Đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ quan trọng là phải tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn thể chế, đặt biệt là đưa thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đây là quan điểm mới và dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đóng vai trò khâu đột phá để nhanh chóng thực hiện Nghị quyết này.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Chiều 13/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) chủ trì cuộc họp lần thứ 2 Ban chỉ đạo.

Theo Quyết định số 1372/QĐ-TTg ngày 13/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua việc chuyển tên dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) thành dự án Luật Khoa học và Đổi mới sáng tạo.

Dự án Luật sẽ được trình Chính phủ xem xét vào Phiên họp Chính phủ tháng 2/2025 để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 3/2025, Quốc hội cho ý kiến tháng 5/2025. Như vậy, thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi các thành viên Ban chỉ đạo tập trung chỉ đạo để dự án Luật được hoàn thành và trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Xây dựng Luật phải gắn với tinh thần của Nghị quyết 57

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết, đặt trong bối cảnh mới, việc sửa đổi Luật không chỉ thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng ban hành sau khi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 ra đời đến nay mà còn phải kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW.

"Các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế đã được thể hiện rất rõ tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP", Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) chủ trì cuộc họp lần thứ 2 Ban chỉ đạo - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) chủ trì cuộc họp lần thứ 2 Ban chỉ đạo - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Theo đó, trọng tâm đầu tiên là khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách Nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế... Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan. Hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc gắn kết 3 "nhà" (Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp) để phát huy được sức mạnh chung, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập hoạt động hiệu quả; thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra;...

"Khoa học-nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn và đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc hợp, Phó Thủ tướng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu tập trung cho ý kiến các nội dung cần bổ sung, hoàn thiện trong hồ sơ dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là các nội dung cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa được đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW để đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự phát triển đột phá.

Trên tinh thần chỉ đạo, gợi mở của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, người đứng đầu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Luật bày tỏ mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề để Ban Soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, bổ sung vào hồ sơ dự án Luật, để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Cần cập nhật nội dung mới, kiến tạo những đột phá mới

Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy báo cáo tiến độ cũng như nội dung chính của việc tổ chức xây dựng dự án Luật và ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện một số bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ghi nhận nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian ngắn đã kịp thời xây dựng, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và gửi xin ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức và nhân dân; các đại biểu đóng góp các ý kiến rất xác đáng, cấp tiến.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá, tới thời điểm hiện tại, dự thảo Luật có bước tiến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu mới.

"Dự thảo Luật vẫn được xây dựng trên cơ sở luật đã có nên chưa có đột phá. Cần đột phá mới về tư tưởng, tháo gỡ và đổi mới tư duy trong nghiên cứu khoa học", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cần lưu ý hơn nữa đến cơ chế phân phối nguồn lực, cơ chế chi tiêu, cắt giảm thủ tục hành chính; xập nhật nội dung về cơ chế đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Về cơ bản, Ban chỉ đạo thống nhất với phương án tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật để thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đồi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nghiêm túc và khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Ban chỉ đạo, tiếp tục rà soát, cập nhật, đặc biệt là các nội dung cần tiếp tục bổ sung để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57- NQ/TW.

Ban Chỉ đạo cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện hồ sơ Luật và gửi Bộ Tư pháp thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ bám sát tiến độ, tập trung hoàn thiện hồ sơ Luật để trình Chính phủ vào tháng 2/2025.

"Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, các thành viên Ban chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, kịp thời có ý kiến góp ý cho hồ sơ Luật đúng thời hạn", Phó Thủ tướng yêu cầu./.

Minh Ngọc

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/dua-the-che-tro-thanh-loi-the-canh-tranh-trong-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-102250113182812505.htm