Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ngày 21-12, tại Đồng Tháp đã khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề 'Đưa sản phẩm, dịch vụ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào chuỗi giá trị toàn cầu', do mạng lưới liên kết của các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP Cần Thơ (gọi tắt là ABCD Mekong) phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu ở gian trưng bày tại diễn đàn.

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu ở gian trưng bày tại diễn đàn.

Ngày 21-12, tại Đồng Tháp đã khai mạc Diễn đàn Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm, dịch vụ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào chuỗi giá trị toàn cầu”, do mạng lưới liên kết của các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP Cần Thơ (gọi tắt là ABCD Mekong) phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện.

Dự Diễn đàn có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; lãnh đạo các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và TP Cần Thơ cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Đại biểu dự diễn đàn đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề như: hội nhập và phát triển bền vững với kinh tế tuần hoàn; tận dụng các Hiệp định thương mại tự do bước vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi để phát triển nông nghiệp đồng bằng theo hướng bền vững và hiệu quả; xu hướng mới chọn lọc nhà đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của đồng bằng.

Mỗi tỉnh thành ABCD Mekong cũng đã thảo luận theo nhóm về công nghiệp hóa sản xuất kinh doanh nông nghiệp - góc nhìn từ OCOP; xây dựng và phát triển địa phương gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; quy hoạch và phát triển nguồn lực mới ở vùng ĐBSCL; chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các tỉnh, thành phố trong khu vực cần chọn thứ tự ưu tiên trong phát triển hạ tầng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu, huy động thêm các nguồn lực xã hội; đồng thời quan tâm giải quyết nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực. Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cùng chung tay kiến nghị Trung ương đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối đồng bộ với nhau và với trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh, đồng thời kiến nghị Trung ương xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển miền tây, thành lập Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu quốc tế đặt tại ĐBSCL.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chia sẻ về Hiệp định EVFTA và định hướng phát triển ĐBSCL, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã có những chia sẻ chuyên đề Đầu tư cho “nguồn năng lượng sạch” để thay đổi kinh tế đồng bằng.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khẳng định: Diễn đàn nhằm tìm ra giải pháp để hàng Việt Nam không chỉ chinh phục người Việt Nam mà còn chinh phục được thị trường quốc tế. Trước mắt là các tỉnh ABCD muốn phát triển thì sản phẩm, dịch vụ của vùng không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mà còn phải hướng vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong thời kỳ công nghệ phát triển và thế giới phẳng như hiện nay.

Theo các đại biểu, diễn đàn năm nay có nhiều đổi mới, tạo cơ hội để kết nối giao thương giữa nhà sản xuất, nhà tư vấn và nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, có kết nối trực tuyến với các đầu mối quốc tế với nhiều ký kết hợp tác mới, sớm đưa nhiều sản phẩm dịch vụ của ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng khu vực ĐBSCL.

Dịp này, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã trao Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho 13 doanh nghiệp; Trung tâm BSA ký kết phối hợp trưng bày và kết nối thương mại các sản phẩm với các tỉnh, thành phố ABCD - Mekong và chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

HỮU NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/dua-san-pham-dich-vu-dbscl-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau-628936/