Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu
Lần đầu tiên tại Mekong Connect, Ban tổ chức tổ chức chương trình tư vấn các vấn đề khi xuất khẩu nông sản và kết nối online và offline giữa các doanh nghiệp ĐBSCL với các nhà mua hàng quốc tế.
Ngày 15/12, tại Đồng Tháp, diễn ra họp báo thông tin về Mekong Connect 2020 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) tổ chức.
Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ chính thức khai mạc ngày 21/12/2020 tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Đồng Tháp và là lần thứ 5 Mekong Connect được tổ chức ở ĐBSCL. Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 700 doanh nhân, nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, các nhà quản lý nhà nước 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), các startup trong nông nghiệp, các chuyên gia trong ngoài nước.
Diễn đàn năm nay diễn ra trong một bối cảnh ĐBSCL đứng trước những thách thức mới bên cạnh những cái khó bao lâu nay của vùng đồng bằng như hạn mặn, ô nhiễm, không còn phù sa và nhiều sản vật, nạn biến đổi khí hậu, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng diễn đàn sẽ góp phần tạo niềm tin, sự lạc quan trong bối cảnh đại dịch COVID -19, đồng thời ĐBSCL tự tin đưa sản phẩm của vùng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong phiên khai mạc, các diễn giả của Mekong Connect 2020 sẽ cùng điểm lại những nét lớn của kinh tế đồng bằng, sức mạnh liên kết vùng trong phát triển, hiệp định tự do thương mại châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và định hướng phát triển của đồng bằng, và đầu tư cho nguồn năng lượng mới để tạo chuyển biến cho kinh tế ĐBSCL.
Trong phiên thảo luận chính, các diễn giả bàn về những giải pháp lớn cho năm 2021 và sắp tới: thực hiện kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ để xây dựng nông nghiệp bền vững và hiệu quả, chọn đối tác đầu tư để phát huy các nguồn lực của đồng bằng, trong đó rất quan trọng là nguồn năng lượng sạch và giải pháp nào để tận dụng các hiệp định thương mại tự do quan trọng để doanh nghiệp ĐBSCL bước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng Thời, 4 tỉnh ABCD Mekong có 4 phiên thảo luận nhóm riêng tập trung các góc nhìn khác nhau của chủ đề chính, cũng là vấn đề của kinh tế địa phương.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, lần đầu tiên tại Mekong Connect, tổ chức chương trình tư vấn các vấn đề khi xuất khẩu nông sản và kết nối online và offline giữa các doanh nghiệp ĐBSCL với các nhà mua hàng quốc tế từ các thị trường như Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Cuba, Trung Đông, Úc…
Theo bà Vũ Kim Hạnh, thời gian qua các tỉnh ABCD Mekong đã chú trọng hướng phát triển tài nguyên bản địa, hỗ trợ nâng cao nâng cao năng lực doanh nghiệp đồng bằng, sự chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp, từ sản lượng sang chất lượng, từ sản phẩm sang giá trị, từ nền nông nghiệp phụ thuộc hóa chất sang thân thiện môi trường, và đặc biệt nhất là từ lập nghiệp theo kinh nghiệm sang khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo.
Ban đầu, chỉ có Đồng Tháp và Bến Tre hoạch định chương trình kích hoạt ý thức khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, hiện nay không chỉ 4 tỉnh, thành trong mạng lưới ABCD Mekong mà nhiều nơi trong cả nước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo.