Đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống thương mại
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, các chủ thể OCOP cần nghiên cứu kỹ mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn vào các hệ thống phân phối, còn các đơn vị thương mại cần hiểu được khó khăn của các chủ thể OCOP để có chính sách phù hợp.
OCOP là “đại sứ” vùng, miền
Tại hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP vào các hệ thống thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long, liên kết cùng phát triển Cà Mau 2023” vào ngày 11.12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Sau hơn 5 năm triển khai chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), cả nước đã có 10.811 sản phẩm đạt 3 sao trở lên của 5.610 chủ thể (gồm 37,9% là hợp tác xã, 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác). Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long có 2.046 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước).
“Mỗi sản phẩm OCOP như một đại sứ của vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Từ đó, góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương”, ông Tiến đánh giá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tiềm năng rừng, biển và hệ sinh thái động vật phong phú... đã góp phần thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Đến nay, tỉnh có 145 sản phẩm được công nhận OCOP (32 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao). Trong đó, 42 sản phẩm đã được đưa vào các hệ thống siêu thị, liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh và kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt, 100% sản phẩm OCOP Cà Mau đều được đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ: madeincamau.com.
Qua khảo sát cho thấy các sản phẩm OCOP của Cà Mau sau khi được công nhận có doanh thu tăng10 - 30%, hầu hết giá bán sản phẩm tăng 20%, cá biệt có một số sản phẩm giá bán tăng 25 - 30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 600 lao động với mức lương 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại
Tuy nhiên, theo ông Sử, các chủ thể OCOP của Cà Mau nói riêng và các tỉnh, thành nói chung hầu hết là các hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp tương đối nhỏ. Vì thế, năng lực tiếp cận thị trường còn khó khăn, khả năng nắm bắt, thích ứng để linh hoạt thay đổi theo xu hướng, thị hiếu còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận công nghệ số, kết nối giao thương trực tuyến cho các sản phẩm OCOP chưa được đẩy mạnh. Sản phẩm OCOP còn mang tính tương đồng cao giữa các địa phương. Việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP của chính quyền cơ sở chưa được quan tâm đúng mức…
Nhằm đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối thuận lợi hơn, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; mở rộng điểm bán hàng ưu tiên ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các điểm du lịch lớn trong khu vực.
Đồng thời, tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP gắn với chương trình văn hóa, lễ hội của vùng, địa phương; tăng cường các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại các khu du lịch. Kết nối đưa sản phẩm OCOP vào chuỗi cung ứng thực phẩm tại các trường học, khu công nghiệp để tạo đầu ra ổn định. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi, đưa sản phẩm OCOP lên các kênh thương mại điện tử; xúc tiến xuất khẩu sản phẩm OCOP sang thị trường Trung Quốc thông qua việc mở kênh, livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, các chủ thể OCOP nghiên cứu kỹ việc mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn vào các hệ thống phân phối. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, chủ thể OCOP cần nâng cao năng lực quản trị, marketing và khả năng tham gia vào các kênh phân phối hiện đại. Các đơn vị thương mại cần thấy được tiềm năng, lợi thế và hiểu được khó khăn của các chủ thể OCOP để có những chính sách phù hợp hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.