Đưa thông tin sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ, người tiêu dùng phải bồi thường

Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo hướng, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại do thông tin sai sự thật.

Bảo vệ quyền lợi khi người tiêu dùng bị chính người tiêu dùng xâm hại

Sáng 26/5, tại phiên thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) thuộc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, việc bổ sung quy định trên sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.

Các ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 26/5.

Các ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 26/5.

Trong phiên thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi tiêu dùng khi bị người tiêu dùng khác xâm hại…

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh, nước ta đang phấn đấu trở thành một nước văn minh. Để đạt được điều đó thì cần rất nhiều yếu tố như nguồn lực văn hóa, con người, pháp luật. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, có một yếu tố làm cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ bị giảm chất lượng, đó là việc người tiêu dùng tranh giành, chen lấn khi mua hàng hóa.

Hay sử dụng dịch vụ thông qua thực hiện hành vi, lời nói, cử chỉ ăn mặc, sử dụng thiết bị cá nhân, đem theo vật nuôi không phù hợp với quy định, không phù hợp với không gian, thời gian, thuần phong mỹ tục. Đại biểu cho rằng, đây là hành vi không không bảo đảm an toàn quyền lợi của người tiêu dùng khác mà có lẽ ai cũng gặp phải nhiều lần dù không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, chức vụ, điều kiện kinh tế. Nhiều người tiêu dùng, họ nghĩ tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xem họ là thượng đế.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Theo đại biểu, mọi người cần được mua hàng hóa, sản phẩm, sử dụng dịch vụ trong không gian, thời gian phù hợp, được đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo quyền lợi khác. Tại Khoản 6, Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng nêu quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành cũng quy định mọi công dân có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, luật này là để cụ thể hóa về một nhóm đối tượng nên cần quy định rõ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, trước hết phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh đảm bảo không bị xâm hại, không chỉ từ tổ chức, cá nhân khác mà từ cả người tiêu dùng khác.

Quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa

Đóng góp vào dự thảo luật, ĐBQH Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, các biện pháp bồi thường, xử lý cho người tiêu dùng khi có sự cố, sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

ĐBQH Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên thời gian, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, mức độ sai lệch, thiếu sót của thông tin so với thực tế, mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót dẫn đến quyết định của người tiêu dùng.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, đối với việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra quy định tại Điều 34, thời gian qua, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm ngày càng chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng như quy định, biện pháp khắc phục của doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật,…

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định ràng buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh có hàng hóa khuyết tật, sản phẩm bị lỗi phải bồi thường cho người tiêu dùng trong một thời gian nhất định.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải thực hiện chủ động từ sớm thì sẽ được cụ thể hóa, lượng hóa như thế nào trong các điều luật khác. Ngoài ra, đối với nguyên tắc công bằng được thể hiện như thế nào giữa quan hệ người mua, người bán, quan hệ thuận mua vừa bán; hay như quy định giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, tự nguyện, không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dua-thong-tin-sai-su-that-ve-san-pham-dich-vu-nguoi-tieu-dung-phai-boi-thuong-169230526113409898.htm