Đưa Thánh địa Mỹ Sơn lên 'thực tế ảo'
Thánh địa Mỹ Sơn đang được xây dựng website thực tế ảo, đây là một tin vui cho những người quan tâm đến di tích này. Công nghệ thực tế ảo đang là một trợ thủ đắc lực cho công tác bảo tồn di sản.
Mới đây, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Công ty Cổ phần Giải pháp Chuyển đổi số (VR360) là đơn vị thành viên của Bizverse phối hợp xây dựng website thực tế ảo VR360 chi tiết cho Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Mục đích của dự án là nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, tăng trải nghiệm cho khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, giúp Ban Quản lý ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
Dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ đầu năm 2022 đến nay, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được xây dựng website thực tế ảo VR360 chi tiết cho toàn bộ di sản, tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World. Giai đoạn 2, triển khai vào cuối năm 2022 và 2023, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới, tạo không gian triển lãm cho bảo tàng trên Metaverse để người xem có thể tham quan từ xa, nâng cao khả năng tương tác và xoay 360 độ.
Thời gian qua, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cũng đã triển khai nhiều dự án đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản như số hóa hiện vật, đề án thuyết minh đa ngôn ngữ, dịch vụ Internet banking, quét mã QR...
Thực tế, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong công tác bảo tồn di sản trong những năm gần đây. Trên thế giới, hầu hết các di tích lớn như: đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan, Myanmar), cung điện Al Azem Palace (Damascus, Syria), thành phố cổ Chichen Itza (Mexico)... đều đã ứng dụng công nghệ này. Công nghệ giúp người xem ở bất kỳ nơi nào có kết nối internet đều có thể ngắm nhìn, khám phá, thậm chí tương tác gần như thực tế với các cảnh quan. Đặc biệt, không chỉ hiển thị đơn thuần dưới dạng hình ảnh 3D, một số hệ thống còn có thể mô phỏng âm thanh, thậm chí cả mùi khá chân thực.
Tại Việt Nam, mặc dù công nghệ chưa thực sự phổ biến trong công tác bảo tồn di tích nhưng những năm qua cũng đã có các tiến bộ đáng kể. Như công trình di tích hoàng cung Thăng Long thời nhà Lý được phục dựng 3D, dự án tham quan Hoàng thành Huế bằng công nghệ VR “Hue Imperial VR Centre” (thành quả của chương trình hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế với đối tác Hàn Quốc IV COM).
Tháng 4 vừa qua, Dự án “Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” cũng được chính thức khởi động.
Có thể thấy, công nghệ không chỉ là một xu thế mà còn là một giải pháp quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Nước ta có hệ thống các danh thắng, di sản phong phú, trải dài khắp các vùng miền trong cả nước. Nếu thức sự số hóa bằng công nghệ được tiến hành, sẽ là một phương pháp bảo tồn và quảng bá di sản cực kì hữu hiệu.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dua-thanh-dia-my-son-len-thuc-te-ao-post455828.html