Đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến với người tiêu dùng
Trong những năm qua, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, chú trọng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp của huyện một cách bền vững.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thế mạnh để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn khẩn trương vận động thành lập Hội quán nhằm tổ chức sinh hoạt liên kết những người dân tại địa phương, thực hiện kết nối sản xuất, kinh doanh, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 3 hội quán gồm: Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh, sản phẩm cây ăn quả Ngọk Wang, Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh, sản phẩm OCOP Hà Mòn và Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê Đăk Hà.
Các hội quán ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; có không gian để sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản; tham gia xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa loại hình tập hợp nhân dân, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng.
Tháng 10 vừa qua, huyện Đăk Hà đã tổ chức Phiên chợ nông nghiệp sạch, với quy mô trên 30 gian hàng của các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện và một số gian hàng đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn huyện cũng như du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Loan, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, chia sẻ, ban đầu, khi đến với phiên chợ, chị cũng như một số người, băn khoăn, e ngại về chất lượng sản phẩm. Thế nhưng khi đến với phiên chợ thì hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Các sản phẩm được bày bán tại phiên chợ đều rất tươi, ngon, có xuất xứ rõ ràng. Đa số người bán trực tiếp làm ra sản phẩm. Người tiêu dùng có bất cứ thắc mắc nào về sản phẩm đều có thể trao đổi trực tiếp với người sản xuất và được thông tin, giải thích rõ ràng.
Để bảo đảm chất lượng hàng hóa, tại phiên chợ thường xuyên có cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum) lấy mẫu ngẫu nhiên kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đơn vị này đã lấy ngẫu nhiên 17 mẫu rau, củ, quả để test nhanh tại hiện trường. Kết quả, cả 17/17 mẫu đều đạt yêu cầu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà Nguyễn Minh Vương cho biết, để sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng, huyện Đăk Hà yêu cầu 100% xã, thị trấn đều phải tham gia và có ít nhất 1 gian hàng tại phiên chợ.
Các cơ sở sản xuất, đơn vị tham gia phải cung cấp những sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng; tạo cơ hội cho khách hàng kết nối thường xuyên với nhà sản xuất, phân phối. Mặt hàng tham gia là những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý.
Khi nghe tin về phiên chợ nông nghiệp sạch, chị Nguyễn Mai Phương, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, đã cùng gia đình đến tham quan mua sắm. Sau khi tham quan các gian hàng, chị đã “thu hoạch” được nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch về cho gia đình và người thân cùng sử dụng. Chị Phương cho biết: “Tôi rất hài lòng và yên tâm về chất lượng các mặt hàng tại đây. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn các phiên chợ như thế này để người dân được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đăk Hà, các hộ nông dân đã từng bước nâng cao nhận thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện bảo đảm quy trình canh tác từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư, chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; các sản phẩm từ cà phê, tinh bột sắn và cá nước ngọt đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân, thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển.
Nhiều sản phẩm của huyện như: cà phê, gạo thơm, nếp than; mật ong; các loại trái cây, rau, củ; giống cây trồng; dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ; heo sọc dưa, gà thả vườn… nhiều sản phẩm của huyện đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3, 4 sao, có 1 sản phẩm cấp quốc gia hạng 5 sao.
Để tiếp tục phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp sạch và tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện Đăk Hà cũng đã tăng cường công tác lãnh đạo, tranh thủ các nguồn lực để thúc đẩy liên kết, nhằm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục phát huy mạnh mẽ sự tham gia tích cực của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị, cùng với sự liên kết chặt chẽ, phối hợp đồng bộ và có sự chủ động của các ngành, huyện đã triển khai và đạt nhiều kết quả cao, nhất là các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực của huyện như: Cà phê, cây ăn quả, cá nước ngọt, sắn, lúa,... được nâng cao cả về năng suất, sản lượng và chất lượng; từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.