Đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối còn gặp khó
Thời gian qua, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tốt.
Tuy nhiên, phản ánh của một số doanh nghiệp cho thấy, việc đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối vẫn gặp khó khăn.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương (Bắc Kạn) đã có những chia sẻ từ thực tế hợp tác xã của mình về công tác đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào hệ thống phân phối hiện nay.
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương, Hợp tác xã Yến Dương hiện đã có 430 hộ liên kết sản xuất và bao tiêu hiệu quả nhiều sản phẩm đặc sản cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn. Xin bà chia sẻ với độc giả về mô hình triển khai cũng như một số kết quả của hoạt động này?
Hợp tác xã Yến Dương đã hình thành chuỗi liên kết, từ khâu tổ chức đến gắn kết tập thể, giải quyết vấn đề về môi trường, chất lượng và xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm bí xanh thơm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Là một người con của quê hương Ba Bể, ở đó có rất nhiều đặc sản, trong đó miến dong, gừng, nghệ, lúa gạo… là những đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt, quả bí thơm đã có từ xa xưa và chưa ra khỏi bản bao giờ. Nhưng đến nay, khi nhắc đến bí thơm là nhắc đến Bắc Kạn và giá trị của nó đã được tăng lên rất nhiều. Kết quả đó có được nhờ việc kết nối và liên kết sản xuất với hợp tác xã.
Tại Hợp tác xã Yến Dương, việc liên kết sản xuất theo chuỗi từ mô hình hợp tác xã, hoạt động đầu tiên chính là khâu tổ chức. Được thành lập từ năm 2018, khi đó mới có 7 thành viên và 76 hộ liên kết, với quy mô nhỏ lẻ, tuy nhiên qua 5 năm hoạt động, số hộ liên kết của hợp tác xã từ 76 hộ dân đã lên đến 430 hộ. Số hộ là thành viên chính thức cũng tăng từ 7 lên đến 20 thành viên chính thức.
Bên cạnh đó là vai trò kinh tế tập thể hợp tác xã trong kết nối, gắn kết. Hiện nay, hợp tác xã đã kết nối được nguồn chính sách của Nhà nước và các chương trình, tổ chức khác, mang đến cho những hộ dân có thêm hỗ trợ chính sách, từ vật tư đầu vào như phân bón, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ. Đặc biệt hơn, từ những chương trình, chính sách của Nhà nước và nước ngoài đã có những nguồn vay vốn quay vòng để sản xuất, từ đó duy trì kết nối và hợp tác, liên kết hợp đồng với hợp tác xã khiến bà con tin tưởng…
Ngoài ra là vấn đề xúc tiến thương mại. Với sự hỗ trợ của các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã xây dựng và tạo ra nhiều sự kiện. Thông qua đó chúng tôi được kết nối, làm việc và gặp gỡ đối tác, các nhà bán lẻ, siêu thị... từ đó bà con cũng được tiếp cận, hợp tác xã được tiếp cận. Kết quả đến hiện nay, sản phẩm của chúng tôi luôn tiêu thụ thành công theo kế hoạch đã đề ra của hợp tác xã…
Những hoạt động này đã đem lại thành công như thế nào trong việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm của bà con tại các hệ thống phân phối hiện đại, thưa bà?
Nhờ đa dạng hóa các sản phẩm tiêu thụ tại hệ thống phân phối đã giúp xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tôi muốn chia sẻ riêng về quả bí thơm, chúng tôi bán quả bí thơm khi chưa có khoa học công nghệ, chưa có tư duy kinh tế cũng như tìm hiểu, tìm tòi và phát triển về khoa học... nên thu nhập từ doanh nghiệp đến địa phương, bà con đều thấp. Nhưng từ khi phát triển chế biến sâu sản phẩm bí thơm đã giúp nâng cao giá trị kinh tế cũng như ổn định đời sống cho bà con.
Hiện nay, quả bí thơm đã chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị, như trà bí thơm. Năm 2022, Hợp tác xã Yến Dương đã kết hợp nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh để phát triển và chế biến ra sản phẩm trà bí thơm.
Sau 2 năm ra thị trường, hiện nay sản phẩm trà bí thơm của chúng tôi luôn được người tiêu dùng cũng như đối tác ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường thì mẫu mã bao bì luôn thay đổi, đặc biệt là chất lượng đạt OCOP 4 sao, đạt hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS và chuyển đổi của VietGAP. Sự thay đổi mẫu mã, bao bì và nâng cao chất lượng đã giúp sản phẩm bán được nhiều hơn, điều này đồng nghĩa với việc thu nhập, kinh tế của bà con ngày càng được nâng cao hơn.
Hiện các sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua Hợp tác xã Yên Dương đã được tiêu thụ ở các kênh phân phối hiện đại nào? Trong quá trình mở rộng tiêu thụ hợp tác xã đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, giải pháp để vượt qua khó khăn, thưa bà?
Mặc dù đã đưa được sản phẩm bí xanh thơm vào các hệ thống phân phối nhưng hợp tác xã vẫn gặp phải một vài khó khăn, như: Không được trực tiếp ký kết hợp đồng; vấn đề về vận chuyển logistics và kho bãi; số lượng còn ít, chưa thực sự đem lại lợi ích kinh tế cho bà con…
Để thúc đẩy tiêu thụ, Hợp tác xã Yến Dương đã tham gia nhiều hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để tiếp cận, kết nối với các chuỗi thực phẩm sạch, siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ là một hợp tác xã nhỏ, sản lượng sản xuất và tiêu thụ chưa theo được kế hoạch của cấp huyện, cấp tỉnh đề ra mà chỉ là hợp tác xã tự đề ra.
Ngoài ra, hợp tác xã chúng tôi dù đã đưa được sản phẩm vào siêu thị nhưng lại không được trực tiếp ký kết hợp đồng, chỉ thông qua một số đối tác để đưa sản phẩm vào Big C, WinMart, MM Mega Market.
Tôi mong các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại sẽ có những chính sách hỗ trợ hợp tác xã, làm sao để bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tiếp cận được, như chính sách về hàng hóa, tài chính, công nợ… giúp bà con được thuận lợi trong quá trình giao nhận hàng hóa.
Đặc biệt về logistics, vận chuyển và kho bãi của hợp tác xã cũng là một vấn đề rất khó khăn. Vì quả bí thơm của chúng tôi khi đi bán không phải 1-2 quả mà là cả nghìn quả, tính theo tấn. Như vậy việc thuê xe hay kho bãi để lưu lại chờ mang hàng lên kệ cũng khá tốn kém.
Tôi cũng phải chia sẻ thêm, sản phẩm của Hợp tác xã Yến Dương đã vào các hệ thống chuỗi thực phẩm sạch như: Sói Biển, Bác Tôm, Big Green, nhưng số lượng hàng còn quá nhỏ, chưa đủ để hợp tác xã tiếp cận và mang lại giá trị nhiều cho bà con. Mặc dù đã tiêu thụ thành công nhưng quá trình tiêu thụ kéo dài, dẫn đến hạn chế về vấn đề hàng tồn.
Thời gian tới, Hợp tác xã Yến Dương có định hướng gì nhằm mở rộng kênh tiêu thụ qua hệ thống phân phối hiện đại, thưa bà?
Từ những khó khăn của hợp tác xã như là mùa vụ, nguồn lực tài chính, nguồn lực nhân lực, quy mô diện tích… để hỗ trợ bà con mở rộng kênh tiêu thụ này, hợp tác xã mong muốn được tiếp cận gần hơn với những chính sách phát triển trong thời gian tới.
Thời gian tới, Hợp tác xã Yến Dương tiếp tục duy trì về chất lượng thương hiệu cũng như diện tích. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để bà con có thể tự mở cửa, đón khách và tự bán hàng. Như vậy, giá trị sản phẩm mang lại sẽ cao hơn.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ mở rộng và tăng cường nguồn nhân lực. Hiện tại, thành viên của hợp tác xã chủ yếu là người già, người dân tộc thiểu số. Rào cản lớn nhất về ngôn ngữ cũng như việc sử dụng công nghệ thông tin. Ở Hà Nội hay những thành phố, việc sử dụng công nghệ thông tin rất thông thạo nhưng bà con ở vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi mà cập nhật nhật ký điện tử lên hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng còn gặp khó khăn.
Đồng thời, tích cực tham gia nhiều hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và của Sở Công Thương, tham gia hội chợ kết nối, hội nghị để làm sao hợp tác xã cũng như bà con có thể tiếp cận, nâng cao năng lực và kết nối nhiều hơn nữa theo nhu cầu.