dự thi đạt chất lượng cao. Sau gần 2 năm triển khai, trong điều kiện khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, chuyến xe “Hành trình ánh sáng tri thức” của chúng tôi vẫn đi đến được hơn 150 điểm phục vụ, đem tri thức đến với mọi người dân. Thư viện tỉnh tổ chức thành công nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm nhân dịp tết cổ truyền và các ngày lễ lớn của dân tộc. Các hoạt động phong phú, mới mẻ, giàu sáng tạo kể trên cùng với sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ Thư viện tỉnh đã giúp bạn đọc đến gần với chúng tôi hơn. Ngày càng có nhiều người đến Thư viện tỉnh với sự đam mê, yêu thích. Đó là là động lực để chúng tôi hoàn thành tốt vai trò là cầu nối giữa sách với độc giả.
- Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, theo ông Thư viện tỉnh đã và đang đối diện với những khó khăn, thử thách gì?
- Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, cũng như các thư viện khác, Thư viện tỉnh đang đối diện với không ít những khó khăn, thử thách. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ đã và đang làm phong phú tài liệu đọc, từ tài liệu giấy đã phát triển sang tài liệu điện tử; từ đọc sách nay sang đọc trên máy tính và có thể đọc ở bất cứ đâu miễn là nơi đó có mạng Internet. Văn hóa nghe, nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Từ đây, một bộ phận rất đông người dân, đặc biệt lớp trẻ đang mất dần thói quen đọc sách báo. Đó cũng chính là lý do khiến thư viện mất dần vị trí trong lòng độc giả.
Trước thực tế ấy, những người làm công tác thư viện chúng tôi xác định, điều cần thiết là biến thách thức thành cơ hội hành động. Đã đến lúc vai trò người cán bộ thư viện phải thay đổi từ “thụ động” sang “chủ động”. Chúng tôi không thể chỉ làm công việc tổ chức, quản lý sách, báo mà còn phải tư vấn cho bạn đọc những địa chỉ cần tra tìm trên mạng. Để làm tốt việc này, kiến thức tin học của cán bộ thư viện phải giỏi. Hơn lúc nào hết, cán bộ thư viện phải làm tốt công việc tuyên truyền, cổ vũ cho việc đọc sách báo truyền thống và hiện đại trong Nhân dân.
- Vậy, Thư viện tỉnh đã có những kế hoạch, dự định gì để vượt qua khó khăn, thử thách và giúp người dân yêu thêm trang sách?
- Hiện nay, Thư viện tỉnh đang tập trung toàn lực để hoàn thiện dự án “Thư viện số”. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ là 1 kênh mới để bạn đọc tiếp cận gần với nguồn tài liệu của chúng tôi hơn. Bạn đọc có thể ở nhà đăng ký thẻ, đọc trực tuyến, mượn online thông qua hệ thống dịch vụ công, phát tại nhà… Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng thói quen đọc sách lành mạnh cho độc giả thuộc nhiều thành phần trong xã hội thông qua nhiều hình thức như: “Tuần đọc sách”, “Tháng đọc sách”, hội thi kể truyện theo sách… Thư viện tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển văn hóa đọc” của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi cũng sẽ tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về xây dựng, triển khai chương trình giáo dục kỹ năng đọc, xây dựng thói quen đọc như một môn học bắt buộc cho học sinh ngay từ cấp học mầm non đến tiểu học, trung học một cách có hệ thống. Việc đẩy mạnh hình thức phục vụ bạn đọc trong và ngoài thư viện sẽ tiếp tục được quan tâm. Chúng tôi rất mong muốn cấp trên sẽ tiến hành tổng điều tra văn hóa đọc trên quy mô toàn tỉnh định kỳ 10 năm một lần nhằm đánh giá đúng thực trạng đọc sách hiện nay để có những định hướng đúng đắn trong phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
Tây Long (thực hiện)